Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 2/1/2024) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Người cũng là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành những chuẩn mực đạo đức đó.

 

* Tư tưởng Hồ Chí Mình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không chỉ là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành tiết kiệm mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tiết kiệm, chống lãng phí để tăng gia sản xuất, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Như vậy, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước.

Theo ông Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Quan điểm tiết kiệm của Bác Hồ hết sức biện chứng và hết sức gần gũi với người đó là tiết kiệm tức là tiêu dùng hợp lý, một cái gì đáng tiêu thì tốn bao nhiêu cũng phải tiêu, những cái gì không đáng tiêu thì một xu cũng không được tiêu”. Bác đặc biệt phê bình kiểu tiết kiệm một cách phiến diện, tiết kiệm không có nghĩa là bắt cán bộ công nhân phải ăn đói mặc khát để tiết kiệm.

Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chính là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Tiết kiệm không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch.

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều”.

Đặc biệt, với tầm nhìn xa, tính khái quát cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tiết kiệm là một trong những phẩm chất làm nên đạo đức của mỗi người, trong đó nổi bật là đạo đức của người cộng sản. Người dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.

Cùng với thực hành tiết kiệm, Bác cũng rất quan tâm đến việc phòng, chống lãng phí trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Theo Bác, đi liền với tham nhũng là lãng phí; đó là hai thứ “giặc nội xâm” làm hại dân, hại nước. Tuy những người gây nên lãng phí không lấy của công cho riêng mình như tham nhũng, song, hậu quả mà nó gây nên cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Người chỉ ra các dạng lãng phí để mọi người nhận biết và khắc phục. Đó là: lãng phí về lao động: thể hiện ở việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, bố trí nhân sự không đúng; lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày; lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan, bản thân mình: ăn tiêu xa xỉ, tiêu xài không hợp lý, mắc bệnh “phô trương, hình thức”. Điển hình trong lãng phí của công là các cơ quan dùng điện, nước, vật liệu một cách vô tội vạ, dùng xe vào mục đích cá nhân, xử dụng xăng, dầu phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc, nguyên vật liệu không đúng mức; các dự án đầu tư dàn trải, không hiệu quả… Những thứ bệnh đó, theo Bác, một phần là do hậu quả của xã hội cũ để lại, do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ, hại dân mà ra; mặt khác, do ý thức tập thể kém, tùy tiện, “của chung không ai lo”, làm được chăng hay chớ, cốt xong việc của mình. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thâm hụt ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mức sống của nhân dân.

 * Người là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Trọn đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành tiết kiệm. Đã có rất nhiều câu chuyện tiết kiệm của Bác được kể lại, mỗi câu chuyện có thể rất nhỏ, nhưng lại hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có nêu một chi tiết rất cảm động là “ngày 10/5/1969, từ 9h30 đến 10 h30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969”.

Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy 1 mặt, dùng chiếc phong bì 2,3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác sau bao tâm tư: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chon trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước.

Lúc sinh thời, trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc... Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ... Nhà ở của Bác cũng "không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam" (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét)...

Bác cũng luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ “lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”. Và chính tấm gương sáng về tinh thần tiết kiệm đã tạo niềm tin, là sự bảo chứng uy tín nhất đối với nhân dân cả nước.

Điều này đã lý giải vì sao người dân cả nước đã nô nức hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm.

Ở Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc cho Chính phủ trong Tuần lễ Vàng, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có... đều hưởng ứng. Số tiền ủng hộ của nhân dân Hà Nội cùng với số tiền của nhân dân cả nước (20 triệu đồng góp “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng đảm phụ quốc phòng, 370 kg vàng) đã giúp Chính phủ khắc phục những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí.

Có thể nói, khi nhắc đến ý thức và văn hóa tiết kiệm, người Việt Nam nào cũng nhớ đến tấm gương của Bác Hồ kính yêu. Những bài học về tiết kiệm mà Người tự mình thực hành vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

 * Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiều nghị quyết của Đảng, vấn đề tiết kiệm và thực hành tiết kiệm đã được nêu ra và có những chỉ đạo quyết liệt. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2007/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Năm 2013, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và đã được sửa đổi vào các năm 2017, 2018. Bên cạnh đó, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được Chính phủ ban hành vào năm 2014 đã thể hiện rất rõ quan điểm về tiết kiệm của Đảng, Nhà nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra: “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế… Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đại hội xác định “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như:

Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi;

Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia... ./.

Phương Anh (tổng hợp)