Điện Biên Phủ - điểm cuối của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Hà Nội (TTXVN 11/3/2024) Không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong Từ điển bách khoa quân sự thế giới. 70 năm trước, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại mở màn, cũng là lúc cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp kéo dài gần 1 thế kỷ trên đất nước ta đi vào hồi kết. 56 ngày đêm khốc liệt và gian khổ sau đó đã đưa dân tộc Việt Nam lên đỉnh cao của chiến thắng, khiến cụm từ "Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ" trở thành biểu tượng sáng ngời đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thúc giục nhiều dân tộc bị áp bức vùng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

   * Điểm quyết chiến cuối cùng

 Sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra, là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945. Trái lại, chúng phải chịu những tổn thất nặng nề: thiệt hại 390.000 quân, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng ngày càng sâu sắc, quân Pháp trên chiến trường dần lâm vào thế phòng ngự bị động.

Mặt khác, những khó khăn về kinh tế, tài chính và phong trào đấu tranh phản chiến của nhân dân trong nước ngày càng dâng cao, đẩy chính phủ Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lợi dụng tình thế này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho thực dân Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng.

Năm 1953, tướng Henri Eugène Navarre - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” - được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Navarre đề ra kế hoạch quân sự với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Sau khi khảo sát, ông ta quyết định tập trung lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, nơi quyết chiến chiến lược với quân ta.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn, nằm về phía Tây vùng núi Tây Bắc. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp-Mỹ thì đây “là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc và tạo điều kiện thuận lợi tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.

Pháp nhanh chóng xây dựng tại đây 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, được bố phòng chặt chẽ với tổng số hơn 16.000 quân, trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân, thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, được trang bị phương tiện, vũ khí mới, hỏa lực mạnh. Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương, một “pháo đài” mà cả Pháp và Mỹ đều cho rằng nó “không thể công phá”.

Tướng Navarra có lý khi nghĩ rằng Điện Biên Phủ sẽ là nơi nghiền nát bộ đội chủ lực của Việt Nam, bởi ông ta biết, ở lòng chảo đồi núi chập trùng này, quân Pháp nắm ưu thế tuyệt đối về vận chuyển và tiếp tế bằng đường hàng không. Trong khi đó, Việt Nam sẽ không có cách nào đưa pháo vượt qua hàng trăm kilômét rừng núi để vào trận địa, đồng thời đảm bảo được các yêu cầu hậu cần. Tuy nhiên, những nhận định chủ quan đó chính là sai lầm đã sớm đưa quân đoàn Pháp về nước trong một thất bại lịch sử.

   * Kỳ tích làm nên sự vĩ đại

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Không phải ngẫu nhiên mà sau này, danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong Từ điển bách khoa quân sự thế giới. Henri Navarre tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một “cái bẫy hiểm ác”, một “cái máy nghiền khổng lồ” dành cho quân Việt Minh, nhưng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của Pháp, Bác đã nói “Ta không sợ, ý đồ của họ muốn tập trung thì ta buộc họ phải phân tán ra, và ta đánh!”.

Với chủ trương đó, Đông Xuân 1953-1954, ta mở nhiều chiến dịch ở miền Trung, miền Nam, cả ở Thượng Lào và Hạ Lào để buộc địch phân tán lực lượng với phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược. Ta nhận định, tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là đánh bại được hình thức phòng ngự cao nhất, nỗ lực lớn nhất, là đòn quyết định làm suy sụp hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh của Pháp - Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải tìm giải pháp kết thúc chiến tranh bằng đàm phán. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách làm Tổng tư lệnh mặt trận.

Trong lúc thực dân Pháp dồn lực lượng xây dựng căn cứ, ta âm thầm chiếm cứ và kéo pháo vào các ngọn đồi cao xung quanh lòng chảo. Để làm được điều tưởng như không thể đó, quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích về hậu cần. Trong hơn 2 tháng, hàng vạn dân quân đã sửa chữa và mở mới hàng trăm kilomet đường cơ giới hướng vào Điện Biên Phủ, chỉ dựa phần lớn vào sức người với những phương tiện thô sơ. Cuốn sách "Kể chuyện Điện Biên Phủ" có viết: “Anh em làm việc liên tục 12-13 giờ trong một ngày. Kỷ lục quai búa tạ từ 1.700 nhát lúc đầu, cuối cùng có người đạt tới 3.000 búa liền một hơi. Một sức khoẻ kỳ lạ”.

Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã dặn dò ngắn gọn: "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Lời dặn dò của Bác đã dẫn đến một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Để chắc chắn chiến thắng, ngay trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch, khi tất cả nhân lực và khí tài đã sẵn sàng, Tổng tư lệnh mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cẩn thận suy tính và quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa, lùi ngày mở màn từ ngày 26/1 sang ngày 13/3/1954, chậm lại một tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sỹ trong lễ mừng chiến thắng, tổ chức tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng. (Ảnh: TTXVN)

40 năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc”.

Trong hơn 1 tháng đó, chúng ta tiếp tục động viên toàn dân dốc sức chi viện cho tiền tuyến. Quân ta chủ động chuyển sang vây hãm địch dài ngày, triệt phá đường tiếp tế của địch; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh; đào hàng trăm kilomet đường hào bao quanh Điện Biên Phủ, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực nhằm tiêu diệt từng cứ điểm, tạo thế chia cắt cô lập trận địa, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm.

Thực tế đã chứng minh, quyết định táo bạo, kịp thời và sáng suốt đó chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời khẳng định tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò xuất sắc của mình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau 56 ngày đêm vây hãm, chia cắt, chúng ta đã tiêu diệt hoàn toàn - “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của thực dân Pháp, làm nên một chiến thắng vĩ đại, mang ý nghĩa biểu tượng to lớn - Chiến thắng Điện Biên Phủ  “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.

Thu Hạnh (tổng hợp)