Ngày 10/4/1954: Bộ Tổng Tư lệnh ra Mật lệnh số 95ML/B1 gửi các Đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Ngày 10/4/1954, để thực hiện được kế hoạch đánh chiếm khu vực phòng ngự then chốt trên các điểm cao phía Đông, mở cửa thọc sâu vào tập đoàn cứ điểm trong Đợt 2 chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh đã ra Mật lệnh số 95ML/B1 gửi các đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351. Mật lệnh chỉ thị cho các đơn vị tiếp tục củng cố trận địa phòng ngự, rút kinh nghiệm chiến đấu vừa qua và chuẩn bị tiếp tục tiến công địch ở Điện Biên Phủ. Cũng trong ngày 10/4/1954, cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên đồi C1 diễn ra rất gay go, ác liệt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

  * Nhiệm vụ cụ thể trao cho từng đơn vị như sau:

  - Đại đoàn 308: Phụ trách trận địa tiến công địch từ phía Tây Mường Thanh, đến Bản Kéo, có nhiệm vụ: Làm trận địa tiến công các cứ điểm 206, 311A, 311B, 310, bố trí lực lượng chặn viện giữa các cứ điểm 105 và 206, giữa 206 và 208; phối hợp với Đại đoàn 312 làm hào giao thông cắt ngang sân bay ở nam cứ điểm 206 (hết đường băng); đánh địch nhảy dù và phản kích trong phạm vi đại đoàn phụ trách, đẩy mạnh hoạt động nhỏ, bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế, tiêu hao địch, chấn chỉnh bộ đội, học tập kinh nghiệm, chuẩn bị tiến công lớn.

  - Đại đoàn 312: Phụ trách trận địa tiến công địch từ đông Bản Kéo đến đông đường Tuần Giáo-Điện Biên, có nhiệm vụ: Củng cố trận địa phòng ngự các cứ điểm 105, 203 và khu tiểu đoàn Thái số 2; phối hợp với Đại đoàn 308 làm giao thông hào cắt ngang sân bay ở nam cứ điểm 206; tổ chức phá hoại sân bay; (các nhiệm vụ khác như Đại đoàn 308).

  - Đại đoàn 316: Phụ trách trận địa tiến công ở phía Đông và Đông Nam tập đoàn cứ điểm. Cánh phải giáp Đại đoàn 312, cánh trái giáp Đại đoàn 308, có nhiệm vụ: Làm trận địa tấn công các cứ điểm A1, C2, củng cố trận địa phòng ngự ở A1 và C1; (các nhiệm vụ khác như Đại đoàn 308).

  - Đại đoàn 304: Hoạt động xung quanh phân khu Nam, có nhiệm vụ: Xây dựng trận địa tiến công Hồng Cúm, tổ chức lực lượng chặn viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh; kiềm chế pháo binh ở Hồng Cúm; (các nhiệm vụ khác như Đại đoàn 308).

 - Đại đoàn 351: Củng cố nơi trú quân và các trận địa hỏa lực, tăng cường ngụy trang; tổ chức phòng không; hiệp đồng chặt chẽ các loại pháo chi viện cho bộ binh tiến công và kiềm chế pháo địch. Làm thêm một trận địa cho đại đội trọng pháo ở tây bắc Mường Thanh để có thể chi viện Đại đoàn 308 chiến đấu. Chấn chỉnh bộ đội, học tập kinh nghiệm.

  Thực hiện chủ trương và cách đánh do Bộ Chỉ huy và Cơ quan chiến dịch hướng dẫn, các đơn vị đã xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên tất cả các hướng ngày càng tiến gần địch, có nơi chỉ cách địch từ 10 đến 15m. Các khu vực ta chiếm được như đồi E, D1 đã trở thành các cứ điểm phòng ngự vững chắc, có cả trận địa bắn của sơn pháo và súng cối thường xuyên uy hiếp địch. Ngày 18/4/1954, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, nhiệm vụ tác chiến của đợt 2 lại được tiếp tục thực hiện.

    * Cuộc chiến đấu giữa quân ta và địch trên đồi C1 diễn ra rất gay go, ác liệt

Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  Đồi C1 được thực dân Pháp đặt tên là Éliane 1, thuộc cụm cứ điểm Éliane. Đây là một trong những cao điểm phía Đông tạo nên “bức bình phong” che chắn hữu hiệu, hình thành hướng phòng ngự chủ yếu để ngăn chặn đối phương tấn công từ phía Đông và Đông Bắc đánh vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sân bay Mường Thanh - con át chủ bài của thực dân Pháp.

