Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - EU trên nhiều lĩnh vực
Hà Nội (TTXVN 25/9/2002) Trong chuyến thăm Châu Âu lần này, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm hữu nghị chính thức Đại Công quốc Lúc-xăm-bua từ ngày 24-25/9/2002; thăm Vương quốc Bỉ và Ủy ban Châu Âu (EC) từ ngày 26-27/9/2002. Chuyến thăm không chỉ nhằm tăng cường quan hệ song phương với hai nước Tây Âu nói trên, tăng cường quan hệ hợp tác với Ủy ban Châu Âu (EC), mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU), một khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh và có trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Theo Báo cáo của Liên minh Châu Âu về hợp tác phát triển với Việt Nam, tính đến hết năm 2000, các nước thành viên EU và EC đã cam kết viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam 2,4 tỷ USD, trong đó đã giải ngân hơn 1 tỷ USD. EU là nhà tài trợ lớn thứ ba ở Việt Nam sau Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới về cam kết tích lũy và là nhà tài trợ lớn thứ hai về tổng số giải ngân đến hết năm 2000. Trong số các nước thành viên EU, Pháp là nhà tài trợ lớn nhất với tổng cam kết tích lũy hơn 487.000 Euro, tiếp theo là Đan Mạch (hơn 442.000 Euro), Đức (hơn 398.000 Euro), Thụy Điển (hơn 340.000 Euro).
Ngoài hợp tác phát triển song phương, các nước thành viên EU còn cung cấp nhiều khoản vốn ODA cho Việt Nam thông qua sự đóng góp cho các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức khác. Các khoản ODA của các nước thành viên EU và EC dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực: năng lượng (chiếm 14% tổng số giải ngân), phát triển nguồn nhân lực (13%), nông nghiệp (12%), lâm nghiệp và đánh bắt thủy sản, tài nguyên thiên nhiên và y tế. Sự phân bổ nguồn vốn ODA theo lĩnh vực phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của EU đối với việc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thông qua các cải cách hành chính, kinh tế, xã hội. Điều này cũng phù hợp với các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam. Không chỉ là nhà tài trợ hàng đầu, EU còn là bạn hàng lớn của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh trong những năm gần đây và hiện nay EU là thị trường xuất khẩu khoảng 30% tổng số hàng xuất khẩu của Việt Nam. Là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các dự án đầu tư của các nước thành viên EU đều phát huy hiệu quả tốt và có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong việc tiếp cận những công nghệ tiên tiến.
* Một thành viên EU - Lúc-xăm-bua tuy là một nước nhỏ với gần nửa triệu dân, nhưng lại là nước có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 5,5% giai đoạn 1985-1999), có thu nhập bình quân GDP theo đầu người vào loại cao nhất thế giới, khoảng 44.000 USD. Các lĩnh vực thế mạnh của Lúc-xăm-bua là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Luôn quan tâm đến hợp tác phát triển, Lúc-xăm-bua coi Việt Nam là nước đứng đầu Châu Á và là một trong mười nước trọng điểm trên thế giới trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Lúc-xăm-bua. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của Lúc-xăm-bua vào Việt Nam và kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước còn rất khiêm tốn.
* Cùng là thành viên EU và là một trong những nước phát triển ở Tây Âu, Vương quốc Bỉ có ngành sản xuất thép đứng hàng đầu thế giới (10 triệu tấn/năm) và nhiều ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trong EU và trên thế giới. Điểm mạnh cơ bản của kinh tế Bỉ là một số ngành truyền thống phát triển đến trình độ tiên tiến như luyện kim, chế tạo cơ khí, hóa chất, dệt, thủy tinh, đầu máy xe lửa, điện, lọc dầu, vận tải biển. Ngoài ra, Bỉ còn có hệ thống đường bộ, đường không, hải cảng phát triển cao. Bỉ là nước phương tây đầu tiên thực hiện giảm nợ thương mại cho Việt Nam. Trong những năm qua, Bỉ đã xếp Việt Nam vào diện các nước ưu tiên cấp viện trợ và đã viện trợ cho nhiều dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, chăn nuôi... Những năm gần đây, kim ngạch buôn bán giữa hai nước tăng nhanh, trung bình 30%/năm, tuy nhiên còn ở mức rất thấp so với tổng kim ngạch thương mại của mỗi nước. Đầu tư của Bỉ vào Việt Nam cũng chưa đáng kể.
Phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với EU là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, nhằm thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo tinh thần đó và trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa Việt Nam và EU, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Lúc-xăm-bua, Bỉ và EC lần này sẽ tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước nói trên, với EC và EU nói chung, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực các nước này có thế mạnh, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển và các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam./.
Nguyễn Thị Sự