Tín hiệu tích cực cho xung đột Hamas - Israel
Hà Nội (TTXVN 12/6/2024) Trong một động thái được đánh giá là tín hiệu tích cực cho cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza, bùng phát kể từ ngày 7/10/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sáng 11/6/2024 (theo giờ VN) đã thông qua một dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, kêu gọi thực thi “ngay lập tức, không trì hoãn và vô điều kiện” lệnh ngừng bắn mới ở Gaza.
Nghị quyết vừa được HĐBA LHQ thông qua hướng tới việc thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn ba giai đoạn để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Gaza; kêu gọi phong trào Hồi giáo Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 31/5, hối thúc cả Israel và Hamas thực thi trọn vẹn các nội dung của đề xuất này mà không trì hoãn hay áp đặt thêm điều kiện.
Nghị quyết vạch ra một lộ trình ba giai đoạn để đảm bảo chấm dứt hoàn toàn và bền vững cuộc xung đột giữa Israel và Hamas:
Giai đoạn một bao gồm “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đầy đủ và toàn diện”, song song với việc trả tự do cho các con tin là người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương, trao trả thi thể của một số con tin bị sát hại và trao đổi tù nhân Palestine. Nghị quyết kêu gọi Israel rút các lực lượng khỏi “các khu vực đông dân cư” ở Dải Gaza, tiến hành hồi hương người Palestine, đồng thời đảm bảo hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn và hiệu quả trên diện rộng. Nếu các cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 tuần trong giai đoạn một, lệnh ngừng bắn vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực chừng nào đàm phán còn diễn ra.
Giai đoạn hai sẽ chứng kiến việc các bên chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch để “đổi lấy việc thả tất cả các con tin còn lại vẫn đang bị giam giữ ở Gaza và rút hết lực lượng Israel khỏi Gaza”.
Giai đoạn ba sẽ đánh dấu việc khởi động một kế hoạch tái thiết quy mô lớn kéo dài nhiều năm dành cho Dải Gaza và trao trả cho Israel tất cả hài cốt con tin.
Nghị quyết cũng bác bỏ mọi nỗ lực nhằm thay đổi vấn đề nhân khẩu học hay lãnh thổ ở Dải Gaza, bao gồm cả những hành động nhằm thu hẹp lãnh thổ tại đây. Nghị quyết tái khẳng định “cam kết vững chắc” của HĐBA đối với tầm nhìn giải pháp hai Nhà nước, nơi hai nhà nước là Israel và Palestine tồn tại hòa bình bên cạnh nhau trong các đường biên giới an toàn và được công nhận phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết liên quan của LHQ. Nghị quyết nêu rõ tầm quan trọng của việc thống nhất Dải Gaza với khu Bờ Tây nằm dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine.
Ngay sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết ủng hộ thiết lập kế hoạch ngừng bắn tại Dải Gaza, Tổng thống Mahmud Abbas của chính quyền Palestine ngày 11/6 tuyên bố việc đưa ra nghị quyết này là một bước đi đúng hướng để chấm dứt các cuộc xung đột gây tổn hại cho người dân ở dải đất này. Cùng ngày, Hamas cho biết đã chấp thuận nghị quyết của HĐBA LHQ liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời khẳng định phong trào này đã sẵn sàng tham gia đàm phán về chi tiết nội dung thỏa thuận. Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỹ đều hoan nghênh nghị quyết và kêu gọi cả Hamas và Israel hoàn tất thỏa thuận được đề xuất.
Dải Gaza đang hứng chịu cuộc xung đột gây thương vong nặng nề nhất từ trước đến nay sau cuộc tấn công chưa từng có của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023. Cơ quan y tế tại Gaza cho biết đã có ít nhất 36.801 người thiệt mạng kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát. Thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Israel đã bao vây Dải Gaza, khiến 2,4 triệu người dân tại đây gặp khó khăn trong việc tiếp cận nước sạch, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Phần lớn Gaza biến thành thành dải đất hoang tàn. Giới chức Palestine cho rằng còn hàng nghìn người thiệt mạng đang bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.
Các lực lượng Israel ngày 7/5/2024 đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah, phía Nam Gaza, đồng thời chiếm giữ cửa khẩu biên giới Rafah phía Palestine. Kể từ đó, không có chiếc xe tải chở viện trợ nhân đạo nào di chuyển vào Gaza, nơi người Palestine đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), biết cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ của Palestine tăng lên gần 80%, gây ra tình trạng mất việc làm và sinh kế trên quy mô lớn, trong khi GDP cũng sụt giảm. GDP thực tế đã giảm 83,5% ở Dải Gaza và 22,7% ở Bờ Tây trong 8 tháng qua (tính từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10/2023). Nền kinh tế ở Dải Gaza hiện chiếm 4,1% tổng nền kinh tế Palestine, giảm so với mức 16,7% trước khi nổ ra xung đột./.
Minh Trà (tổng hợp)