Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của trí thức và trọng dụng trí thức
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 9/11/2023) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao, coi trọng vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Người nhấn mạnh: “Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.
* "Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế"
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức. Thân sinh của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc, đỗ Phó bảng năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (năm 1901). Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trí thức vì Người đã từng học Trường Quốc học Huế; khi ra đi tìm đường cứu nước, ở Pháp, Người đã viết thư xin vào học Trường Thuộc địa của Pháp. Sau này, Người cũng đã từng là nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản... Có lẽ vì vậy mà ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài cho đến khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn luôn quan tâm đến vấn đề trí thức và trọng dụng trí thức.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí thức là hiểu biết. Người chỉ rõ: “Trí thức là gì? Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra” (1).
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí thức phải là trí thức hoàn toàn, tức là cùng với việc có trình độ học vấn cao, thì phải có năng lực áp dụng tri thức được đào tạo vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, góp phần mở mang nền văn hoá nước nhà, làm cho đất nước giàu mạnh. Người khẳng định: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” (2).
Và những người trí thức hoàn toàn như thế phải là tấm gương để xã hội noi theo, có sức ảnh hưởng, dẫn dắt đối với xã hội: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho nhân dân” (3).
* Trí thức đóng vai trò quan trọng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng. Trong tiến trình phát triển của cách mạng, có những trí thức của nền giáo dục cũ, có trí thức của nền giáo dục mới. Nhưng dù là trí thức cũ hay trí thức mới, miễn là trí thức chân chính, thì đều rất đáng quý và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bởi, để có thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng, thì trí thức - với tư cách là người có hiểu biết, có sứ mệnh tiếp thu, sáng tạo và truyền bá tri thức - càng trở nên vô cùng đáng quý, vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của trí thức đối với cách mạng. Người viết: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ trung ương là người trí thức” (4); “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều” (5); “Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc” (6).
Từ chỗ thấy rõ và đánh giá cao vai trò của trí thức đối với cách mạng, Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan niệm độc đáo, cho rằng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế” (7). Vì coi trí thức là một nguồn vốn quý báu, nên cách ứng xử với trí thức cũng sẽ là sự trân trọng, đầu tư, quản trị và sử dụng một cách có hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói đến nhiều vai trò cụ thể của trí thức, như vai trò của trí thức trong sản xuất; vai trò của trí thức trong giáo dục, đào tạo; vai trò của trí thức trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; vai trò của trí thức trong phát minh, chế tạo máy móc... Người viết: “… muốn tăng gia sản xuất rộng rãi và chóng có kết quả, thì chúng tôi cần có tư bản, trí thức và lao động…” (8); “muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư...” (9).Tóm lại, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí thức có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện trong mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
* “Ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”
Chính vì đề cao vai trò của trí thức nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc trọng dụng trí thức. Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, để tìm người tài đức ra gánh vác việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Nhân tài và kiến quốc" đăng trên báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, với quan điểm: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (10).
Ngày 20/11/1946, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” của đất nước khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, trên báo Cứu quốc số 411 đã đăng Thông lệnh Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.” (11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người cho rằng những người “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy” (12). Người còn căn dặn có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng và chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Đã có rất nhiều câu chuyện sống động, nổi tiếng trong việc trọng dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành những bài học cho mai sau. Có thể kể đến một vài ví dụ điển hình như:
Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ, được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử tỉnh Thanh Hóa và được chỉ định là thành viên Ban Soạn thảo Hiến pháp khóa I. Bởi Bảo Đại đã học nhiều trường ở Pháp, trong đó có Trường Khoa học Chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (năm ấy đã 70 tuổi) - một vị trí thức nổi tiếng, từng đậu Giải nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý (1900), một con người mà chức vụ không thể lung lay, uy dũng không thể khuất phục, tiền bạc không thể mua chuộc, ra làm việc cho Chính phủ. Sau hai lần mời, trước sự thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã nhận lời làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong buổi trình diện các thành viên Chính phủ trước Quốc hội ngày 2/3/1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để giới thiệu về cụ Huỳnh trước Quốc hội. Khi phải lên đường thăm Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh. Tiễn Người ở sân bay, cụ Huỳnh đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cụ đi dài ngày như vậy, việc nước bộn bề giao cho tôi mà cụ không dặn lại điều gì, tôi cũng thấy lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: Xin Cụ ở nhà hãy “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sau đó, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng và giao phó. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những trí thức lớn luôn toàn tâm, toàn ý vì đất nước, dân tộc và nhân dân mà còn khắc họa rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng trí thức: Đã dùng thì phải tin, phải tin mới dùng.
Tư tưởng này sau đó cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nhận nhiệm vụ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách ứng xử khi gặp vấn đề khó khăn. Người đã trả lời: Chú là tướng ở ngoài mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”, nghĩa là được trao quyền quyết định tuyệt đối. Với sự tin tưởng tuyệt đối này từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định lịch sử mà sau này ông gọi là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông - chuyển từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, qua đó giúp giảm thiệt hại biết bao xương máu của chiến sĩ, bảo đảm cho chiến thắng cuối cùng.
Từ tư tưởng trọng dụng trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được rất nhiều trí thức nổi tiếng toàn tâm, toàn ý vì đất nước và nhân dân. Và tư tưởng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt những giai đoạn qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng trí thức, trọng dụng nhân tài, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước ngày nay./.
Minh Duyên
(1), (2), (5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.5 tr. 275
(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5 tr. 472
(4): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5 tr. 200
(6), (7), (8): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5 tr. 184
(9): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 53
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 114
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 504
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 43
- Từ khóa:
- trí thức
- đội ngũ trí thức