Vĩnh biệt nhà cách mạng lão thành, giáo sư Trần Văn Giàu
Hà Nội (TTXVN 17/12/2010)
Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ, đã qua đời lúc 17 giờ 20 phút ngày 16/12/2010, tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ người thầy, cây đại thụ của giới khoa học, sử học Việt Nam ra đi ở độ tuổi 100, để lại niềm thương tiếc trong lòng đồng chí, đồng nghiệp, học trò, độc giả và người dân cả nước.
Ở giáo sư Trần Văn Giàu là sự hòa quyện của một chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng, nhà giáo mẫu mực và nhà học giả uyên thâm. Giáo sư đã đóng góp hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng, lịch sử, văn học. Ở ông toát lên một nhân cách lớn.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dạy học và nghiên cứu khoa học của ông là một tấm gương sáng về ý chí và bản lĩnh, về sự quả cảm và đức hy sinh, về tài năng và nhân cách.
* Cả cuộc đời hiến dâng cho độc lập, tự do và xây dựng phát triển đất nước
Giáo sư Trần Văn Giàu là hình ảnh của lớp người đi trước, cách mạng - kiên cường, không sợ tù đày, gian khổ, hy sinh, quyết đấu tranh giành cho được độc lập.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, ông sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với quyết tâm sẽ đậu hai bằng tiến sĩ rồi về nước viết báo và mở văn phòng luật sư. Tại Toulouse, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và bắt đầu bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cũng tại đây, ông được đọc cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu “làm chính trị” khi tròn 18 tuổi.
Khi khởi nghĩa Yên Bái (năm 1930) thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp trong biển máu, người đảng viên cộng sản Trần Văn Giàu được cử thay mặt học sinh, thanh niên và những người lao động ở Toulouse lên Paris tham gia biểu tình phản đối và bị Pháp bắt giam. Sau đó, ông cùng 18 người bạn của mình bị trục xuất về nước (tháng 6/1930). Cuối năm đó, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1931, ông được cử sang Mátxcơva học Trường đại học Đông phương. Tại đây, ông được học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin... Cùng học với ông có những người sau này trở thành các lãnh tụ của Đảng như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập...
Năm 1933, ông bí mật trở về nước và hoạt động cách mạng với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo cán bộ cho Đảng. Ông bị địch bắt giam 7 năm ở Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài. Tại các trại giam này, ông bị giam cùng với những lãnh tụ và cán bộ của Đảng như Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập, Tô Ký, Dương Quang Đông... Trong tù, cùng với các đồng chí của mình, ông giảng bài và biên soạn tài liệu để phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, về đảng cộng sản... Ông trở thành “Thầy giáo đỏ” và đây là một nét đặc sắc trong nghề dạy học của ông.
Sau khi vượt ngục, ông tiếp tục hoạt động và trở thành người lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.
Ngày nay, phía trước tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố còn có tấm bia ghi nhớ sự kiện trưa ngày 25/8/1945, hơn nửa triệu đồng bào Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
* Một người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam, một đại trí thức giàu sáng tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Năm 1949, ông ra chiến khu Việt Bắc giữ chức vụ Tổng Giám đốc Nha thông tin. Hai năm sau, năm 1951, ông được cử vào vùng tự do Thanh Hoá xây dựng Trường dự bị đại học. Ông đã cùng với các trí thức lớn như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy... đào tạo được một thế hệ học sinh dự bị đại học mà giờ đây hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo đục... Năm 1954, ông là Bí thư Đảng uỷ Trường đại học sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi Trường đại học tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông là Bí thư Đảng ủy của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập Khoa lịch sử. Cùng với các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, ông đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học macxít đầu tiên cho đất nước. Trong số đó có những người giờ đây đã trở thành những tên tuổi lớn của sử học Việt Nam như các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...
Ngoài sự nghiệp chính trị với những đóng góp vẻ vang của một người đã hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập, tự do và xây dựng phát triển đất nước; một người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam, giáo sư Trần Văn Giàu là một đại trí thức giàu sáng tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Có thể nói, chưa có một người Việt Nam nào viết nhiều như giáo sư Trần Văn Giàu. Hàng vạn trang sách đã ghi dấu ấn sâu sắc sự cần mẫn và sáng tạo của nhà khoa học Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh mỗi người 1 tập, bình quân từ khoảng 500-1.500 trang. Riêng giáo sư Trần Văn Giàu có 2 tập, tổng cộng 3.556 trang. Nhưng đó chỉ mới là dung lượng của 2 tác phẩm được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh trong số các công trình khoa học của Giáo sư. Đó là tác phẩm “Giai cấp công nhân Việt Nam” và tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam”, mỗi tác phẩm gồm 3 tập. Sự nghiệp khoa học, công trình nghiên cứu của ông không phải chỉ chừng đó, mà như trên đã nói, ông có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, hơn 150 công trình.
Ngoài những công trình do một mình thực hiện, Giáo sư còn chỉ đạo, chủ biên nhiều công trình có giá trị, như bộ Giáo trình lịch sử Việt Nam (8 tập, khổ lớn như khổ giấy A4 bây giờ), làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên. Toàn bộ Địa chí văn hóa TPHCM gồm 4 tập, hơn 2.000 trang về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, tín ngưỡng, khái quát khá đầy đủ diện mạo văn hóa Sài Gòn - TPHCM qua các thời kỳ phát triển. Giới nghiên cứu coi đây là Bách khoa thư của TPHCM. Trước khi “ngưng bút” do sức khỏe không cho phép, giáo sư Trần Văn Giàu đã chủ biên bộ sách “Lịch sử Việt Nam” do Hội đồng KHXH TPHCM thực hiện, đã in được 2 tập, và viết các chuyên đề tham gia Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần I và lần II.
Các công trình của Giáo sư luôn thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và tính khoa học, và tất cả đều phục vụ tìm hiểu “lịch sử cách mạng Việt Nam”, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông tâm sự: Khi thực sự hoạt động chính trị, làm cách mạng chuyên môn thì “chuyên môn chính” lại là nghề dạy học. Muốn dạy người ta thì phải làm nghiên cứu, phải viết sách. Cho nên tính khoa học và tính cách mạng luôn thống nhất trong các công trình khoa học của giáo sư Trần Văn Giàu. Công trình của ông viết về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, nhưng nhiều nhất vẫn là sử, triết, văn. Giáo sư Vũ Khiêu, người đồng nghiệp thân cận của ông, đã nhận định: Các tác phẩm về sử học của giáo sư Trần Văn Giàu đều có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở Giáo sư, trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học. Các hiện tượng văn, sử, triết bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và của các nước phương Đông được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.
Sở dĩ một nhà khoa học trong điều kiện của đất nước ta vốn vô cùng khó khăn mà có được một khối lượng công trình khoa học đồ sộ và có giá trị như vậy, phần lớn do sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, một trí thức uyên thâm, một người con thủy chung của “Miền Nam thành đồng”. Tự mình làm tư liệu, tự thức khuya dậy sớm viết đi viết lại từng trang sách, từng câu chữ.
Để động viên những công trình nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu với nguồn quỹ của ông. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một giải thưởng mang tên một người còn sống. Năm 2010, giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu được trao cho công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chủ nhiệm và thực hiện từ năm 2001.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, giáo sư Trần Văn Giàu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác./.
Phương Dung (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN và các báo].
- Từ khóa:
- Giáo sư Trần Văn Giàu