Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Tầm nhìn đổi mới của nhà lãnh đạo tài năng

Hà Nội (TTXVN 22/11/2022) Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - gần một thế kỷ là vô cùng phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả ba miền đất nước. Ông là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn quan niệm: tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông thành công trong mọi bước đi.

* Dấu ấn đổi mới kinh tế

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thể hiện tác phong sâu sát thực tiễn, với phương châm vừa học, vừa làm, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là tinh thần mạnh dạn, táo bạo, sự năng động và đổi mới khi đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Sống trong dân, đồng chí học được nhiều ở trí tuệ của dân. Ðó là những người có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ðồng chí rút ra bài học: Cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai. Ðồng chí hành xử theo cái "minh triết" ấy của người dân. Niềm tin của đồng chí được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ: "nhân dân rất thông minh", và một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền "được lòng dân", "ta đừng có làm gì trái ý dân,  dân muốn gì ta phải làm nấy". Chính nơi đây, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được người dân yêu mến dành cho những danh xưng: “Sáu Dân", "Chủ tịch gạo", "Bí thư xé rào”. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người góp phần quan trọng đưa TP Hồ Chí Minh từng bước phát triển vững chắc, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem mô hình xây dựng khu dân cư An Phú (phía Bắc cầu Sài Gòn), TP Hồ Chí Minh (1995). Ảnh: Minh Đạo-TTXVN

Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 là giai đoạn TP Hồ Chí Minh đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn về kinh tế-xã hội. Từ năm 1979 trở đi, kinh tế Thành phố suy giảm, kém phát triển, rơi vào khủng hoảng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giảm sút; thương nghiệp, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, thị trường bị gián đoạn, chia cắt. Đời sống nhân dân Thành phố vô cùng khó khăn. Thấu hiểu và xót xa trước tình cảnh người dân sinh sống ở “vựa lúa” của cả nước nhưng lại thiếu ăn, phải ăn độn hàng ngày đã thôi thúc, đè nặng trong tâm trí, suy nghĩ của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Là một cán bộ lãnh đạo cách mạng luôn trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, song đồng chí Võ Văn Kiệt không giập khuôn, máy móc, giáo điều chủ trương, chính sách mà luôn nhận thức linh hoạt, uyển chuyển, bám sát thực tiễn. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng bộ Thành phố suy nghĩ, tìm tòi phương cách tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới phù hợp thực tiễn, mở đường cho sản xuất “bung ra”, phát triển đúng với đặc thù của kinh tế Thành phố là sản xuất hàng hóa theo hướng kinh tế thị trường.

Để khắc phục tình trạng “bán như cho, mua như cướp”, đồng chí táo bạo “phá rào”, bỏ những bức tường “ngăn sông cấm chợ”, một loại rào cản gây ách tắc lưu thông, tạo ra sự khan hiếm giả tạo về hàng hóa, mở đường tạo sự thông thoáng giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong nước. Lắng nghe ý kiến từ cuộc sống, từ chính doanh nghiệp, hợp tác xã, từ công nhân, nông dân, người lao động, đồng chí cho phép các giám đốc xí nghiệp "xé rào có kiểm soát", vượt qua những quy định quản lý kinh tế không còn phù hợp, kìm hãm sản xuất. Cho phép giám đốc quyền tự chủ làm những việc có lợi như kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động, có lãi, công nhân được lợi, khoán công, khoán việc, đi liền với đó là khen thưởng bằng lợi ích vật chất thỏa đáng, kỷ luật đúng mức. Tất cả được lắng nghe, xử lý thấu đáo, có sức lan tỏa nhanh, thổi luồng gió mới vào xã hội, vào doanh nghiệp, hợp tác xã, vào đời sống kinh tế.

Đầu năm 1979, dưới sự lãnh đạo của ông, Thành phố đã xuất hiện một số mô hình “tháo gỡ” trong  những cơ sở sản xuất công nghiệp như: Công ty Bột giặt miền Nam; Dược phẩm 2/9; Nhà máy Bia Sài Gòn; các xí nghiệp dệt Thành Công, Phong Phú, Thắng Lợi... Riêng Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá II chỉ trong vòng 1 tháng cuối năm 1980 đã hoàn thành khối lượng sản phẩm bằng 40% chỉ tiêu kế hoạch của cả năm với 62 triệu bao. Lúc đó, nhiều người bất ngờ trước khả năng “bung ra” năng lực sản xuất của các xí nghiệp. Nhiều xí nghiệp đã từ đặc điểm của ngành mình đồng loạt tiến hành “tháo gỡ”, “bung ra” và đều tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Và từ đầu thập niên 80 trở đi, nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu dần phát triển, tăng trưởng.

