Ngày 14/4/1954: Siết chặt vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Tổng Quân ủy, các đại đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa tích cực chiến đấu, vừa chủ động xây dựng, củng cố trận địa và phát triển lực lượng, bảo đảm sức chiến đấu. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch động viên các lực lượng tích cực chuẩn bị mọi mặt để mở đợt tiến công mới, với chủ trương: từng bước tiêu diệt một số vị trí của địch, tiến tới đánh chiếm sân bay Mường Thanh - cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất cho Điện Biên Phủ bằng đường không, siết chặt vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

  
Trong đợt tấn công thứ 2, quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Trong ảnh: Cuộc chiến dấu các liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 * Siết chặt vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

 “Trong thời gian chuẩn bị cho một đợt tiến công mới, quán triệt tư tưởng tích cực tiến công đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi tiến công lên tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề ra một số chủ trương quan trọng. Đó là, tiếp tục củng cố, xây dựng trận địa tiến công bao vây và phát triển vào gần địch hơn nữa; cải tạo địa hình, đánh chiếm một số vị trí quan trọng, siết chặt vòng vây bóp nghẹt dần quân địch; từng bước tiêu diệt một số vị trí của địch, tiến tới đánh chiếm sân bay tiến đến triệt hẳn tiếp tế, tiếp viện duy nhất của địch bằng đường không; tích cực đánh địch phản kích, dùng lực lượng nhỏ đánh lấn, bắn tỉa làm cho phạm vi phòng ngự của địch ngày càng bị thu hẹp, thương vong ngày càng tăng và tinh thần binh lính địch ngày càng thêm suy sụp.

  Cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ như sau:

- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tiếp tục củng cố, xây dựng trận địa bên phía Tây (từ phía Tây Mường Thanh đến Bản Kéo), phát triển trận địa tiến công vào các cứ điểm 206, 310, 311A, 311B, làm trận địa chặn viện giữa các cứ điểm 105, 206, 208 và phối hợp cùng Đại đoàn 312 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh ở đoạn Nam cứ điểm 206.

- Đại đoàn 312 tiếp tục làm trận địa tiến công địch từ Đông Bản Kéo đến đoạn Đông sân bay Mường Thanh, củng cố trận địa phòng ngự ở các đồi E, D; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm 105, 203, 204 và khu vực Tiểu đoàn ngụy số 2 (2e  BTA); phối hợp với Đại đoàn 308 đào hào giao thông cắt ngang sân bay Mường Thanh.

- Đại đoàn 316 tiếp tục làm trận địa tiến công ở phía Đông Mường Thanh, tiếp giáp cánh trái với Đại đoàn 312 và cánh phải với Đại đoàn 308; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm C2, A1, đồi Châu Ún; củng cố trận địa phòng ngự ở đồi C1, A1.

- Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) tiếp tục củng cố, xây dựng trận địa tiến công bao vây Hồng Cúm và trận địa chặn viện giữa Hồng Cúm, Mường Thanh; tiếp tục kiềm chế pháo địch ở Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351 xây dựng thêm trận địa lựu pháo ở Tây Bắc Mường Thanh, đưa pháo xuống sát vùng lòng chảo tiếp tục làm nhiệm vụ chi viện cho bộ binh củng cố, xây dựng trận địa và đánh chiếm các mục tiêu quy định.

Căn cứ vào các nhiệm vụ mà Bộ Chỉ huy chiến dịch đã giao cho, các đơn vị bắt tay ngay vào việc tiếp tục củng cố, xây dựng trận địa tiến công.” (1)

“Theo kế hoạch, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 đã được triển khai chung quanh phía Bắc sân bay Mường Thanh. Cứ điểm 206 bảo vệ phía Tây sân bay Mường Thanh đã bị chiến hào của Trung đoàn 36 cắt rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía Bắc sân bay Mường Thanh cũng bị chiến hào của Trung đoàn 165 bao vây. Hai mũi chiến hào của các Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đang nhanh chóng đâm thẳng vào giữa sân bay.” (2)

Trước đó, “từ cuối tháng 3/1954, đường băng sân bay Mường Thanh của địch đã bị bộ đội ta khống chế, không còn đón được máy bay hạ cánh nữa, nhưng vẫn có tác dụng làm bãi hứng dù tiếp tế nên địch hết sức chú ý tăng cường phòng thủ. Sân bay Mường Thanh được bao bọc bởi 5 lớp rào dây thép gai xen lẫn các bãi mìn và hàng trăm ụ súng.” (3)

“Đến đêm ngày 15/4/1954, chiến hào của Trung đoàn 88 ở phía Tây và chiến hào của Trung đoàn 141 ở phía Đông đều vượt qua năm lần rào tiến vào sân bay Mường Thanh của địch.” (4)

Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Địch hoảng hốt trước vòng vây ngày càng siết chặt sân bay Mường Thanh

  “Sáng ngày 14/4/1954, đội tuần tra đầu tiên của địch đi tuần trên sân bay Mường Thanh chợt nhận thấy đường hào ở phía Tây đã cắt đứt liên lạc giữa Huyghét 1 (cứ điểm 206) và Huyghét 6 (cứ điểm 105) với khu trung tâm. Một mũi hào khác đâm thẳng vào sân bay Mường Thanh. Không chỉ có vậy, Huy-ghét 1 (cứ điểm 206) còn báo cáo mặt Tây cứ điểm đã bị chiến hào của Việt Minh bao vây.

  Buổi trưa ngày 14/4/1954, những đơn vị dù số 6 và số 8 thử mở đường tới Huyghét 1 (cứ điểm 206), nhưng bị chặn lại trước những bãi mìn mới rải và những loạt đạn súng cối.

  13 giờ 30 phút, ngày 14/4/1954, Tướng De Castries (Đờ Cát) hoảng hốt gửi bức điện số 07/01 cho Tướng Cogny (Cô-nhi) thông báo:

"1. Số phận của G.O.Ν.Ο (viết tắt của Groupement Opérationnel Nord-Ouest - Binh đoàn tác chiến Tây Bắc) sẽ được định đoạt trước ngày 10/5...

2. Trận địa phát triển đe dọa Huyghét 1 và Huyghét 6. Mưu toan giải tỏa Huyghét 1 tiến hành sáng nay vấp phải nhiều bãi mìn giữa Huyghét 1. Huyghét 3, Huyghét 5 và hỏa lực súng cối và pháo binh". (5) 

Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn:

TTXVN;

(1), (3) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 108, 109;

(2), (4), (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1053.