Thượng tướng Hoàng Minh Thảo với cách mạng Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)

Hà Nội (TTXVN 24/10/2016)

Hoàng Minh Thảo là vị tướng tài năng, đức độ. Danh tiếng của ông làm cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tin yêu, quân thù nể phục. Cuộc đời của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vô cùng phong phú và nổi bật trên nhiều lĩnh vực, nhưng nổi bật nhất trong con người ông là phẩm chất của một vị tướng xông pha trận mạc.

* Nhà chỉ huy quân sự tài ba

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo - tên khai sinh là Tạ Thái An, sinh ngày 25/10/1921 tại xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Cuộc đời binh nghiệp của tướng Hoàng Minh Thảo kéo dài suốt nửa cuối thế kỉ XX, đã trải qua rất nhiều trận chiến đấu với quy mô lớn nhỏ. Tháng 5/1945, khi mới 24 tuổi đời, 1 tuổi quân ông đã chỉ huy đội du kích Tràng Định (Lạng Sơn) tiêu diệt đồn Pò Mã. Từ đó, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, ông đã gắn cuộc đời của mình với quân ngũ, trở thành vị tướng có tầm nhìn chiến lược, thường xuyên có mặt ở những nơi ác liệt, gian khó nhất và có ý nghĩa lớn của cuộc cách mạng. Năm 1945 là Tư lệnh Chiến khu 3; năm 1949 đến tháng 2/1950 là Tư lệnh Liên khu 4, rồi sau đó làm Tư lệnh Sư đoàn 304; Hiệu trưởng Trường Quân sự Trung cao, Viện trưởng Học viện Quân sự…

Nhưng có lẽ, phẩm chất tướng lĩnh tài năng trong ông thể hiện rõ nhất khi ông được giao nhiệm vụ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở màn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo, với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên, thì trước hết đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước…”. Ông là nhà chiến lược quân sự thấu hiểu quan điểm quân sự của Đảng, của Bác Hồ luôn luôn chủ trương thắng địch bằng cái giá phải trả nhỏ nhất, hạn chế tối đa thương vong cho bộ đội. Với bản lĩnh trí tuệ sắc sảo, nắm vững và biết kết hợp đồng thời các yếu tố trên chiến trường đã được thử thách, khẳng định qua nhiều trận đánh, ông được Bộ Tổng hành dinh giao cho trọng trách làm Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

Sự nổi tiếng về tài nghi binh lừa địch, tập trung lực lượng ưu thế hơn kẻ thù trong trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã gắn với tên tuổi của ông. Ông được mệnh danh là vị tướng của thế, lực và thời cơ, có nghĩa là phép dùng binh của ông không chỉ dựa vào sự áp đảo về quân số, về trang bị, về hỏa lực mà còn phải dựa vào mưu trí, vào cách đánh sáng tạo, bất ngờ. Cuốn sách của ông “Tìm hiểu về tổ tiên ta đánh giặc” đã cho thấy ông thấu hiểu và vận dụng rất tài giỏi truyền thống và nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta đã áp dụng 3 hình thức chiến thuật mới thì 2 trong đó được hình thành từ chiến trường Tây Nguyên là “Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt” và “Chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục”. Trong cuốn “Sự lừa dối hào nhoáng”, tác giả Mỹ Neil Sheehan nhận xét: Đây là những chiến thuật đánh vào đầu rắn, lúc nào cũng mới vì sử dụng bất ngờ, được sáng tạo và dẫn dắt bởi một trong những tướng tài nhất của Việt Nam đó là Hoàng Minh Thảo.

* Nhà giáo, nhà khoa học đã lao động sáng tạo hết mình

Nếu Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự khi trong hơn 30 năm được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của quân đội ta là Trường quân sự Trung cao, Viện trưởng Học viện Quân sự, Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng.

Những công việc này không chỉ cần phẩm chất của một vị tướng trận mạc dầy dặn kinh nghiệm, mà phải cần phẩm chất của một nhà giáo, một nhà khoa học quân sự, một nhà quản lý. Trên các cương vị công tác này, ông đều tận tâm tận lực cống hiến khả năng trí tuệ của mình để truyền thụ cho thế hệ sau những kinh nghiệm chiến đấu đã được thế hệ ông và chính ông tổng kết.

Ông nghiên cứu phép dùng binh đông tây kim cổ, ông cho công bố những bài viết, những công trình nghiên cứu công phu, đầy tính thuyết phục về tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh..., ông chắt lọc từ thực tiễn chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta để góp phần hình thành tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nhằm vũ trang cho thế hệ sau này những kinh nghiệm xương máu của đạo làm tướng, ông viết nhiều công trình về những vấn đề chỉ đạo tác chiến chiến lược. Ngay khi đang ở chiến trường, năm 1971, ông đã viết “Kinh nghiệm tổ tiên ta đánh giặc”, sau đó là một loạt công trình: “Chiến dịch Tây Nguyên”, “Tìm hiểu một số vấn đề nghệ thuật chỉ huy”. “Nghệ thuật tác chiến, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, “Cách dùng binh”... Lấp lánh trong những công trình đó ta thấy tinh hoa của phép dụng binh từ Tôn Tử, Ngô Khởi, cho đến Kutuzov, Zhukov... và thấu hiểu tinh thần bất hủ trong “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mang cái tinh thần nhân văn cao cả trong phép dụng binh của Nguyễn Trãi, của Hồ Chí Minh.

Trong hơn 30 năm đứng đầu các cơ sở đào tạo quân sự của Quân đội, với những bài giảng sinh động, gắn chặt với thực tiễn, ông đã góp sức đào tạo hàng vạn cán bộ trung cao cấp của quân đội. Trong đó có nhiều tướng lĩnh đang đảm trách cương vị lãnh đạo các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng.

Lớp lớp các sĩ quan cao cấp, sinh viên, thanh niên hôm nay biết đến ông như một người thầy đáng kính, còn giới khoa học biết đến ông như một người bạn, người đồng nghiệp đáng tự hào.

Do có nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạnh của Đảng, Nhà nước, quân đội, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Nhà giáo nhân dân đợt đầu tiên và được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông qua đời ngày 8/9/2008, tại Hà Nội./.

Diệu Linh (tổng hợp)