Trận La Ngà (1/3/1948)
Cuối năm 1947 đầu 1948, quân Pháp đẩy mạnh thực hiện âm mưu bình định vùng đồng bằng Nam Bộ theo kế hoạch do tướng Đờ Latua - Tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ, thiết lập hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc, chú trọng bảo vệ các tuyến giao thông và vùng kinh tế quan trọng, đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo các lực lượng giáo phái phản động, kết hợp mở các cuộc hành quân càn quét, trước hết tập trung vào căn cứ Đồng Tháp Mười nhằm triệt phá cơ sở cách mạng, tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến. Đối phó với âm mưu của địch, cuối năm 1947, Hội nghị Đại biểu Xứ ủy Nam Bộ (16-20.12.1947) đã xác định phải có chủ lực mạnh để đánh những trận lớn, phát triển giao thông chiến, đánh trúng vào “những con đường sinh tử” của địch, nhằm nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, lấy vũ khí của địch trang bị cho lực lượng ta. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, Ban chỉ huy Chi đội 10 lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa quyết định tổ chức trận phục kích giao thông trên quốc lộ 20, đánh đoàn xe hộ tống các sĩ quan, công chức cao cấp của Pháp từ Sài Gòn đi dự hội nghị Đà Lạt. Trận đánh do Chi đội phó Chi đội 10 Nguyễn Văn Lung và Chính trị viên Võ Cương chỉ huy (thời điểm này Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ đã được đề bạt lên làm Khu đội phó Khu 7). Lực lượng tham gia hơn 1 nghìn quân, gồm lực lượng Chi đội 10 (2 tiểu đoàn Xuân Lộc và Tân Uyên), được tăng cường Liên quân 17 (tương đương 1 tiểu đoàn), một số phân đội trinh sát, thông tin, công binh và bộ phận trợ chiến, vũ khí gồm 1 khẩu trọng liên 12,7 mm, 4 khẩu đại liên và một số mìn.
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu địa hình và quy luật hoạt động của quân Pháp, Ban chỉ huy Chi đội 10 quyết định triển khai trận địa phục kích trên đoạn đường từ cầu La Ngà - nam thị trấn Định Quán (dài 9 km). Đây là khu vực địa hình rừng núi, đường nhựa chạy quanh co theo các triền núi, phía tây bắc đường là rừng rậm kéo dài đến sông Đồng Nai, địa hình cao hơn mặt đường trung bình từ 1 đến 1,5 m, có chỗ tới 5-6 m, đặc biệt nổi lên có điểm cao 206; phía tây nam đường địa hình thấp hơn mặt đường 1-3 m. Căn cứ vào địa hình như trên, toàn bộ đội hình phục kích được triển khai chủ yếu tại khu vực sườn cao phía tây bắc đường; hỏa lực được bố trí thành nhiều tầng để có thể chi viện hiệu quả cho bộ binh xung phong; bộ phận đánh địa lôi được ngụy trang kín đáo và bố trí ở ngay bìa rừng gần đường. Theo kế hoạch, trận địa phục kích được tổ chức thành 3 khu vực (A, B, C), trong đó khu A (đoạn từ km 111 đến km 113) do Tiểu đoàn Xuân Lộc (thiếu Đại đội 5) đảm nhiệm, có nhiệm vụ chặn đầu diệt xe thiết giáp và lực lượng hộ tống của địch; khu vực B (đoạn từ km 108 đến 111) do Liên quân 17 đảm nhiệm, có nhiệm vụ diệt đoàn xe chở quân chủ yếu của địch; khu vực C (đoạn từ km 105 đến km 108) do Tiểu đoàn Tân Uyên đảm nhiệm, có nhiệm vụ khóa đuôi, tiêu diệt lực lượng đi cuối, đồng thời sẵn sàng chặn đánh viện binh địch. Ngoài ra, Ban chỉ huy trận đánh còn sử dụng 1 tổ làm trận địa nghi binh ở hướng đối diện với trận địa chính, đồng thời giao cho Đại đội 5 (Tiểu đoàn Xuân Lộc) phối hợp với lực lượng du kích ờ Hồ Hải, Trảng Bom, Bàu Cá tổ chức các hoạt động bắn tỉa, đánh quấy rối, dựng chướng ngại vật từ xa (cách trận địa chính gần 50 km) nhằm làm chậm thời gian hành quân của quân Pháp (cố gắng dụ địch đến trận địa mai phục vào buổi chiều).
