Ngày 13/3/1954: Mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

70 năm trước, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại mở màn, cũng là lúc cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp kéo dài gần 1 thế kỷ trên đất nước ta đi vào hồi kết. 56 ngày đêm khốc liệt và gian khổ sau đó đã đưa dân tộc Việt Nam lên đỉnh cao của chiến thắng, khiến cụm từ "Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ" trở thành biểu tượng sáng ngời đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thúc giục nhiều dân tộc bị áp bức vùng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

 

 

   Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch đã được xác định, ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tiến công cứ điểm đồi Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một trong những trung tâm đề kháng mạnh của địch, gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi liền nhau, do Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Lê dương số 13 chiếm đóng.    

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

   17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, pháo binh của ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập vào khu trung tâm, sân bay Mường Thanh và cả 3 cứ điểm của cứ điểm đồi Him Lam. 

   40 khẩu pháo 75mm của ta bất ngờ trút bão lửa vào đồi Him Lam gây cho quân Pháp rất nhiều thiệt hại. Đó là điều ngoài sức tưởng tượng của viên sĩ quan Chỉ huy pháo binh cứ điểm đồi Độc Lập, Trung tá Piroth (Pi-rốt), đồng thời là Chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pirot (Pi-rốt) đã hứa danh dự “sẽ không để cho bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh bắn qua 3 phát mà không bị tiêu diệt”. Thực tế đã không diễn ra như vậy. Khi Tướng De Castries (Đờ Cát) yêu cầu phản pháo ngay lập tức, Piroth (Pi-rốt) đã cho bắn 6.000 viên đại bác xuống xung quanh đồi Him Lam, nhưng không thể khống chế được pháo binh của ta. Sau trận pháo kích, nhiều ụ súng, chiến hào bị phá hủy, quân ta tiến lên đặt bộc phá tấn công các cửa ở cứ điểm Him Lam, tiêu diệt địch trong những giao thông hào.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch Him Lam, bộ đội pháo binh của ta dội bão lửa xuống các căn cứ của địch. Ảnh: TTXVN

  5 máy bay địch bị phá hủy. Một kho xăng cùng nhiều kho tàng bốc cháy. 12 khẩu đại bác và cối các loại cũng bị đạn pháo của ta phá hủy. Khoảng 150 tên địch bị thương do trận pháo kích của ta. 

  Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Pego cùng 3 sĩ quan chết ngay trong hầm chỉ huy, điện đài bị phá hủy, liên lạc giữa cứ điểm Him Lam và Mường Thanh bị cắt đứt.

  Đến 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam, hơn 300 tên địch bị tiêu diệt, khoảng 200 tên địch bị bắt sống. Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Lê dương số 13 bị xóa sổ hoàn toàn. 

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Song song với việc nổ súng tấn công mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra "Lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường toàn quốc" tích cực "đẩy mạnh hoạt động, tiêu diệt sinh lực địch, đánh phá đường giao thông thủy, bộ quan trọng của địch, tập kích những nơi xung yếu và sơ hở của chúng" để phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, với "phương châm là: Tích cực chủ động, Đánh nhỏ ăn chắc, Chiến đấu liên tục, Phối hợp toàn quốc."

 * Thực hiện Lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ngay trong ngày 13/3/1954, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định đưa bộ đội lên hoạt động ở phía Bắc đường số 6A, mở khu du kích phía Bắc huyện Chương Mỹ, khôi phục các khu du kích Liên Nam-Tây Thường Tín, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch nhằm phá kế hoạch bình định, càn quét của địch.

- Tại Phủ Lý, quân ta bao vây đồn Phương Khê. Khi quân chiếm đóng đồn Phương Khê rút chạy, quân ta truy kích, diệt và bắt sống 150 tên địch.

- Trên mặt trận đường 5, tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An (nay thuộc Hải Phòng), ta huy động hàng vạn dân quân du kích và bộ đội huyện lên tấn công đường 5 và đường sắt; kết hợp đánh địa lôi lật đổ đoàn tàu của địch, san bằng các tháp canh đường sắt ở Quán Ròn, Xuân Đào...

- Tại các tỉnh Nam Bộ, ngày 13/3/1954, quân và dân Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) đã bao vây, bức rút được 7 đồn bốt, trong đó có 4 đồn bốt khá lớn là Bình An, Tân Phước, Bến Chùa, Gia Lộc, diệt và bắt sống hơn 500 tên địch, thu hơn 200 súng và hàng tấn đạn. Bộ đội địa phương còn phối hợp bộ đội tỉnh, tổ chức nhiều trận đánh địch ở Làng Dài, Lò Than, bưng Cây Dương, đồng Bà Lá... làm tan rã Tiểu đoàn 15 của ngụy.

 

Nguồn: 

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014.

- Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III: Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc (1945-1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.