Xuân Diệu - Nhà thơ lớn của tình đời, tình đất nước
Hà Nội (TTXVN 1/2/2016)
Trong thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.
Chỉ với ba tính từ “tha thiết, rạo rực, băn khoăn”, Hoài Thanh đã xây dựng cho Xuân Diệu một bậc thang cao nhất, đưa chàng thi sĩ “Say men sống” lên đứng cao hơn với mọi người – “Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”.
Ông mất ngày 18-12-1985, cách đây tròn 30 năm.
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2-2-1916, tại quê mẹ (bà Nguyễn Thị Hiệp) ở xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Nói về cuộc đời thơ của mình, Xuân Diệu đã tự khái quát: “Tôi muốn nói rằng tôi là cũ và tôi là hiện đại, và cả hai phương pháp sáng tác, hai “hồn thơ”, hai “bút pháp sáng tác”, hai giai đoạn lịch sử của đất nước tôi hòa lẫn trong tôi. Tôi đã biết trong thời trẻ của tôi các thú của sự buồn rầu, đã thưởng thức những êm dịu của niềm cô đơn vắng vẻ. Tôi đã có trong các bài thơ về trước của tôi những vọt tràn lãng mạn và những hơi tiếng của chủ nghĩa tượng trưng. Tôi không chút nào từ bỏ các sáng tác về trước của mình, nhưng tôi, nói như Pôn Eluya: “Từ chân trời của một người đến chân trời của mỗi người”…Tôi là một con người hành động và mơ mộng bằng thơ”.
Quả thật, nói về thơ của Xuân Diệu, thật không biết mấy cho vừa. Gần 70 năm có mặt với đời, hơn nửa thế kỷ hiến dâng sự sống cho thơ ca, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp nghệ thuật vô cùng to lớn và giá trị, với 15 tập thơ và trên 50 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau như văn xuôi, nghiên cứu phê bình, dịch thuật... Nhưng nói đến Xuân Diệu trước hết phải nói đến một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam.
* Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình Việt Nam
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một lẽ sống: sống để yêu và tôn thờ tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc "hăm hở" làm thơ tình. Nhắc đến Xuân Diệu, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tên "Vội vàng", "Đây mùa thu tới", và "Thơ duyên" trong tuyển tập "Thơ thơ" - đứa con đầu lòng mà "ông hoàng thơ tình" đã ban tặng cho nhân gian. Như một cái chạm tay khẽ nhẹ vào tâm hồn những người yêu thơ, thơ Xuân Diệu nhẹ nhàng và tinh tế như chính tác giả của nó, để lại trong tâm hồn người đọc một ấn tượng đậm nét và thật khó phôi pha về sự phóng túng, giàu có mà hết sức tinh tế trong đời sống nội tâm, tâm hồn của cái "TÔI" trữ tình Xuân Diệu. Thơ Xuân Diệu như một khúc tình si say đắm ngọt ngào... thật đến từng hơi thở!
“Ta muốn ôm
Cả sự sống nơi bắt đầu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…’’
Thơ tình của Xuân Diệu là thơ tình, cố nhiên, nhưng thông qua tình yêu, tác giả đã truyền cảm xúc sâu thẳm về cuộc sống, về đời người. Đọc thơ tình của Xuân Diệu, ta thấy yêu người yêu của ta đến thế, yêu tình yêu đến thế, yêu cuộc đời đến thế.
* Nhà thơ lớn của tình đời, tình đất nước
Sau cách mạng, Xuân Diệu đã đi: “Từ chân trời của một người tới chân trời của tất cả”. Từ một nhà thơ lãng mạn bậc nhất của phong trào thơ mới, Xuân Diệu trở thành một nhà thơ cách mạng. Xuân Diệu say xưa viết về Tổ quốc "Ngọn quốc kỳ" (1945) ,"Hội nghị non sông" (1946). Đây là những áng thơ được viết bởi tấm lòng hân hoan tràn đầy. Và chất men say lý tưởng của người nghệ sỹ trong "Mối duyên đầu với cách mạng".
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu,
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu, gian lao”.
Tiếp theo “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió”, “Trường ca”, “Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông” là một loạt tập thơ chan chứa tình đời, ấm hơi thở cuộc sống, lắng sâu tâm hồn như: “Dưới sao vàng”, “Sáng”, “Mẹ con”, “Ngôi sao”, “Riêng chung”, “Một khối hồng”, “Hai đợt sóng”, “Tôi giàu đôi mắt”, Hồn tôi đôi cánh”, “Thanh ca”...
Xuân Diệu không chỉ là “Hoàng tử thơ”, mà còn là một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo. Bộ sách dày hai tập “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” là một công trình đồ sộ về truyền thống thơ ca nước nhà. Có người đã nói: “Một mình Xuân Diệu là cả một viện văn học”. Những khám phá, những phân tích của ông về các nhà thơ cổ điển cũng đã trở thành những nhận định cổ điển. Xuân Diệu còn nhiều sách bình luận thơ ca như: “Thanh niên với quốc văn”, “Tiếng thơ”, “Ba thi hào dân tộc”, “Phê bình và giới thiệu thơ”, “Trò chuyện với cá bạn làm thơ trẻ”, “Dao có mài mới sắc”, “Cây đời mãi xanh”… Ngoài ra, ông còn dịch thơ và giới thiệu nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới với độc giả Việt Nam như Nadim Hitkmet, Maiakopxki, Dimitrova…
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Diệu là cuộc đời và sự nghiệp của một tâm hồn khao khát sống, khao khát giao cảm với con người và cuộc đời. Hay như chính ông viết:
“Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp
Và lòng tôi mời mọc chia nhau”.
Khát khao sống, khát khao giao cảm, thơ văn ông trở thành “sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Ông mất rồi mà “đời” văn ông vẫn sống, vẫn dài thêm năm tháng. Những gì ông viết, những gì ông để lại vẫn tiếp tục “truyền lửa” giữa cuộc đời./.
Thông tin tư liệu