Nhiều năm sau này, trên cương vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí cùng nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy, cách nhìn, cách quản lý doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp ngày nay là lực lượng đông đảo, hùng hậu, đi tiên phong xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện an sinh xã hội, là niềm tự hào chính đáng của đất nước.

* “Tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo

Với tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “ làm nhiều hơn nói nhiều”, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “ tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận- Đa Mi, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam…; các công trình giao thông như đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, đường cao tốc Láng-Hòa Lạc; đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận…; các dự án, công trình lớn như chương trình khai thác và phát triển kinh tế-xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Sự phát triển của các ngành như dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước... đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của đồng chí.

Theo ông Trần Viết Ngãi - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo công trình đường dây 500 kV: đường dây 500 kV là công trình mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bởi khi đó, trên thế giới chưa có nước nào làm đường dây truyền tải lớn như vậy, ngay từ ý tưởng đã cho thấy sự táo bạo của người đứng đầu Chính phủ. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra tiến độ thi công trạm biến áp 500Kv tại Hòa Bình phục vụ đường dây 500kV Bắc-Nam (1996). Ảnh: Minh Đạo-TXVN

Về vị "thủ trưởng" của dự án này, theo ông Ngãi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất sát sao, dù bận rộn với công việc của Chính phủ nhưng Thủ tướng vẫn thường xuyên đi thị sát công trường, trực tiếp chỉ đạo. Nơi nào gặp khó là Thủ tướng có mặt để tháo gỡ.

Nói về việc đường dây 500 KV gặp không ít rào cản, nghi ngờ dự án thất bại, lãng phí ngân sách, ông Ngãi nhớ mãi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt thể hiện quyết tâm và nhấn mạnh đến trách nhiệm của cá nhân - "nếu công trình mà thất bại thì tôi sẽ từ chức". Tinh thần mạnh dạn, dám làm dám chịu, vì cái chung của Thủ tướng là một trong những yếu tố quan trọng góp nên thành công của công trình vĩ đại này.

Từ đồng chí Võ Văn Kiệt dường như luôn tỏa ra một nguồn năng lượng, một bầu nhiệt huyết hết sức dồi dào, một ham muốn cống hiến sục sôi và luôn luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới, muốn ngày hôm nay phải hơn, phải khác ngày hôm qua, và ngày mai, ngày kia phải thật sự là những ngày mới. Do đó, địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long luôn in đậm dấu chân của ông. Ông đã đi khảo sát vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên để đề ra quyết sách “sống chung với lũ” nổi tiếng vừa hợp với thiên nhiên vừa hợp với lòng người. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa nông sản của cả nước, có vai trò rất quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực, do đó đồng chí rất quan tâm đến việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản ở đây. Đặc biệt là vấn đề lập Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long để khai sinh một định chế tài chính mới, mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng với mục tiêu khai thác, huy động, tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ổn định nhà ở cho người dân, nhất là người dân ở vùng lũ lụt; góp phần chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ cho sự phát triển toàn bộ khu vực này.

Cho đến gần những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn lặn lội nhiều nơi trên miền Đồng bằng sông Cửu Long trời nước mênh mông. Ông trăn trở, suy tư tìm kế sách để đồng bào có thể chung sống với lũ, làm chủ con nước và làm giàu trên vùng đất đai rộng lớn màu mỡ, trước sự đe dọa của thiên tai. Kế hoạch chuẩn bị đi thăm Hà Lan để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trị thủy của nước bạn để giúp dân, giúp nước chống lại nước biển dâng do sự nóng lên của trái đất là kế hoạch cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt chưa kịp thực hiện.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đẹp mãi với hình ảnh một nhà lãnh đạo có đầu óc canh tân, nụ cười hồn hậu, tấm lòng vì nhân dân, vì đất nước. Nhân cách, phẩm chất và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn còn mãi với đất nước, với thời gian./.

Diệp Ninh (tổng hợp)