Đêm 28.2, các đơn vị hành quân đến vị trí tập kết đúng quy định và khẩn trương triển khai trận địa theo kế hoạch, đến sáng 1.3, hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị cho trận đánh, bảo đảm bí mật, trong đó các chiến sĩ quân giới có sáng kiến dùng phân voi để ngụy trang vị trí chôn địa lôi rất hiệu quả. Đúng như dự kiến, khoảng 15 giờ ngày 1.3, đoàn xe địch gồm 70 chiếc (có xe thiết giáp hộ tống và 1 đại đội Âu - Phi làm nhiệm vụ bảo vệ) đến cầu La Ngà, tiến vào trận địa mai phục. Khi tốp xe đi đầu đến khu vực A, ta cho nổ địa lôi và phát lệnh tiến công, làm cháy 1 xe thiết giáp và 2 xe chở quân. Trong khi lực lượng chặn đầu (Tiểu đoàn Xuân Lộc) tập trung hỏa lực bắn mãnh liệt tiêu diệt đội hình đi đầu của địch, lực lượng chủ công (Liên quân 17) ở khu vực B đồng loạt tiến xuống mặt đường đánh mạnh vào đội hình chủ yếu của quân Pháp, thực hiện bao vây chia cắt diệt từng cụm địch, dùng lựu đạn và chai xăng đốt cháy các xe tải, nhanh chóng làm chủ trận địa (đốt cháy và phá hủy 26 xe, có 3 xe chở quân). Đồng thời bộ phận khóa đuôi (Tiểu đoàn Tân Uyên) ở khu vực C cũng cho nổ địa lôi diệt 3 xe chở quân và tổ chức phối hợp tiến công. Một số xe địch đi sau cùng chưa tới cầu La Ngà, đã kịp dừng lại và tổ chức lực lượng ứng cứu, nhưng bị Tiểu đoàn Tân Uyên tập trung hỏa lực ngăn chặn, kết hợp đưa lực lượng đánh hai bên sườn bẻ gãy 2 đợt phản kích của địch, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị rút lui an toàn.
Sau gần 1 giờ chiến đấu trận đánh kết thúc thắng lợi, kết quả, ta đốt cháy và phá hủy 59 xe, diệt và làm bị thương 150 quân (có 25 sĩ quan, trong đó có Đại tá Đờ Xêrinhê chi huy Bán lữ đoàn Lê dương 13 và Đại tá Patơruyt, Tổng Tham mưu phó thứ nhất quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương), thu nhiều vũ khí, trang bị; ta thương vong 4 người (hi sinh 2, bị thương 2). Đây là trận phục kích quy mô cấp trung đoàn giành thắng lợi lớn của quân và dân miền Đông Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đánh dấu bước phát triển tiến bộ của bộ đội chủ lực Nam Bộ về vận động chiến, thể hiện ở nghệ thuật tổ chức chỉ huy và vận dụng sáng tạo chiến thuật phục kích, khả năng bố trí và sử dụng lực lượng hiệu quả, buộc địch phải hành quân theo đúng ý định tác chiến của ta. Thắng lợi của trận đánh không những có ý nghĩa về quân sự với kết quả tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, mà còn có ý nghĩa về chính trị khi gây được tiếng vang lớn, làm chấn động tình hình Sài Gòn và làm xôn xao dư luận nước Pháp, khiến cho tướng Pháp Xalăng trong hồi kí sau đó cũng phải đánh giá đây là trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức và nắm thời cơ nổ súng của đối phương.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)