Việt Nam là hình mẫu cho cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa

Hà Nội (TTXVN 7/5/2024) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư Daho Djerbal, nhà sử học với hơn 50 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Algiers-Bouzaréah, hiện là Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu và Phê bình xã hội Algeria, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Algeria về chiến thắng vẻ vang này dưới góc nhìn của một quốc gia cùng là thuộc địa của Pháp ở châu Phi.

Các chiến sĩ xung kích của ta tấn công một vị trí của địch trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo giáo sư Daho Djerbal, giữa hai nước Việt Nam và Algeria có rất nhiều điểm trùng hợp. Chính Việt Nam, chính dân tộc Việt Nam đã mở đường cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa cũ trên thế giới. Dân tộc Việt Nam là dân tộc đầu tiên đã cầm vũ khí đứng lên giải phóng đất nước, giành lại chủ quyền từ các cường quốc không chỉ là Pháp mà còn từ cả Nhật Bản, Mỹ. Theo ông, Việt Nam chính là hình mẫu để noi theo.

Nói về những điểm trùng hợp giữa hai nước, giáo sư Daho cho rằng Việt Nam và Algeria đều có cuộc tổng khởi nghĩa vào năm 1945. Việt Nam là nước đầu tiên đã biết chớp thời cơ ngay từ những năm 40 khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai làm cho nước Nhật bị suy yếu, Việt Nam đã tiến hành tổng khởi nghĩa toàn quốc để đánh đuổi quân xâm lược. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là việc khởi nghĩa ở Việt Nam diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc tổng khởi nghĩa này không đơn thuần là cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân, mà là một cuộc tổng khởi nghĩa có tổ chức dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với việc thành lập mặt trận giải phóng dân tộc Việt Minh vào tháng 3/1945 để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cuộc khởi nghĩa này của Việt Nam chính là một ví dụ điển hình về tổng khởi nghĩa. 

Rất trùng hợp là cũng vào giai đoạn đó, vào tháng 5/1945, cũng bắt đầu nổ ra cuộc tổng nổi dậy ở Algeria, đặc biệt ở các vùng Sétif, Guelma và Saïda. Tuy nhiên cuộc tổng nổi dậy ở Algeria không giống như ở Việt Nam. Ngày 8/5/1945, vào ngày đình chiến, các cuộc biểu tình ở Sétif đã bị Pháp trấn áp đẫm máu với hơn 45.000 nạn nhân. Cuộc nổi dậy của Algeria không có sự chỉ đạo của đảng, không phải là từ lời kêu gọi của đảng phái chính trị nào, hoàn toàn khác với cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Minh. 

Điểm trùng hợp thứ hai đó là những nỗ lực để buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán của các nhóm chính trị ôn hòa của Algeria và Việt Nam. Tuy nhiên những nỗ lực này hoàn toàn bị thất bại bởi vì thực dân Pháp không bao giờ có ý định trao trả chủ quyền cho các nước thuộc địa. Vì thế, có thêm một điểm tương đồng nữa giữa hai nước đó là chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ tháng 3/1954 thì cuộc kháng chiến vũ trang của Algeria bùng nổ vào tháng 11/1954. 

Ông nhấn mạnh rằng sau chiến thắng Điện Biện Phủ của Việt Nam, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà cách mạng Algeria, những người mong muốn Algeria độc lập hiểu rằng chỉ có làm theo cách làm của Việt Nam mới có thể giành được độc lập đó là đấu tranh vũ trang bởi vì Pháp không bao giờ chấp nhận rời khỏi Algeria bằng con đường đàm phán hòa  bình. Như vậy, Việt Nam là hình mẫu tiên phong về mặt tư tưởng và chính trị mở ra con đường giành độc lập. Mục đích của cuộc đấu tranh vũ trang là giành độc lập và chủ quyền cho đất nước.  

Về mặt chiến thuật hay đúng hơn là địa chiến lược, giữa hai nước Việt Nam và Algeria là khác nhau. Nhưng từ cách làm của Việt Nam, Algeria đã tìm ra cách giải quyết khó khăn của mình. Đó là tập hợp kêu gọi sức mạnh toàn dân, kết hợp với sức mạnh chính trị, với sức mạnh quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những gì diễn ra ở Việt Nam cũng đã diễn ra ở Algeria. Kháng chiến bùng nổ ở Algeria và đó là cuộc kháng chiến của nhân dân, không phải là cuộc chiến của một quân đội chống lại một quân đội như các cuộc chiến tranh thông thường, mà là một cuộc chiến tranh cách mạng. 

Theo giáo sư Daho, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh đó là giải phóng dân tộc và mang đến cho người dân quyền được sống và quyền tự do chứ không phải là để chiến thắng một đội quân, không phải là để chiến thắng quân đội Pháp. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện gây tiếng vang vào thế kỷ XX. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử một đội quân phương Tây bị một dân tộc thuộc địa đánh bại. Chiến thắng này đã tạo cảm hứng cho dân tộc Algeria. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ngày 1/11/1954, một nhóm nhà cách mạng Algeria đã quyết định kêu gọi kháng chiến vũ trang giống như cách Việt Nam đã làm. 

