[Longform] 162 hình đúc trên Cửu đỉnh Huế được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới

Hà Nội (TTXVN 8/5/2024) Vào lúc 13h09 phút, ngày 8/5/2024 (giờ địa phương), tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (162 hình đúc trên Cửu đỉnh Huế - PV) của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành Di sản Tư liệu của Chương trình Kí ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh trong Hoàng Thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Việc UNESCO công nhận 162 mảng hình đúc tinh xảo bằng đồng trên Cửu đỉnh Huế là Di sản Tư liệu Thế giới cho thấy những giá trị đặc biệt, riêng có của bộ "Bách khoa thư" bằng đồng của Việt Nam hồi nửa đầu thế kỉ 19. Như vậy, với sự công nhận này, cho đến nay Huế đã có 08 di sản được UNESCO vinh danh. Đây không chỉ là niềm vui riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam.

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Tổ Miếu (trong Hoàng Thành Huế), nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Cửu đỉnh là 09 cái đỉnh lớn bằng đồng đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng Thành, Huế) được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835. Việc đúc Cửu đỉnh được hoàn thành sau hơn một năm và sau đó tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt, trên thân 09 đỉnh đồng lớn này có tổng cộng 162 mảng hình đúc tinh xảo mô tả một cách sinh động về các hiện tượng thiên nhiên, núi sông, bờ cõi, địa danh, sản vật, binh khí, phương tiện, cuộc sống... điển hình và đặc trưng của Việt Nam.

Trải gần 200 năm, qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Từ khi được hình thành đến nay, Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế.

Hình ảnh các vùng biển của Việt Nam được thể hiện rõ ràng, minh xác trên Cửu đỉnh. Ảnh: Tư liệu

Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh còn được ví như một bộ “Bách khoa thư” của Việt Nam đầu thế kỉ 19 với 162 mảng hình đúc nổi bằng đồng tinh xảo. Nội dung các mảng hình đúc được tính toán, phân loại và sắp xếp thành từng bộ theo con số 09. Ví như: 09 vì tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; 09 ngọn núi lớn; 09 con sông lớn; 09 sông đào và sông khác; 09 cửa biển, cửa quan; 09 con thú lớn bốn chân; 09 con vật linh; 09 loài chim; 09 loại cây lương thực; 09 loại rau, củ; 09 loại hoa; 09 loại cây lấy quả; 09 loại dược liệu quý; 09 loại cây thân gỗ; 09 loại vũ khí; 09 loài cá, ốc, côn trùng; 09 loại thuyền bè, xe cộ.

Qua hình ảnh của 162 mảng đúc ấy có thể thấy các hình đúc thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích, đa dạng về nhiều cảnh vật, địa danh, sản vật... nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên bức tranh mô tả sinh động về sự giàu đẹp của Tổ quốc. Ví dụ như trên Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có cọp trên rừng thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển.

Hình ảnh các địa danh tiêu biểu của Việt Nam trên Cửu đỉnh. Ảnh: Tư liệu

Các hình ảnh trên Cửu đỉnh vừa mang tính cung đình lại vừa mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt. Vì thế, ở đó người xem có thể thấy những hình ảnh quý phái như rồng, thuyền ngự, mặt trời, chịm công, cây ngô đồng... và cũng có hình ảnh bình dị như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây hành, cây nghệ, rau tía tô, con gà…

Cửu đỉnh không chỉ là hình trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết đúc nổi trên các đỉnh đồng ấy có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.

Hình tứ linh, xe cộ và các hiện tượng nhiên nhiên trên Cửu đỉnh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đặc biệt, trong số các hình đúc trên Cửu đỉnh có những hình đúc thể hiện nhiều địa danh, núi sông, biển đảo của Việt Nam cùng với lời chú thích bằng chữ Hán rất minh xác, rõ ràng thể hiện rõ ý thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ từ rất sớm của các vua nhà Nguyễn. Đáng chú ý, trong số 09 đỉnh có 03 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về tình trạng biển đảo nước Việt thời ấy như: Biển Đông đúc trên Cao đỉnh; Biển Nam đúc trên Nhân Đỉnh và Biển Tây đúc trên Chương đỉnh. Đây cũng là 03 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất trong bộ Cửu đỉnh.

Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh chính là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước từ rất sớm.

Hình các giống cây, con vật tiêu biểu của đất nước. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bên cạnh những giá trị nổi bật về thông tin mang tính tư liệu, tính bách khoa thư, Cửu đỉnh còn được đánh giá là những kiệt tác về kĩ thuật đúc đồng của người Việt thế kỉ 19. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” thì Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên khuôn đúc được tạo theo lối thủ công. Để tạo nên những khuôn đúc chính xác, các nghệ nhân đã rất kì công trong việc lựa chọn loại đất sét phù hợp. Khuôn đúc Cửu đỉnh là những chiếc khuôn độc bản, vì để tránh sự sao chép, sau khi đúc hoàn chỉnh, các khuôn đúc đều bị phá bỏ. Theo sử quan nhà Nguyễn thì khoảng thời gian đúc Cửu đỉnh phải đúc cách đoạn, đúc từng chiếc, đến gần bảy tháng mới đúc xong. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các đơn vị hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kì nơi đâu.

Một điều thú vị khác là nếu nhìn vào lịch sử các triều đại phong kiến ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể thấy trong hoàng cung các nước này không có đúc Cửu đỉnh nào tương tự như ở Cố đô Huế thời Nguyễn. Thậm chí, ngay tại Việt Nam, các triều đại trước đó cũng không để lại một dạng tư liệu nào như vậy.

Cửu đỉnh không chỉ là bộ "Bách khoa thư" bằng hình ảnh độc đáo mà còn là những kiệt tác đúc đồng của Việt Nam xưa. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Như vậy có thể thấy Cửu đỉnh Huế là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên. Trong hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn, có thể nói Cửu đỉnh là dạng “phiên bản giới hạn”, không được chế tác hàng loạt như một số sản phẩm khác. Do đó, Cửu đỉnh là hiện vật “độc bản”, không thể thay thế. Các hiện vật này đều đã trải qua thời gian gần hai thế kỉ nên đã trở thành bộ sưu tập cổ vật vô cùng phong phú và quý giá. Bên cạnh đó, đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, một bộ sưu tập thư pháp (thụy hiệu các đời vua), một bộ sưu tập tác phẩm mĩ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn.

Với những những giá trị và ý nghĩa to lớn đó, năm 2012 Cửu đỉnh đã được Nhà nước công nhận Bảo vật Quốc gia, và đến nay chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu của Chương trình kí ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương./.

Bài, ảnh: Thanh Hòa (Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu/TTXVN)