Thương tiếc Giáo sư Hoàng Châu Ký - Cây đại thụ của sân khấu tuồng Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Giáo sưHoàng Châu Ký

Hà Nội (TTXVN 1/2/2008)

Vào lúc 13 giờ 20 phút ngày 31/1/2008 (nhằm ngày 24/12 năm Đinh Hợi), Giáo sư Hoàng Châu Ký - cây đại thụ của sân khấu tuồng Việt Nam đã từ trần tại thành phố Đà Nẵng, hưởng thọ 87 tuổi.

Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh ngày 16/5/1921 trong một gia đình nho giáo tại xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đến năm 21 tuổi ông được kết nạp và Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông hoạt động trên 2 lĩnh vực chính trị và văn hóa nghệ thuật, đặc biệt có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu tuồng.

Chức vụ cao nhất ông từng giữ trong sự nghiệp chính trị-văn nghệ của mình là Phó Trưởng ban Tuyên huấn, phụ trách giáo dục văn nghệ tỉnh Quảng Nam. Nhưng ông thích thú và mãn nguyện nhất khi được giao trách nhiệm thành lập Đoàn Tuồng Liên khu 5, năm 1952 với những nghệ sĩ tuồng chói sáng nhất miền Trung: Đội Tảo, Phó Sơn, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai... Cũng trong thời gian này, Hoàng Châu Ký phát lộ khả năng nghiên cứu uyên thâm về hai tác giả tuồng kinh điển của Việt Nam: Đào Tấn và Nguyễn Hiển Dĩnh.

Ngay sau hòa bình lập lại, ông trở thành nhân vật chủ chốt của nền sân khấu cách mạng Việt Nam: Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Viện trưởng Viện Sân khấu...

Song, cái còn lại cuối cùng, tinh chất của đời ông, nơi ông trút hết tâm huyết của mình, vẫn là những tác phẩm nghiên cứu về nghệ thuật tuồng và những vở tuồng mẫu mực mà ông đạo diễn, chỉnh lý hoặc đồng sáng tác: “Nghêu Sò ốc Hến”, “Sơn Hởu”, “Ngọn lửa Hồng Sơn”..., và “Nguyễn Duy Hiệu”, “Trần Quý Cáp”, “Cao Doãn”, “Nguyễn Huệ-Quang Trung”, “Trần Cao Vân” v.v... Những tác phẩm chuyên khảo về tuồng của ông đã đạt tới giá trị mẫu mực về tinh thần và phương pháp nghiên cứu sân khấu truyền thống: Tuồng cổ (1978), Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng (1973) là những ví dụ tiêu biểu.

Sau năm 1975, Hoàng Châu Ký trở thành một vị cố vấn khoa học quan trọng cho Viện Sân khấu. Ông dành trọn phần đời cuối cùng cho tuồng miền Trung. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1984, và rực rỡ, thăng hoa trong hai công trình nghiên cứu tuồng rất có giá trị: “Nghệ thuật biên kịch tuồng” và “Nghệ thuật biểu diễn tuồn”g.

Phải nhìn thấy Giáo sư Hoàng Châu Ký diễn giảng về tuồng, nghe ông hát, xem ông múa, nhìn ông gõ trống..., người ta mới hiểu vì sao ông chưa bao giờ phôi phai tình yêu dành cho nghệ thuật này, một loại hình mà theo nhận xét của nhà nghiên cứu nổi tiếng người Ba Lan K.S.Mickievich: "Tôi đã gặp cả Shakespeare lẫn B.Brecht trên sân khấu cổ truyền Việt Nam".

Và tuổi tác như không tác dụng mấy đối với con người đầy sinh lực nghệ thuật này. Trong bất cứ cuộc tụ hội đông người nào, chỗ nào có mặt ông già Hoàng Châu Ký là chỗ ấy vang lên nhiều tiếng cười nhất. Không chỉ tiếng cười, còn cả những kiến thức, những trăn trở, còn vô số những việc muốn làm cho văn hóa - cho lớp trẻ, mà ông chưa có điều kiện và không còn thời gian thực hiện.

 Cho đến nay, tuồng Việt Nam đã được thừa nhận là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu đáng tự hào của đời sống tinh thần người Việt. Nhưng để đi tới tổng kết tốt đẹp này, nhiều người đã phải bỏ cả cuộc đời với bao công sức và tâm huyết từ những viên gạch xây nền móng đầu tiên. Giáo sư Hoàng Châu Ký là một trong những tên tuổi không thể thiếu khi nói đến nghệ thuật Tuồng của Việt Nam. Ra đi ở tuổi 87, ông để lại khoảng trống không bù đắp được  trong lĩnh vực nghiên cứu Tuồng./.

Phạm Phương Thảo