Tổng thống Cộng hòa Bulgaria thăm chính thức Việt Nam (1/2009)
Hà Nội (TTXVN 30/1/2009)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hòa Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp (Georgi Parvanov) sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 đến 31 tháng 1 năm 2009.
Cùng đi với Tổng thống Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp và Phu nhân Gio-rơ-ca Pác-van-nốp (Zorka Parvanov) có các vị: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mi-gờ-len-na Ta-che-va (Miglena Tacheva), Bộ trưởng Môi trường và nước Dép-đét Cha-ca-rốp (Djevdet Chakarov), Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam Va-sin Ka-lin-nốp (Vasil Kalinov), Đại biểu Quốc hội Bôi-cô Ve-li-kốp (Boico Velikov), Chánh Văn phòng Tổng thống Ni-kô-la Kô-lép (Nikola Kolev), Chánh Thư ký của Tổng thống Cờ-rát-si-mia Xtôi-an-nốp (Krasimir Stoyanov), Đại sứ Bun-ga-ri tại Việt Nam Ghê-oóc-ghi Va-sin-lép (Georgi Vassilev), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ra-đi-ôn Pô-pốp (Radion Popov), Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng An-na Ia-ne-va (Anna Yaneva), Thứ trưởng Bộ Văn hóa I-van Tô-ka-di-ép (Ivan Tokadjiev).
Tổng thống Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp sinh ngày 28/6/1957 tại tỉnh Pe-rơ-níc. Năm 1975, ông tốt nghiệp trường Trung học phổ thông chuyên toán Pe-rơ-níc. Năm 1981, ông tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Xô-phi-a S.C. Ô-khơ-rít-xki; làm cán bộ khoa học tại Viện lịch sử Đảng Cộng sản Bun-ga-ri. Năm 1988, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ sử học, sau đó tiếp tục làm việc tại Viện lịch sử. Từ năm 1992 đến 1996, ông Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp làm Giám đốc Trung tâm Lịch sử và Chính trị học thuộc Hội đồng Tối cao Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri (BSP). Ông là Đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa từ năm 1981 đến 2001. Tháng 12/1991, BSP thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ, ông tham gia Ban lãnh đạo BSP tại Đại hội 40 của Đảng, là Ủy viên Thường vụ Hội đồng Tối cao BSP. Tháng 6/1994, tại Đại hội 41 của BSP, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tối cao BSP. Tháng 12/1996, tại Đại hội 42 của BSP, trong hoàn cảnh khủng hoảng chính trị sau thất bại của Chính phủ BSP, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Tối cao BSP. Hai tháng sau đó, trên cương vị Chủ tịch, để làm yên lòng dân, ông đã thông qua một quyết định hết sức khó khăn là từ chối cầm quyền và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Là lãnh tụ của BSP đối lập, ông đã thống nhất được cánh tả Bun-ga-ri và thành lập “Cánh tả mới”, định hướng cho lực lượng này đi theo những giá trị dân chủ xã hội của châu Âu.
Tháng 5/1998, tại Đại hội 43 và tháng 5/2000, tại Đại hội 44 của BSP, ông được bầu lại làm Chủ tịch Hội đồng Tối cao BSP. Từ năm 1994 đến 2001, ông là Đại biểu Quốc hội các khóa 37 (1994-1997), 38 (1997-2001) và khóa 39. Từ năm 1997 đến 2001, ông liên tục làm Chủ tịch Nhóm nghị sĩ cánh tả dân chủ và Liên minh vì Bun-ga-ri tại Quốc hội. Tháng 11/2001, ông Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp được bầu làm Tổng thống, nhậm chức ngày 22/1/2002. Năm 2006, ông được bầu lại làm Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2011. Tổng thống Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp là Tiến sĩ danh dự của 3 trường đại học tổng hợp nước ngoài và là tác giả của hàng chục bài viết và sách khoa học. Ông có vợ và 2 con trai.
* Khẩu hiệu chào mừng đoàn: “Nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Cộng hòa Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp và Phu nhân sang thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 29-31/1/2009”./.
- Từ khóa:
- Việt Nam-Bulgaria