Chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II, 16/9 - 14/10/1950)
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 (Chiến dịch Việt Bắc, 7/10 - 20/12/1947), quân và dân Việt Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng: lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt bộ đội chủ lực phát triển nhanh (đã xây dựng được 1 đại đoàn và nhiều trung đoàn chủ lực), phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên các chiến trường như Nghĩa Lộ (1948), Cao Bắc Lạng (1949), Cầu Kè (1949), Trà Vinh (1950), Phan Đình Phùng (1950), Bến Tre (1950).
Tuy nhiên, ta cũng gặp những khó khăn mới, do Pháp được Mỹ ủng hộ ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơve (6/1949), tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ra sức phong tỏa biên giới, nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam, bao vây cô lập căn cứ địa Việt Bắc. Trong bối cảnh đó, ngày 7/7/1950, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng-Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến địch trên đường 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng-Thất Khê. Chiến dịch do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra mặt trận cùng bộ chỉ huy chỉ đạo chiến dịch.
Trước ngày diễn ra chiến dịch, quân Pháp tổ chức tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc gồm 2 phân khu Cao Bằng, Thất Khê và hai khu Lạng Sơn, An Châu; lực lượng chiếm đóng và cơ động có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh (71% là lính Âu-Phi), 27 pháo, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 8 máy bay. Tại các vị trí chiếm đóng, địch xây dựng các cụm cứ điểm với binh lực từ 2 đại đội trở lên, có hỏa lực tăng cường; mỗi cụm cứ điểm có đồn chính và các đồn tiền tiêu bảo vệ xung quanh để ngăn chặn đối phương từ xa. Về phía ta, phương án tác chiến chiến dịch ban đầu dự kiến tiến công thị xã Cao Bằng trước, sau đó chuyển đánh Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi nghiên cứu tình hình tại chỗ, xét thấy thị xã Cao Bằng có địa thế hiểm trở, được phòng thủ vững chắc, việc tiến công sẽ không bảo đảm chắc thắng; hơn nữa nếu mất Cao Bằng, quân Pháp có thể không ứng cứu, ta không có cơ hội đánh viện, vì vậy ngày 16/8/1950, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định phương án tác chiến mới: đánh Đông Khê trước để tạo điều kiện đánh quân viện, sau đó đánh Thất Khê rồi tập trung lực lượng đánh Cao Bằng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, 2 trung đoàn bộ binh (174, 209), 3 tiểu đoàn chủ lực (426, 428, 888) của Liên khu Việt Bắc, 4 đại đội sơn pháo (20 khẩu 70mm và 75mm), 5 đại đội công binh và lực lượng vũ trang địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn; công tác bảo đảm hậu cần đã huy động hơn 120 nghìn dân công với 1,7 triệu ngày công, vận chuyển 4 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm... Sở chỉ huy Chiến dịch được tổ chức thành 2 bộ phận, trong đó bộ phận chính đặt ở Tà Lùng và Thủy Khẩu; bộ phận nhẹ ở Nà Lạn.
Chiến dịch diễn ra 3 đợt:
Đợt 1 (16 - 20/9), đánh trận then chốt mở màn chiến dịch, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Thị trấn Đông Khê (cách thị xã Cao Bằng 45 km về phía Nam, Bắc thị trấn Thất Khê 25 km) là vị trí hiểm yếu trên tuyến phòng thủ đường 4 của địch, được củng cố thành cụm cứ điểm mạnh gồm khu đồn chính (có sở chỉ huy, hầm ngầm) và 7 cứ điểm ngoại vi, do 2 đại đội Lê dương thuộc Trung đoàn Bộ binh Lê dương 3, 1 trung đội lính ngụy Thái, 1 phân đội pháo binh (2 khẩu 105 mm) đóng giữ. Để bảo đảm đánh thắng trận đầu, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng ưu thế hơn hẳn so với địch (gấp 9 lần về bộ binh, 6,5 lần về pháo binh), gồm 2 trung đoàn (174, 209) và 2 tiểu đoàn (11, 426) bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh (13 khẩu 75mm); đồng thời triển khai lực lượng sẵn sàng đánh viện và hoạt động nghi binh trên hướng Na Sầm-Lạng Sơn.
