Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Hà Nội (TTXVN 21/1/2024) Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến 24/1/2024. Chuyến thăm được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III và Hoàng hậu Camilla tại Thủ đô London. (Ảnh: TTXVN phát)

   * Quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện

49 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Đức ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

   - Quan hệ chính trị-ngoại giao hiệu quả và thực chất

Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong đó, tại chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Sau đó, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tạo động lực thúc đẩy hợp tác. Gần đây có chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 2/2019); Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Angela Merkel (tháng 6/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeer (tại New York, Mỹ, tháng 9/2021); Tổng Bí thư Nguyễn  Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Olaf Scholz (tháng 3/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Stephan Weil, Thủ hiến bang Hạ Saxony nhân dịp sang thăm Việt Nam (tháng 10/2023)…

 Về phía Đức, có chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier (tháng 10/2016); Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier (tháng 3/2019); chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz (11/2022), là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của lãnh đạo Đức trong hơn 10 năm qua. Và gần đây nhất là chuyến thăm của ông Stephan Weil, Thủ hiến bang Hạ Saxony (tháng 10/2023) và ông Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Thüringen (tháng 11/2023)…

Hai nước đã mở ra nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả như: Đối thoại chiến lược, Tham khảo chính sách đối ngoại, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học-công nghệ… nhằm tăng cường hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác, như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không...

Tại các diễn đàn đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương khác như ASEM, ASEAN-Đức, ASEAN-EU. Đức tích cực ủng hộ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

   - Hợp tác kinh tế là một điểm sáng tiêu biểu

Trong khi hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành khác không ngừng được thúc đẩy thì hợp tác kinh tế là một điểm sáng tiêu biểu của quan hệ Việt Nam - Đức.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) (chiếm gần 20% xuất khẩu của ta sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ 6 của Đức ở châu Á. Giai đoạn 2010-2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Đức đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 4,11 tỷ USD năm 2010 lên 9,98 tỷ USD năm 2020. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt trên 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020; năm 2022 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2021 và năm 2023 đạt 11,09 tỷ USD.

 Về đầu tư, Đức xem Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển nhanh ở khu vực châu Á. Tính đến 20/12/2023, Đức có 463 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,68 tỷ USD, đứng thứ 17/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia như: Siemens (thiết bị, y tế), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm)...

 Về hợp tác phát triển, Đức hiện là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển (ODA) trị giá trên 2 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030), Đức xác định Việt Nam là Đối tác toàn cầu, tập trung ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine cùng nhiều thiết bị y tế, góp phần hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh.

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam với hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA từ năm 1990 đến nay. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là "Đối tác toàn cầu" trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức.

 Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm hợp tác của Đức tại Việt Nam. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Hai nước cũng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trường Đại học Việt Đức là một trong những biểu tượng hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Trường hướng đến mô hình đại học xuất sắc không chỉ của Việt Nam mà có tầm nhìn lâu dài thành một trường đại học xuất sắc của khu vực.

Trong hợp tác văn hóa, năm 1997, Đức thành lập Trung tâm Văn hóa Đức (hay còn còn gọi là Viện Goethe) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, các hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật giữa hai nước diễn ra rất sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế...

 Về du lịch, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Đức đi du lịch Việt Nam trong thời gian 45 ngày. Đức nằm trong nhóm 10 thị trường có mức chi tiêu lớn nhất của Du lịch Việt Nam.

Đóng vai trò là cầu nối quan trọng, cộng đồng người Việt Nam tại Đức với gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức.

   * Triển vọng hợp tác

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Đức diễn ra dưới sự chủ trì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (tháng 11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên những năm qua là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với tình hình thế giới có nhiều thay đổi, dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Gợi mở một số định hướng trong hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp Đức ủng hộ mạnh mẽ để Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định; đảm bảo việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó Đức là đối tác hàng đầu. Cùng với đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần hài hòa về lợi ích, chia sẻ khó khăn, rủi ro. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi".

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân tới Việt Nam, nhận định về dư địa hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức, đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner đã khẳng định: Đức mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Chúng tôi coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Ngoài ra, tôi nhận thấy hai lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong thời gian tới. Một là chuyển đổi năng lượng. Đức muốn hỗ trợ Việt Nam hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch và than đá. Đức là một trong những quốc gia phát triển thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Lĩnh vực thứ hai tôi muốn đề cập đến là tuyển dụng lao động Việt Nam có tay nghề cao cho Đức. Thị trường lao động Đức mang đến cơ hội việc làm hấp dẫn cho người Việt Nam.

Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, tin tưởng, hợp tác đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam-Đức, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới./.

Phương Anh