  Đồi C1 có vị trí cực kỳ quan trọng. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá 5 ngọn đồi phía Đông (E1, D1, C1, C2, A1) là tấm lá chắn thép, là thành lũy bảo vệ cho cả Tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Nếu ta chiếm được C1, A1 thì sẽ phá được thế phòng thủ liên hoàn của địch ở hai bên bờ sông Nậm Rốm, đồng thời khống chế được các cứ điểm trên cánh đồng Mường Thanh bằng hỏa lực bắn thẳng của ta… Chính vì vậy, cả quân ta và quân Pháp đều nỗ lực củng cố chỗ đứng trên ngọn đồi này.

  Ngày 9/4/1954, tướng De Castries (Đờ-Cát) huy động 1 tiểu đoàn có xe tăng và hỏa lực mạnh yểm hộ mở cuộc phản kích chiếm lại đồi C1 để cải thiện thế đứng chân của chúng tại khu Đông trận địa trung tâm.

  Trong cuốn“Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký” kể lại: 5 giờ 50 phút ngày 10/4/1954, Bigeard (Bi-gia), ngồi trong hầm trú ẩn ở Éliane 4 (đồi C2) với sáu chiếc điện dài quanh người, ra lệnh tiến công. Toàn bộ hai mươi khẩu pháo 105mm còn lại ở Mường Thanh và Hồng Cúm tập trung bắn 1.800 quả đạn vào C1. Máy bay bổ nhào ném bom. Dứt đợt hỏa pháo chuẩn bị, bốn xe tăng tiến lên  Éliane 4 chĩa nòng đại bác trút đạn lên đỉnh đồi. Cùng lúc, gần hai chục khẩu đại liên và trung liên của địch từ A1 cũng nhắm vào tất cả những mục tiêu di động trên đồi C1 nhả đạn. Đại bác địch chuyển làn dọn đường cho các đơn vị dù tiến lên. Máy bay bắn chặn những con đường tiếp viện của bộ đội ta. Bigeard chủ trương dùng sức mạnh hỏa lực tối đa để tiết kiệm sinh mạng số lính dù không còn nhiều.

Bộ đội ta đánh địch phản kích. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

  Còn trong cuốn “Điện Biên Phủ-Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi” của tác giả Howard.R.Simpson viết rằng:

  “6 giờ 10 ngày 10/4/1954, Bigeard tăng thêm một đợt tấn công bằng pháo binh và lệnh cho một trong các đại đội tiến lên phía trước. Những chiếc máy bay của hải quân Pháp gầm rú trên bầu trời để ngăn chặn đối phương đưa quân tiếp cận tới Eliane 1. Đại đội đầu tiên bị hoả lực kiềm chế, Bigeard phải đưa ra đại đội thứ 2 cùng với một đội súng phun lửa. Bigeard mãi sau này mới viết: "Không một ai rút lui, những người lính được Tướng Giáp huấn luyện thật tuyệt vời!".

 - Về phía quân ta đã có  sự chuẩn bị trên đồi C1. Đêm hôm trước công binh đã chuyển gỗ ra để củng cố công sự. Một đại đội của Tiểu đoàn 439, do Tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng trực tiếp chỉ huy, đã sẵn sàng đón đợi quân địch. Đại bác của ta lập tức dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh và bắn vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Súng phun lửa của địch trùm lên lô cốt Cột Cờ. Bộ đội ta phải lùi xuống giữ nửa đồi phía Đông. Quân địch rượt theo định đẩy ta khỏi C1. Giữa lúc đó hai trung đội tăng viện của trung đoàn vượt qua bom đạn của địch vừa tới nơi. Toàn bộ các chiến sĩ ném một loạt lựu đạn rồi nhất tề xông lên với những khẩu súng cắm lưỡi lê nhọn hoắt. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch lui về phía Cột Cờ.

  18 giờ 45 phút ngày 10/4/1954, những đơn vị dù số 2 đang củng cố lại những hầm hào vỡ nát vì những trận đánh ban ngày, thì một cơn bão đạn đại bác và đạn súng cối trùm xuống trận địa. Sau đợt hỏa pháo của chiến dịch, Tiểu đoàn 439 và một tiểu đoàn của Đại đoàn 312 vừa tăng cường chia làm hai cánh xung phong lên chiếm lại Cột Cờ và những lô cốt phía tây. Những tên lính dù bắn hết đạn không ngăn được những đợt xung phong của ta. Cả hai đại đội dù không còn người chỉ huy tan ra thành những nhóm nhỏ chống cự một cách tuyệt vọng.

  21 giờ, Bigeard vội vét toàn bộ lực lượng dù dự bị tiến lên cứu nguy. Quân ta và quân địch lao vào những trận đánh giáp lá cà quyết liệt. 2 giờ sáng ngày 11/4/1954, mỏm cao Cột Cờ không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự./.

  Thúy Hằng (tổng hợp)

Nguồn: 

- TTXVN

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện-Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 159,111

- Điện Biên phủ-Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội 2014. tr. 209-210

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp:Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1042-1043

- Điện Biên Phủ-Cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi, tác giả Howard R.Simpson, Nxb Công an nhân dân Viện lịch sử quân sự, 2004, tr. 267