Theo kế hoạch, 6 giờ ngày 16/9, trận đánh cứ điểm Đông Khê bắt đầu. Ta tổ chức tiến công trên hai hướng (Bắc và Tây Nam), chiếm được một số cứ điểm ngoại vi, song do điều tra nắm địch không kĩ, chọn hướng đột phá không đúng, một bộ phận của Trung đoàn 209 hành quân chiếm lĩnh trận địa bị lạc đường nên nổ súng chậm, trận đánh diễn ra ác liệt, kéo dài; đặc biệt, địch dựa vào hầm ngầm cố thủ chống cự quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tiến công của ta. Sau khi rút kinh nghiệm, chuyển hướng đột phá từ hướng Bắc sang hướng Đông Bắc, 18 giờ 30 phút ngày 17/9, các đơn vị tiếp tục tổ chức tiến công, lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu, đến 4 giờ 30 phút ngày 18/9, chiếm sở chỉ huy và hoàn toàn làm chủ Đông Khê lúc 10 giờ cùng ngày, diệt và bắt hơn 300 địch, thu toàn bộ vũ khí. Phối họp với mặt trận Đông Khê, các đơn vị bộ đội địa phương trên hướng Na Sầm-Lạng Sơn tiến hành phá cầu đường trên đường 4, đoạn phía Nam Thất Khê, đồng thời tổ chức một số trận đánh ngăn chặn và tiêu hao sinh lực địch: ngày 16/9, Tiểu đoàn 428 phục kích ở khu vực Pắc Luông, đánh địch hành quân từ Lạng Sơn lên Na Sầm, phá 4 xe quân sự, diệt 60 địch; ngày 17/9, Tiểu đoàn 888 phục kích ở Tha Lai, phá 2 xe quân sự, diệt 120 địch... Thắng lợi của trận then chốt mở màn đã góp phần tạo thế cho chiến dịch phát triển, đồng thời gây hoang mang cho giới cầm quyền và Bộ chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương.
Đợt 2 (21/9 - 8/10), đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt 2 binh đoàn Lơ Pagiơ và Sactông. Ngay sau khi mất cứ điểm Đông Khê, Tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương Cacpăngchiê ra lệnh rút quân khỏi Cao Bằng theo Kế hoạch Têredơ, nhằm tránh nguy cơ bị bao vây tiêu diệt. Thực hiện kế hoạch trên, ngày 20/9, Pháp dùng máy bay tăng viện cho Cao Bằng 1 tiểu đoàn, đồng thời tổ chức 1 binh đoàn cơ động (4 tiểu đoàn) ở Thất Khê do Trung tá Lơ Pagiơ chỉ huy, với nhiệm vụ sẵn sàng chiếm lại Đông Khê và đón quân từ Cao Bằng (3 tiểu đoàn, do Trung tá Sactông chỉ huy) rút về. Ngoài ra, để phối hợp với kế hoạch Têredơ, ngày 29/9, Bộ chỉ huy quân Pháp còn sử dụng 6 tiểu đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng mở cuộc hành quân Phôcơ (Hải Cẩu) đánh lên vùng tự do Thái Nguyên, nhằm thu hút chủ lực ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn.
