Triển vọng mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Argentina

Hà Nội (TTXVN 22/11/2004)

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na Nết-xtô Kít-nơ (Nestor Kirchner), Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm hữu nghị chính thức Ác-hen-ti-na từ ngày 22-23/11/2004. Đây là chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của người đứng đầu nhà nước ta tới Ác-hen-ti-na, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều tiến triển tốt đẹp những năm gần đây, hai bên ngày càng quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đức Lương là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam - Ác-hen-ti-na.

Mặc dù Việt Nam ở Đông Nam châu Á còn Ác-hen-ti-na nằm ở cực Nam của châu Mỹ, nhưng từ lâu nhân dân hai nước đã dành cho nhau những tình cảm đoàn kết, gắn bó. Trong thời kỳ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, hàng vạn người dân Ác-hen-ti-na đã xuống đường, hòa mình vào phong trào quần chúng rộng khắp, bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Những thiện cảm đó chính là khởi nguồn cho sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Về phía Ác-hen-ti-na: Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Ghi-đô Đi Tê-la (Guido Di Tella) đã thăm Việt Nam tháng 6-1996. Đến tháng 2/1997, Tổng thống Các-lốt Mê-nêm (Carlos Menem) đã thăm Việt Nam. Ngoài ra còn có các đoàn: Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Phê-đê-ri-cô Ra-môn Pu-ê-ta (tháng 10-2000); Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ác-hen-ti-na Pa-tri-ci-ô-ê-chê-ga-ray (tháng 5-2004)... Về phía Việt Nam có các đoàn: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội Hoàng Bích Sơn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nguyễn Phương Minh, Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã thăm Ác-hen-ti-na. Thông qua các chuyến thăm, nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết và đưa vào thực thi, trong đó có Hiệp định hợp tác Kinh tế-Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Thỏa thuận hợp tác về Thú y, Thỏa thuận về tham khảo chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, Hiệp định về hợp tác công và nông nghiệp, Hiệp định hợp tác trên lĩnh vực Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Hiệp định hợp tác giữa hai ngành Thanh tra, Hiệp định hợp tác Văn hóa - Giáo dục, Hiệp định về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình... Đặc biệt, từ sau khi Việt Nam mở  Đại sứ quán tại Thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rết (1/1995) và Ác-hen-ti-na mở Đại sứ quán tại Hà Nội (2/1997), quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng. Trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục gia tăng trong những năm gần đây, năm sau gần gấp đôi năm trước. Nếu năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na đạt hơn 46 triệu USD, thì năm 2002 đã tăng lên hơn 83 triệu USD và năm 2003 là hơn 152 triệu USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2004 trao đổi thương mại giữa hai nước đạt mức 75 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ác-hen-ti-na chủ yếu là hàng dệt may, giầy dép, cao su, điện-điện tử, nồi hơi, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp, xe máy, va li và túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ... và nhập khẩu từ Ác-hen-ti-na bột đậu tương, dầu thực vật, da thuộc, thép, hạt nhựa, sữa bột, thiết bị y tế, gỗ... Tuy nhiên, so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ác-hen-ti-na (xấp xỉ 45 tỷ USD/năm) thì trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na còn rất nhỏ bé. Hơn nữa, Việt Nam luôn nhập siêu rất lớn (năm 2003: Việt Nam nhập 135,52 triệu USD và xuất 16,6 triệu USD; 8 tháng đầu năm 2004: nhập 64,4 triệu USD và xuất 10,62 triệu USD). Bởi vậy, Việt Nam không chỉ quan tâm thúc đẩy giao lưu buôn bán mà còn mong muốn cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Là một nền kinh tế lớn ở Mỹ La-tinh (GDP năm 2003 đạt gần 130 tỷ USD), Ác-hen-ti-na có truyền thống sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; nền công nghiệp tương đối phát triển với các ngành mũi nhọn như nguyên tử, sinh học, điện tử, tin học... Cơ cấu kinh tế của Ác-hen-ti-na nghiêng về công - thương nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm 17% GDP của cả nước. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ác-hen-ti-na, Việt Nam có điều kiện tham khảo, học hỏi nhiều kinh nghiệm bổ ích trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

 Hai nước cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục... Viện Văn hóa Ác-hen-ti-na-Việt Nam (ICVA) đã được thành lập và có nhiều hoạt động phong phú như: trao đổi các đoàn văn nghệ sĩ, sinh viên, các nhà khoa học, vận động viên của hai nước; tổ chức triển lãm tranh ảnh, nói chuyện, chiếu phim về Việt Nam; ra bản tin giới thiệu về lịch sử, văn hóa cũng như các thông tin khác giúp bạn đọc Ác-hen-ti-na có thêm sự hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, Viện còn hưởng ứng tích cực sáng kiến của Việt Nam tổ chức giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ La-tinh thông qua Festival Huế, nhằm đưa hai nền văn hóa xích lại gần nhau, tạo điều kiện cho quan hệ hợp tác hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực khác. Nhiều trường đại học của hai nước cũng đã thiết lập quan hệ với nhau và hai bên đang thúc đẩy quan hệ kết nghĩa giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng: Hạ Long của Việt Nam và Ma-đê Pla-ta của Ác-hen-ti-na. Trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, các chuyên gia bóng đá Ác-hen-ti-na đã từng sang huấn luyện các cầu thủ Việt Nam và tổ chức giao lưu bóng đá hữu nghị giữa các tuyển thủ trẻ hai nước.

 Việt Nam và Ác-hen-ti-na luôn phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên nhiều diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ  Liên hợp quốc, Nhóm 77, Diễn đàn hợp tác Đông á - Mỹ Latinh (FEALAC)... Ác-hen-ti-na cam kết ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009. Những năm gần đây, Ác-hen-ti-na luôn quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ngược lại, việc phát triển quan hệ với Ác-hen-ti-na là một bước đi cụ thể nhằm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Tăng cường quan hệ hợp tác với Ác-hen-ti-a, Việt Nam không chỉ thâm nhập một thị trường quan trọng ở Nam Mỹ với gần 40 triệu dân, mà còn có điều kiện mở rộng các cơ hội hợp tác làm ăn ở cả khu vực Mỹ La-tinh, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Ác-hen-ti-na trên các diễn đàn đa phương, trước mắt là sớm kết thúc đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2005. Với những tiềm năng và thiện chí của cả hai bên, chắc chắn quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na sẽ ngày càng phát triển, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước./.

                                                                                      Hoàng Thị Hoa