Hội nghị đường Cây Mai (23/9/1945)

Hội nghị diễn ra vào rạng sáng 23.9, tham dự có Hoàng Quốc Việt, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh, Cao Hồng Lãnh, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, cùng đông đủ cán bộ lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng, Ngô Tấn Nhơn... Sau khi phân tích, nhận định tình hình và thảo luận các phương án đối phó, Hội nghị thống nhất tiến hành phát động ngay nhân dân Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống xâm lược, đồng thời báo cáo Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ đạo. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch; Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch, Huỳnh Đình Hai và Từ Văn Ri phụ trách tổ chức kháng chiến.

Ngay sau khi có quyết định của Hội nghị, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lệnh cho quân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn tiếp tục tổ chức đánh địch trên đường phố, ngăn chặn và bao vây địch trong nội thành, kêu gọi đồng bào vạch mặt các phần tử Việt gian nguy hiểm, triệt để bãi công, bãi thị, bãi khoá, bất hợp tác với địch. Chiều 23.9.1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cho phát thanh rộng rãi lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ tăng cường đoàn kết, cương quyết chiến đấu bảo vệ quốc gia và tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp.

Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, nhất trí kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến, phá âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp. Đài tiếng nói Việt Nam truyền bức điện của Chính phủ, chỉ thị cho Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Tiếp đó, ngày 26.9.1945, thông qua Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước.

Hội nghị đường Cây Mai đáp ứng kịp thời ý chí và quyết tâm chiến đấu của đồng bào Nam Bộ, cổ vũ mạnh mẽ quân dân Nam Bộ tự tin bước vào cuộc kháng chiến đầy thử thách, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chung sức, chung lòng đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc vừa giành được.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)