Lần đầu tiên trong lịch sử đã có một hình tượng anh hùng khác xuất hiện trong suy nghĩ của phần lớn người dân Algeria đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế hệ ngày đó ở Algeria không ai là không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Algeria, họ được xem như những vị anh hùng, biểu tượng cho những dân tộc đang bị thuộc địa và đang đấu tranh giải phóng dân tộc.

Là một nhà sử học, giáo sư Daho cho rằng phương Tây đã đô hộ gần như toàn thế giới trong ít nhất 3 thế kỷ. Suốt thời gian dài đó, văn hóa phổ biến thế giới chính là văn hóa phương Tây. Các khái niệm chiến thắng, sức mạnh, quyền lực đều là phương Tây. Tuy nhiên đã có những sự kiện diễn ra, đó là các cuộc kháng chiến của các dân tộc thuộc địa khiến cho thế giới phương Tây, bá quyền phương Tây bắt đầu giảm dần. Lần đầu tiên trong lịch sử của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã không chỉ chiến thắng thực dân Pháp mà còn đánh bại đế quốc Nhật và đế quốc Mỹ. Ông nghĩ rằng đó là những sự kiện quan trọng trong lịch sử đương đại. 

"Tôi là chuyên gia về lịch sử đương đại, tôi đã giảng dạy trong 50 năm ở các trường đại học về lịch sử đương đại, về quan hệ quốc tế, kinh tế, xã hội, chính trị. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đảo lộn cán cân toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, các khái niệm chiến thắng, sức mạnh, chủ quyền đã trở thành của châu Á nhờ vào Việt Nam.  Đối với chúng tôi nói riêng và với các dân tộc thuộc địa nói chung, chiến thắng Điện Biên Phủ là mở đầu của một thời kỳ mới và thời kỳ đó vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Thật vậy năm 1954, vào nửa cuối thế kỉ XX, phương Tây đã phải lùi xuống nhường chỗ cho các dân tộc thuộc địa, chấm dứt bá quyền phương Tây".

Đánh giá về vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giáo sư Daho cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã có vai trò xác định mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh, đó là chiến tranh cách mạng. Mục tiêu chiến lược đó là không chỉ giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng, không chỉ xây dựng một nhà nước độc lập tự chủ mà còn giành lại những gì là của nhân dân để trả lại cho nhân dân, để họ đứng lên ngẩng cao đầu sống, được tôn trọng. Điều này rất quan trọng. Đó là thoát khỏi ách nô lệ, thoát khỏi sự phụ thuộc và điều đó chỉ thực hiện được nếu giành lại được đất đai và tài nguyên về cho nhân dân. 

Một trong những mục tiêu của cách mạng Algeria là trả đất cho dân lao động, mục tiêu này cũng là mục tiêu đã học được từ Quốc tế thứ ba với Hồ Chí Minh. Không có mục tiêu này thì sẽ không có cách mạng. Nếu không có mục tiêu này, có thể vẫn sẽ có độc lập nhưng chỉ ở tầng lớp lãnh đạo và vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Như vậy, có thể nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quan trọng đối với tầm nhìn của các nhà cách mạng Algeria, những người đã xác định được mục tiêu cách mạng không phải là giành chiến thắng quân sự, không chỉ thành lập một nhà nước có chủ quyền mà phải cho nhân dân có các điều kiện sinh sống, quyền tự do và được tôn trọng.

Điện Biên Phủ là câu trả lời cho các dân tộc thuộc địa đó là thực dân Pháp có thể bị đánh bại, dân tộc thuộc địa có thể chiến thắng. Chiến thắng này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực chứ không phải trong tưởng tượng. Tiếng vang của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn tới tận ngày nay. Theo giáo sư Daho, nếu như nhìn Niger, Mali, Burkina Faso, Trung Phi và các nước khác, từ chiến thắng Điện Biên Phủ, họ đã đấu tranh chống lại thực dân Pháp và giải phóng dân tộc. Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang tính trực tiếp và mang tính gián tiếp về mặt chính trị và chiến lược. "Đối với thế hệ chúng tôi, chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng là chiến thắng của chúng tôi. Và chúng tôi đã nối tiếp chiến thắng của nhân dân Việt Nam, của nhân dân châu Á".

Giáo sư Daho Djerbal nhấn mạnh: "Sau 70 năm, Việt Nam phát triển, Trung Quốc phát triển, Algeria cũng phát triển. Trẻ em được đến trường, được học đại học, các công trường xây dựng khắp nơi. Người ta có thể nói tất cả đều nhờ có Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhờ cách mạng Việt Nam. Mọi người từ kiếp nô lệ bị áp bức bóc lột đã được sống tự do, được quyền quyết định số phận và tương lai của mình hôm nay và trong tương lai"./.

Trung Khánh - Ngọc Tú