Về phía ta, nhận định địch đã tăng cường lực lượng chuẩn bị chiếm lại Đông Khê, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định điều chỉnh lực lượng chờ đánh viện: Đại đoàn 308 bố trí ở khu tam giác Lũng Chà-Bàn Xiền-Nà Pá chặn đánh quân viện từ Thất Khê lên; Trung đoàn 174 triển khai ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc Đông Khê sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không; Trung đoàn 209 tập kết ở vùng Bố Bạch làm lực lượng dự bị. Tuy nhiên, qua gần 10 ngày vẫn không có viện binh địch xuất hiện, công tác bảo đảm hậu cần của các đơn vị gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Chiến dịch chủ trương một mặt vẫn kiên trì chờ đánh viện, mặt khác giữ vững thế chủ động, tích cực tạo và nắm thời cơ tiêu diệt địch để thúc đẩy chiến dịch phát triển. Thực hiện chủ trương trên, Bộ chỉ huy Chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 174 và Tiểu đoàn 426 nhanh chóng cơ động xuống phía Nam Thất Khê, hoạt động đánh địch ở khu vực Na Sầm-Thất Khê; Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 cử cán bộ đi chuẩn bị chiến trường ở Thất Khê, đồng thời các đơn vị dành 1/3 quân số đến Thủy Khẩu lấy gạo. Lợi dụng tình hình này, đêm 30/9, Binh đoàn Lơ Pagiơ từ Thất Khê bí mật mở cuộc hành binh Tinhit, định bất ngờ đánh chiếm lại Đông Khê. Do tổ chức chỉ huy không chặt chẽ, cảnh giới thiếu chu đáo, Đại đoàn 308 để địch đi qua trận địa mà không đánh được.
Sau khi bí mật tiến gần tới Đông Khê, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 1/10, Lơ Pagiơ triển khai lực lượng tiến công, nhưng bị một bộ phận của Trung đoàn 209 chặn đánh quyết liệt ở Pò Hầu (Nam Đông Khê), buộc phải dàn quân tại khu vực Nà Pá-Nà Mục-Khâu Luông-Khâu Áng để chờ pháo binh từ Na Sầm lên chi viện, chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào ngày hôm sau. Thời điểm này, Đại đoàn 308 đã kịp thời cơ động lực lượng tới khu vực Nà Mục-Tróc Ngà, tổ chức bao vây và pháo kích vào đội hình địch. Thực hiện quyết tâm của Bộ chỉ huy Chiến dịch, từ ngày 2 đến 3/10, các đơn vị liên tục bám đánh tiêu diệt địch ở Nà Pá, Nà Mục, Tróc Ngà, Khâu Luông..., lực lượng Lơ Pagiơ không thực hiện được kế hoạch đánh chiếm Đông Khê và đón quân từ Cao Bằng rút về, bị chia cắt làm đôi, trong đó 2 tiểu đoàn ở khu vực Khâu Luông-Nà Pá do Thiếu tá Đencrôt chỉ huy; 2 tiểu đoàn cùng sở chỉ huy của Lơ Pagiơ ở khu vực điểm cao Xuân Hòa. Trong khi Binh đoàn Lơ Pagiơ bị bao vây chặn đánh ở Đông Khê, 0 giờ ngày 3/10, Binh đoàn Sactông ở Cao Bằng cũng bắt đầu rút lui, nhưng cuộc hành quân diễn ra rất chậm chạp, tối 3/10, mới đến gần Nậm Nàng (Bắc Đông Khê 20 km). Tại đây, Sactông được lệnh bỏ đường 4, đi tắt rừng theo đường mòn Quang Liệt về dãy điểm cao 477 đê bắt liên lạc với cánh quân Lơ Pagiơ.
