UNESCO công nhận thêm một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 25/11/2005) Ngày 25/11/2005, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Côi-chi-rô Mát-xu-ra đã trân trọng trao bằng công nhận kiệt tác di sản phi vật thể "Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên-Việt Nam" cho ông Vũ Đức Tâm, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris (Pháp).

      Đây là lần thứ 3 UNESCO công bố các kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2003. Năm nay, phiên họp xét công nhận các kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại của UNESCO diễn ra trong các ngày 20 đến 24/11/2005, với Hội đồng giám khảo gồm 18 thành viên, do Công chúa Bát-xma Bin Ta-lan của Gioóc-đa-ni làm Chủ tịch. Trong số 64 hồ sơ ứng cử viên của các quốc gia hay nhóm quốc gia (tổng cộng gồm 74 nước), có 43 kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận và Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên-Việt Nam là một trong kiệt tác di sản xuất sắc đó.

          Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Pháp ngay sau khi nhận bằng công nhận, Đại sứ Vũ Đức Tâm vui mừng nêu rõ "đây là một niềm vui và vinh dự lớn đối với đất nước Việt Nam, đất nước giàu truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng đồng thời, với vinh dự này, chúng ta càng nhận thấy rõ trách nhiệm nặng nề hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản phi vật thể và truyền khẩu đã được UNESCO công nhận, để ngày càng xứng đáng hơn với danh hiệu cao quý này, để những kiệt tác nghệ thuật độc đáo của Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế và giờ đây là Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên-Việt Nam được quảng bá và giới thiệu rộng rãi  hơn trên thế giới".

          Theo Đại sứ Vũ Đức Tâm, sau 3 lần công bố các di sản  phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, UNESCO đã công nhận Nhã nhạc cung đình Huế và văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên của Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đã được tổ chức giáo dục-khoa học-văn hoá lớn nhất thế giới này công nhận là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, có nhiều nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 7 di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận là: Vịnh Hạ Long, Quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, quần thể Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế và văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên./.