Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với con đường Trường Sơn huyền thoại

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; (1982-1991)Đồng Sỹ Nguyên

Hà Nội (TTXVN 9/9/2019) Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4/4/2019. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1/3/1923, quê ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, tên tuổi và cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) với vai trò là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559)...

          * Vị tướng gắn với đường Trường Sơn huyền thoại 

          Trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, người Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa đều nhận định quân đội miền Bắc muốn áp sát Sài Gòn cần ít nhất 2 tháng. Tuy nhiên, thực tế các cánh quân từ miền Bắc chỉ cần chưa đầy 20 ngày để làm điều đó. Cuộc tiến công thần tốc, vũ bão của quân đội ta sau này được giải mã gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên.

Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Hứa Kiểm-TTXVN

         Trong cuộc kháng chiến gian khổ chống đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ huy của người đầu tiên khai phá mở đường là Đoàn trưởng Võ Bẩm cho đến các vị Tư lệnh sau này như Tướng Phan Trọng Tuệ, Tướng Đồng Sĩ Nguyên,... đường Trường Sơn đã không ngừng phát triển, mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc...

          Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được điều làm Tư lệnh Trường Sơn. Ông chính là vị Tư lệnh gắn bó với Trường Sơn lâu dài nhất, từ năm 1967 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Tiếp tục công việc của những người chỉ huy đi trước, ông đã có nhiều sáng chế, cải cách tạo ra những kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn chặt chẽ và hiệu quả góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

          Những năm tháng ấy, dân công phải cõng xăng trên lưng trong những bịch nylon đội bom đạn, đổi máu thành xăng tiếp tế cho chiến trường. Từ tháng 6/1968 đến tháng 2/1975, chỉ bằng sức người và phương tiện thô sơ, dưới làn mưa đạn giăng trên đầu, vị tướng đã chỉ huy chiến sĩ Trường Sơn xây lắp được 5.000 km đường ống cung cấp xăng dầu kéo dài từ biên giới Việt-Trung vào đến tỉnh Bình Phước, làm nên một “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất”.

Đường Trường Sơn ra tiền tuyến trong những năm tháng bị máy bay Mỹ liên tiếp đánh phá. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Văn Sắc-

           Ngoài việc phá thế các tuyến đường độc đạo, ông còn chỉ huy xây dựng được nhiều cung đường nghi binh để thu hút sự chú ý của địch, tránh được ách tắc giao thông. Khi địch thả bom tuyến này, bộ đội ta đã có ngay tuyến đường khác để đi.

          Ông cũng được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn", là "kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam", người lừng lẫy trong việc xây dựng binh chủng hợp thành rất đặc thù của Quân đội nhân dân Việt Nam.

          Tất cả những chiến công lớn lao đó xuất phát từ việc bám thực tế của vị tướng. Từng thoát chết trong gang tấc trên đường Trường Sơn khi chiếc xe chở ông trúng bom, lái xe hy sinh tại chỗ, ông vẫn không ngại ngần đi thực tế đến những điểm bom đạn ác liệt nhất để nắm tình hình, nắm tâm tư, tình cảm chiến sĩ để tìm ra quyết sách đúng.

          Nữ nhà báo người Anh, bà Verigina Moris, tác giả cuốn sách "Đường Hồ Chí Minh-con đường dẫn tới tự do" đã kể lại: "Ông ấy (tướng Đồng Sĩ Nguyên) biết rõ từng mét vuông của đường mòn Hồ Chí Minh, khung cảnh hoạt động của con đường trong suốt cuộc chiến. Và đó là lý do vì sao mà ông ấy và cuộc kháng chiến đã thành công"...

            Gắn bó với Trường Sơn, hơn ai hết ông đau đáu với xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống. Ông mong muốn xây dựng nghĩa trang Trường Sơn có tầm vóc xứng đáng để mãi mãi nhắc nhớ họ. Ngày 10-4-1977, công trình nghĩa trang Trường Sơn hoàn thành như tâm nguyện của vị tướng.

          * Ghi dấu ấn cả với đường Trường Sơn hiện đại

          Trở về với thời bình, ở các cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông lại không ngừng đóng góp trí tuệ cho đất nước.

          Các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hải Phòng, Kiên Lương, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, công trình thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương... đều mang dấu ấn của ông. Tầm của một “kiến trúc sư” kiến thiết đất nước ở ông thể hiện ở quan điểm từ thời ông còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Đường có thể làm sau, riêng những cây cầu phải được ưu tiên vì đó là những điểm nối huyết mạch giao thông liền mạch”. Với tuổi trẻ, ông gửi gắm ý nguyện: “Trong chiến tranh, tuổi trẻ phải tập trung ở chiến trường; trong thời bình, tuổi trẻ cần tập trung vào tri thức, đó là con đường ngắn nhất đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thông cầu (6/1985). Ảnh: Cao Phong - TTXVN

            Ông còn là một trong những người tâm huyết với dự án xây dựng đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh xưa thành một con đường hiện đại để phát triển đất nước hôm nay. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã duyệt dự án xây dựng một con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hiện đại từ con đường mòn xưa. Thủ tướng đã trao cho ông vai trò cố vấn đại diện Chính phủ cho dự án. Lại một lần nữa ông xắn quần lội rừng, lội suối Trường Sơn đi khảo sát thực tế. Vị tướng trăn trở: “Đất nước chỉ có một con đường độc đạo xuyên Bắc Nam. Trong chiến tranh nước ta đã phải trả giá xương máu, chết chóc quá nhiều để mở một con đường mới. Những xương máu, công sức ấy không thể phí phạm, cần được phát huy thật đúng mực, tận dụng nó làm con đường phát triển đất nước, phát triển kinh tế vùng núi và cũng là để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước. Không ai dám chắc là đất nước mãi yên bình, chúng ta luôn phải sẵn sàng...”.

Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên tham dự lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh (2000). Ảnh: Thế Thuần - TTXVN

          Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta.

        Những đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đặc biệt, năm 1974, ông được Nhà nước phong quân hàm vượt cấp, từ Đại tá lên Trung tướng do những thành tích to lớn có ý nghĩa chiến lược trên cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Năm 2018, ông vinh dự nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng… ./.

Minh Duyên  (tổng hợp)