Biển Đỏ dậy sóng tác động mạnh đến thương mại thế giới

Hà Nội (TTXVN 4/1/2024) Các vụ tấn công liên tiếp của các tay súng Houthi ở Yemen trên Biển Đỏ thời gian gần đây là một nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu và sự ổn định của khu vực. Tình hình an ninh ở Biển Đỏ đang gây rủi ro cho chuỗi cung ứng và thương mại hàng hóa toàn cầu vì tuyến hàng hải này đóng vai trò quan trọng đối với thương mại quốc tế cũng như hoạt động vận chuyển dầu khí.

*Gia tăng căng thẳng

Lực lượng Houthi, đang kiểm soát phần lớn Yemen, đã tăng cường tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ nhằm phản đối xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza. Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công. Kể từ khi lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu liên quan đến Israel để ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza, nhiều hãng vận tải lớn đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez của Ai Cập hồi tháng 12/2023, và thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Trong diễn biến mới nhất ngày 3/1/2024, Houthi thông báo đã thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào tàu CMA CGM TAGE của Pháp ở Biển Đỏ sau khi thủy thủ đoàn từ chối đáp lại lời kêu gọi từ lực lượng này, trong đó có cả những thông điệp cảnh báo gay gắt. Houthi cũng cho biết sẽ tiếp tục ngăn các tàu của Israel hoặc các tàu đi đến Israel đi vào Biển Đỏ và Biển Arab cho tới khi hàng hóa và thuốc thang cứu trợ được phép vào Dải Gaza.

Phản ứng trước vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Đức đánh giá các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ là không thể chấp nhận được và cần phải chấm dứt ngay. Hiện Đức đang thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về việc hình thành một phái bộ hàng hải tại khu vực. Berlin đang đánh giá tất cả các phương án có thể áp dụng theo luật pháp quốc tế và hiến pháp quốc gia. Về phía Anh, Thủ tướng nước này Rishi Sunak tuyên bố lực lượng Houthi phải chấm dứt các cuộc tấn công chết người và gây mất ổn định hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ, nhấn mạnh London sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Anh đã phái tàu khu trục HMS Diamond đến Biển Đỏ để tăng cường cho lực lượng bảo vệ hàng hải của Anh có mặt tại khu vực này.

Nhằm bảo vệ tuyến đường thương mại qua Biển Đỏ, cũng trong ngày 3/1, Mỹ và 11 quốc gia đồng minh (bao gồm Australia, Bahrain, Canada, Bỉ, Đức, Italy, Nhật Bản, New Zealand, Anh, Đan Mạch và Hà Lan) đã lên tiếng kêu gọi lực lượng Houthi ở Yemen “dừng ngay lập tức các cuộc tấn công bất hợp pháp” nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, nếu không muốn đối mặt với “những hậu quả”. Tuyên bố của Nhà Trắng “yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công, đồng thời thả các tàu và thủy thủ đoàn bị giam giữ bất hợp pháp”. Theo đó, lực lượng Houthi sẽ phải đối mặt với những hậu quả, nếu họ tiếp tục đe dọa tính mạng, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường biển quan trọng của khu vực. Mỹ trước đó đã điều động tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tới khu vực Biển Đỏ.

Trong phiên thảo luận khẩn cấp về tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ chiều 3/1 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari cho rằng leo thang căng thẳng và các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải có thể gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến “hàng triệu người ở Yemen, khu vực và trên toàn cầu”. Ông Khairi nhấn mạnh không gì có thể biện minh cho việc tiếp diễn các cuộc tấn công nhằm vào tự do hàng hải, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tránh leo thang căng thẳng và hạ nhiệt tình hình hiện nay để không ảnh hưởng tới an ninh khu vực và hoạt động thương mại quốc tế.

*Tuyến đường thủy huyết mạch

Theo nhận định của Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Arsenio Dominguez, các thông tin gần đây cho thấy lực lượng Houthi không chỉ giới hạn mục tiêu tấn công là các tàu có liên quan tới Israel. Ông Dominguez kêu gọi các bên kiềm chế và giảm xung đột “để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và ổn định chuỗi cung ứng”.

Theo Liên hợp quốc, khoảng 80-90% khối lượng thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó, số liệu của Phòng Vận tải Quốc tế (ICS) cho thấy, với 12% thương mại hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đây, Biển Đỏ có “tuyến đường thủy quan trọng” nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á. Khoảng 20.000 tàu đi qua kênh đào Suez mỗi năm và Biển Đỏ là cửa ngõ cho tàu bè ra vào khu vực này.

Eo biển Bab Al Mandeb, nằm ở rìa phía Nam của Biển Đỏ, là tuyến đường dành cho tàu chở dầu và tàu thương mại đi lại giữa Vịnh Arab và châu Á, cũng như các tàu đi đến châu Âu qua Kênh đào Suez. Khoảng 12% khối lượng thương mại dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua Eo biển Bab Al Mandeb.

Các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhằm vào hoạt động vận tải quốc tế ở Biển Đỏ đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa các quốc gia xung quanh Biển Đỏ. Sự gián đoạn và chuyển hướng của các hãng vận tải lớn trên thế giới tại Biển Đỏ có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu. Khoảng 1/3 lượng hàng hóa tàu container toàn cầu sử dụng kênh đào Suez. Việc chuyển hướng tàu quanh mũi Hảo Vọng dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu.

Những tác động đối với thương mại thế giới là nghiêm trọng. Biển Đỏ và Kênh đào Suez là những mắt xích quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dầu, khí đốt tự nhiên, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và hơn thế nữa. Khoảng 40% thương mại Á-Âu đi qua Kênh đào Suez, bao gồm cả nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng quan trọng. Các nhà kinh tế ước tính vào năm 2021 rằng khoảng 10 tỷ USD thương mại bị ảnh hưởng cho mỗi ngày tuyến đường thủy bị chặn.

Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jihad Azour nhận định, sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể ảnh hưởng lớn đến một số nền kinh tế Trung Đông cũng như hoạt động thương mại toàn cầu. Chi phí vận chuyển container đã tăng vọt và khối lượng thương mại được vận chuyển qua Kênh đào Suez của Ai Cập sụt giảm sau cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ vào tháng 12/2023. Chi phí xuất khẩu cũng gia tăng, đặc biệt trong hoạt động thương mại giữa châu Á và châu Âu, khi mà một phần lớn dầu mỏ nhập khẩu của thế giới được vận chuyển qua Kênh đào Suez.

Minh Trà (tổng hợp)