70 năm quan hệ Việt Nam-Cộng hòa Séc: Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (7/2011 - 3/2016)Trương Tấn Sang
    • Ủy viên Bộ Chính khóa XI, XII; Chủ tịch Quốc hội (3/2016 - 3/2021)Nguyễn Thị Kim Ngân
    • Nguyễn Xuân Phúc

Hà Nội (TTXVN 1/2/2020) Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2-2-1950, trải qua 70 năm, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã không ngừng được củng cố và phát triển, đạt được nhiều thành tựu tích cực.

* Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp
Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu. Từ năm 1990, Séc tập trung mở cửa, tư nhân hóa và cơ cấu lại nền kinh tế. Việc Séc gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) tháng 5-2004 đã tạo thuận lợi thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. GDP tăng trưởng 3,5-4%/năm, thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI/năm. Giai đoạn 2005-2007, GDP tăng trưởng trung bình 6%/năm. Giai đoạn 2008-2013, Séc bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và từ năm 2013 đến nay kinh tế phục hồi mạnh nhờ xuất khẩu. GDP năm 2018 tăng trưởng 2,8%. Trọng tâm chính sách đối ngoại của Séc hiện nay là tăng cường hội nhập EU, chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng...
Tại châu Á, Séc ưu tiên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Việt Nam. Séc luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của nước này sang thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN). Về phía Việt Nam, Việt Nam cũng luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Trung-Đông Âu, trong đó Cộng hòa Séc là một trong những đối tác ưu tiên.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, giữa hai bên, trong đó phải kể đến: chuyến thăm Séc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 5-2015), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4-2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4-2019)…; về phía Séc có chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech (tháng 11-2016), Tổng thống Milos Zeman (tháng 6-2017), Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc-Morava Vojtech Filip (tháng 6-2018)…
Để tạo thuận lợi cho việc hợp tác, hai bên đã ký các văn kiện như: Hiệp định về tránh đánh thuế trùng (năm 2004); Hiệp định về hợp tác kinh tế (năm 2006); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 2007); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2014); Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao (năm 2016), Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm (năm 2017)…
Bên cạnh đó, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời ủng hộ việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

* Quan hệ kinh tế, thương mại có bước phát triển
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam và Séc đang phát triển và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Séc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước gần đây có tăng trưởng song vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 258 triệu USD; năm 2018 đạt 307 triệu USD và năm 2019 đạt trên 330 triệu USD (trong đó, xuất khẩu trên 207 triệu USD và nhập khẩu trên 122 triệu USD). Việt Nam xuất khẩu sang Séc chủ yếu là: hàng dệt, may; giày dép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; thủy sản; nông sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện … và nhập khẩu từ Séc các mặt hàng như: máy móc, thiết bị, dụng cụ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; hóa chất…
Vào năm 1998, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc được thành lập và năm 2001 đã họp khóa 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Séc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006. Năm 2012, Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam (nước duy nhất trong ASEAN) vào danh sách 12 thị trường ưu tiên.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2019 Séc có 38 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 90 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy-toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Về hợp tác phát triển, trước đây, Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam với tổng vốn khoảng 18 triệu USD. Các dự án ODA của Séc dành cho Việt Nam có thể kể đến như: hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam ở Séc về nước (năm 1994); xây dựng Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (năm 1995), dự án chế biến phân vi sinh tại Hải Dương (năm 2003)… Từ năm 2013, Séc không xếp Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ phát triển ODA do sự tiến bộ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.

* Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác
Hợp tác về giáo dục-đào tạo là một lĩnh vực phát triển tiềm năng giữa hai nước. Hai bên đã nỗ lực mở rộng các khả năng hợp tác, nhất là việc khuyến khích các trường đại học uy tín của nước bạn phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để liên kết đào tạo trình độ trên đại học.
Một số trường đại học của Việt Nam đã liên kết đào tạo với các trường đại học của Cộng hòa Séc như: Đại học Bách Khoa Hà Nội liên kết đào tạo với Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Liberec; Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên kết với Đại học Nông nghiệp nhiệt đới Praha; Đại học Kỹ thuật Ostrava ký kết văn kiện hợp tác với Đại học Tôn Đức Thắng. Từ năm 1999 đến nay, Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam. Hai bên đang đàm phán việc ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục cho giai đoạn mới.
Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng là một điểm đáng chú ý trong quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế. Cộng hòa Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Séc.
Về cộng đồng người Việt Nam tại Séc, hiện có hơn 65.000 người Việt Nam sinh sống tại Séc và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Séc, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chính quyền Séc luôn tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Năm 2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
Để thúc đẩy quan hệ chính trị, tăng cường hợp tác về mọi mặt trong thời gian tới, tại chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4-2019), hai Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của việc mở đường bay thẳng giữa hai nước và mong muốn sớm khai trương đường bay thẳng, góp phần thúc đẩy trao đổi du lịch - lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-công nghệ, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật.../.

Minh Duyên (tổng hợp)
[Nguồn: Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TTXVN]