Trận Dốc Miếu (20/3/1967)

Căn cứ Dốc Miếu nằm trên dãy đồi bazan cao 46 m ở 2 bên quốc lộ 1, cách cầu Hiền Lương 6 km về phía nam, nhưng đoạn gần nhất cách sông Bến Hải khoảng 3 km, nay thuộc địa bàn thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1947, Pháp cho xây dựng chốt quân sự để kiểm soát quốc lộ 1. Nằm trong kế hoạch lập các căn cứ hành quân, pháo binh liên hoàn ngăn chặn đường tiếp viện của ta từ bờ bắc sang bờ nam sông Bến Hải. Năm 1966, Mĩ đã mở rộng Dốc Miếu thành căn cứ hành quân đồng thời là căn cứ pháo binh của Mĩ và quân đội Sài Gòn. Lực lượng thường xuyên có khoảng 500 quân thuộc Trung đoàn 3 quân đội Sài Gòn, 1 tiểu đoàn pháo binh Mĩ có 20 pháo 105 mm, 155 mm, 175 mm với quân số khoảng 400 quân, 1 đại đội xe tăng 8 chiếc và 22 xe M113 (100 quân), 1 đại đội bộ binh Mĩ bảo vệ căn cứ. về chiến lược, căn cứ Dốc Miếu làm nhiệm vụ tiền tiêu của tuyến phòng thủ đường 9, vừa bảo vệ tung thâm, vừa bảo vệ sở chỉ huy các căn cứ ở Đông Hà, Cồn Tiên (xã Gio Sơn), điểm cao 241, Cửa Việt. Về chiến thuật, Dốc Miếu là vị trí quan trọng trong thế chân kiềng (Dốc Miếu - Cồn Tiên - Đông Hà) kịp thời khống chế, ngăn chặn quân ta ở phía bắc vĩ tuyến 17. Từ 22.2 - 20.3.1967, pháo binh địch tại căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên đã bắn hơn 200 lần, với hàng nghìn quả đạn pháo vào 12 xã của huyện Vĩnh Linh, làm chết 18 người dân. Để ngăn chặn pháo binh địch, Bộ tư lệnh Quân khu 4 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn pháo binh 164 và Khu đội Vĩnh Linh sử dụng pháo binh tập kích hỏa lực vào căn cứ Dốc Miếu. Kế hoạch trận đánh: nắm thời cơ có lợi nhất, bắn mãnh liệt, bất ngờ, đồng thời dùng súng cối kiềm chế trận địa pháo của Mĩ ở Cồn Tiên, sau đó bộ đội đặc công và pháo cối tiếp tục khuếch trương chiến quả. Lực lượng tham gia gồm Tiểu đoàn 11 pháo lựu 105 mm (9 khẩu), Tiểu đoàn 1 pháo nòng dài 100 mm (11 khẩu) thuộc Trung đoàn Pháo binh 164 (Trung đoàn trưởng Nguyễn Cư, Chính ủy Phạm Công Mạc); Đại đội 11 cối 82 mm (6 khẩu) thuộc Khu đội Vĩnh Linh, 1 đơn vị đặc công, dân quân du kích hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Sơn. Các đơn vị pháo dự kiến sử dụng 1.569 viên đạn (739 viên 100 mm, 480 viên 105 mm, 350 viên 82 mm). Đội hình bố trí: sở chỉ huy trận đánh đặt tại lô cốt Thuỷ Ba Tây do Thiếu tá Phan Tư chỉ huy. Trận địa Tiểu đoàn 11 bố trí bên phải sở chỉ huy, cách mục tiêu 8.500 m; Tiểu đoàn 1 bố trí bên trái, cách Tiểu đoàn 11 khoảng 2 km, cách mục tiêu 14 km. Đại đội cối 82 mm bố trí phía đông bắc căn cứ Dốc Miếu khoảng 2 km, ngoài ra ta tổ chức 4 trận địa giả cách trận địa chính 300-400 m, mỗi trận địa dùng 140 phát bộc phá, do 16 nữ dân quân xã Vĩnh Sơn thực hiện dưới sự chỉ huy của trợ lí tham mưu tiểu đoàn, làm nhiệm vụ nghi binh thu hút hoả lực địch. Mỗi tiểu đoàn tổ chức 1 đài quan sát chính và 1 đài giao hội; ngoài ra, tổ chức 1 đài quan sát luồn sâu cách vị trí Dốc Miếu 2 km về phía nam do tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 phụ trách. Trước trận đánh, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ chiến sĩ “các chú đại diện cho lực lượng pháo binh miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa đánh trả hành động leo thang phá hoại của pháo binh địch ở bờ Nam; vì vậy, trận đầu các chú phải đánh thắng”.

Trận Dốc Miếu 20/3/1967

Thực hiện kế hoạch, ngày 17 và 19.3, được sự giúp đỡ của nhân dân xóm Bàu, xã Vĩnh Thủy lần lượt các đơn vị vào chiếm lĩnh xong trận địa (Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 1). Trước khi ta nổ súng, từ 14 đến 17 giờ 30 phút ngày 20.3, Mĩ dùng 149 lần chiếc máy bay trực thăng đổ xuống Dốc Miếu khoảng 1.500 lính thủy đánh bộ và 7 pháo 105 mm, 4 cối 106,7 mm để chuẩn bị mở cuộc càn Bicon Hin vào tây bắc huyện Gio Linh. Phán đoán Mĩ đổ thêm thuỷ quân lục chiến xuống Dốc Miếu là thời cơ có lợi nhất, sở chỉ huy lệnh cho các tiểu đoàn nổ súng vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 20.3: mở đầu bằng hoả lực pháo binh bắn cấp tập, chính xác vào căn cứ; bắn hết số đạn theo quy định, các đơn vị nhanh chóng rời trận địa ngay trong đêm. 1 giờ 30 phút sáng 21.3, đại đội cối 82 mm tiếp tục đánh bồi vào khu đông nam Dốc Miếu trong 45 phút, sau đó rút lui an toàn. Sau khi pháo cối ngừng bắn, đơn vị đặc công tiến vào nhưng phải quay ra do địa hình, đường cơ động bị biến dạng sau trận pháo kích (trên đường rút ra, đơn vị đặc công tổ chức đánh 15 xe chở đạn tiếp tế cho căn cứ Dốc Miếu, diệt 30 lính Mĩ). Kết quả, với hơn 1.200 viên đạn pháo và 350 viên đạn cối đã loại khỏi chiến đấu 1 tiểu đoàn địch, phá hủy 17 pháo, 57 xe quân sự, 5 máy bay trực thăng, bắn cháy 2 kho đạn và 1 kho xăng dầu, buộc Mĩ phải hủy bỏ cuộc hành quân càn quét như dự tính.

Trận đánh phát huy được yếu tố bất ngờ, hiệu quả của từng loại vũ khí, diệt nhiều sinh lực địch, góp phần phá vỡ âm mưu đánh phá, càn quét của địch. Sau Trận Dốc Miếu bộ đội Pháo binh Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng 8 chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)