Ngày 4/10, cánh quân Lơ Pagiơ sau khi bị vây đánh quyết liệt phải giạt sang phía Tây Đông Khê, tập trung ở Khâu Xiểm, định vượt qua vùng núi Cốc Xá sang dãy điếm cao 477 hội quân với Sactông. Nắm chắc ý định của địch, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định điều Trung đoàn 209 lên hướng Quang Liệt chặn đánh quân Sactông, đồng thời giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 (được tăng cường Tiểu đoàn 154 của Trung đoàn 209) tiến công tiêu diệt Binh đoàn Lơ Pagiơ trước, sau đó tiêu diệt Binh đoàn Sactông. Từ ngày 5/10, Đại đoàn 308 bao vây chặt quân Lơ Pagiơ ở vùng núi Cốc Xá, 5 giờ ngày 7/10, sử dụng 4 tiểu đoàn (80, 89, 11, 154) từ ba hướng đồng loạt tiến công, đến chiều 8/10, diệt gọn Binh đoàn Lơ Pagiơ (1.200 quân), bắt Lơ Pagiơ và Ban Tham mưu binh đoàn. Cùng ngày 7/10, các trung đoàn 102 và 88 (Đại đoàn 308) phối hợp với Trung đoàn 209 bao vây tiến công Binh đoàn Sactông ở dãy điểm cao 477, diệt và bắt toàn bộ quân địch, trong đó có Sactông và tình trưởng Cao Bằng (Trận Cốc Xá - điểm cao 477, 5 - 8/10/1950). Trước tình thế nguy cấp, Bộ chỉ huy quân đội Pháp phải sử dụng 4 đại đội do Thiếu tá Đơ Labôm chỉ huy từ Thất Khê lên ứng cứu, nhưng bị lực lượng ta chặn đánh, phải quay về Thất Khê. Cùng với việc hai binh đoàn Lơ Pagiơ và Sactông bị tiêu diệt ở Đông Khê, cuộc hành quân Phôcơ của quân Pháp đánh lên Thái Nguyên cũng bị Trung đoàn 246 và lực lượng vũ trang địa phương đánh bại.
Đợt 3 (9 - 14/10), đánh địch rút chạy, giải phóng Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn... Sau khi 2 binh đoàn cơ động tinh nhuệ bị tiêu diệt, Pháp gấp rút huy động lực lượng tăng cường cho Thất Khê, đưa tổng số lực lượng ở đây lên 3 tiểu đoàn, về phía ta, phát huy thắng lợi đã giành được, đại bộ phận lực lượng chuyển xuống bao vây Thất Khê; ngày 9/10, diệt đồn Bản Ne (Đông Bắc Thất Khê), phá sập cầu Bản Trại (Nam Thất Khê 6km). Tối 10/10, địch rút chạy khỏi Thất Khê, trên đường rút bị ùn lại trước cầu Bản Trại, nhưng các đơn vị của ta chưa đến kịp nên bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Một tiểu đoàn địch bị rớt lại, đi tắt rừng về đến gần Na Sầm thì bị ta tiêu diệt. Địch liên tiếp rút chạy khỏi Na Sầm (14/10), Đồng Đăng (17/10), thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang (18/10), Lộc Bình, Đình Lập (20/10), An Châu (23/10). Bộ đội ta tiếp tục tổ chức truy kích địch rút chạy, nhưng do sức đã giảm sút, thời tiết diễn biến không thuận lợi nên chì đánh được vài trận nhỏ, tiêu hao thêm một số địch; ngày 14/10, chiến dịch kết thúc.
Phối hợp với chiến dịch Biên giới, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch trên khắp các chiến trường: ở Thái Nguyên, đánh bại cuộc hành quân Phôcơ của Pháp; hướng Tây Bắc - Bắc Bộ, bao vây tiến công, buộc địch rút khỏi Lào Cai-Hà Giang, thị xã Hòa Bình...; ở Đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt và bức rút hàng chục vị trí, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm; ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ mở các chiến dịch: Hoàng Diệu (bắc Quảng Nam), Bến Cát (Thủ Dầu Một), Cầu Ngang (Trà Vinh), Long Châu Hà 1 (Long Châu Hậu)...
Chiến dịch Biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, có ý nghĩa chiến lược, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn (có 8 tiểu đoàn Âu-Phi, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ở Đông Dương), diệt và bắt 8.296 địch (có 60 sĩ quan), thu hơn 3 nghìn tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc. Chiến thắng biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, Pháp chuyến dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch, sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)