Ngày 2/4/1954: Quân địch mở nhiều đợt phản kích hòng chiếm lại đồi A1

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Ngày 2/4/1954, lực lượng tăng viện của địch từ Mường Thanh lên phối hợp với lực lượng địch đang cố thủ, ra sức mở nhiều đợt phản kích hòng đẩy bộ đội ta ra khỏi cứ điểm đồi A1. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng Hùng Sinh - Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308, cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều tổ phụ trách từng đường hào. Nhiều cán bộ, như: Phó Tiểu đoàn trưởng Ngô Thế Lương, Phó Tiểu đoàn trưởng Phạm Hưng, Phó Tiểu đoàn trưởng Lê Sơn và cả Trung đoàn trưởng Hùng Sinh, đã trực tiếp dùng tiểu liên, thủ pháo, bộc phá ống cùng anh em bộ đội đánh địch phản kích.

Xe tăng của địch yểm trợ cho khu trung tâm bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch trên xe đã xin hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Anh dũng, kiên cường đánh địch phản kích hòng chiếm lại đồi A1

Đúng như dự đoán của ta, trận chiến đấu trên đồi A1 diễn ra vô cùng căng thẳng, khốc liệt. Bởi đây là cứ điểm quan trọng nhất ở phía Đông, trực tiếp khống chế sở chỉ huy Mường Thanh và cầu Nậm Rốm.

Sau khi Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 chiếm được hai phần ba cứ điểm đồi A1 vào ngày 30/3/1954, quân địch tổ chức nhiều đợt phản kích mạnh, với xe tăng, pháo binh và tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6è BPC) yểm hộ, hòng chiếm lại đồi A1. Trong khi đó, Tiểu đoàn Ma-rốc số 1 của địch ở đây ngoan cố giữ phần còn lại của đồi A1.

Ngày 31/3/1954, Tướng De Castries (Đờ Cát) yêu cầu Hà Nội tăng thêm cho một tiểu đoàn dù cho Điện Biên Phủ và trong khi chờ đợi lực lượng tăng viện, ông ta sử dụng ba tiểu đoàn dù phản đột kích quyết liệt, hòng chiếm lại những ngọn đồi đã mất. Bộ đội ta kiên cường trụ bám các vị trí đã giành được tại đồi A1, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, buộc chúng phải rút lui. Cả quân ta và địch đều cố thủ tại đồi A1, hai bên cách nhau khoảng 15 mét. Ban đêm, bộ đội ta tổ chức đào hào hướng về phía địch, ban ngày địch lại mò ra dùng mìn phá chiến hào của ta. Suốt mấy đêm liền, bộ đội ta vẫn chưa tiêu diệt được lô cốt hầm ngầm của địch ở đỉnh đồi A1, khi đó anh em gọi đó là "lô cốt cố thủ", lúc lại gọi là "hầm ngầm"...

Nhận thấy trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phân tích tình hình và nhận định: bộ đội ta đã hoàn thành phần quan trọng của nhiệm vụ tiến công trong Đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được căn cứ phòng ngự then chốt là đồi A1. Trung đoàn 174, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy, đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng “giải quyết” đồi A1. Cần điều một đơn vị khác tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi A1 và phòng ngự ở đồi C1 vào ban ngày.

Trên cơ sở phân tích trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định: các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các đồi C1, D1 và E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại. Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 từ phía Tây hành quân theo đường hào băng qua cánh đồng Mường Thanh sang phía Đông, cùng phối hợp tiến công chiếm lĩnh đồi A1 ngay trong đêm 31/3/1954.

Ngay sau khi hành quân đến đồi A1, Trung đoàn trưởng 102 Hùng Sinh đã trực tiếp đi trinh sát để nắm tình hình và chỉ huy bộ đội chiến đấu. Tuy nhiên, quân ta vẫn chưa có biện pháp diệt hoả điểm trong hầm ngầm của địch ở trên đỉnh đồi A1.

Ngày 2/4/1954, lực lượng tăng viện của địch lại từ Mường Thanh lên phối hợp với lực lượng địch đang cố thủ, ra sức mở nhiều đợt phản kích hòng đẩy bộ đội ta ra khỏi cứ điểm đồi A1. Quân ta và địch giành đi giật lại với nhau từng tấc đất. Quân địch dựa vào hầm ngầm và trận địa kiên cố để chống lại quân ta. Kết quả là ta và địch mỗi bên chiếm giữ một nửa điểm cao.

Trước sự anh dũng, kiên cường của bộ đội ta, quân địch ở cứ điểm đồi A1 bị thiệt hại nặng, liên tục kêu cứu khẩn cấp với Sở chỉ huy ở Mường Thanh, yêu cầu Mường Thanh rút quân từ những cứ điểm khác dồn lên tăng viện cho chúng. Quân địch cũng tiếp tục cố thủ các vị trí của chúng ở đồi A1, dựa vào hỏa điểm rất lợi hại trên đỉnh đồi. Đây là một hầm ngầm sâu mà từ trước ta chưa từng biết đến trong cả quá trình nắm địch và chuẩn bị tiến công Đợt 2.

Trên trận địa đồi A1, có lúc, bộ đội ta chỉ còn lại hơn năm chục người. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng Hùng Sinh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 chia thành nhiều tổ phụ trách từng đường hào. Nhiều cán bộ, như: Phó Tiểu đoàn trưởng Ngô Thế Lương, Phó Tiểu đoàn trưởng Phạm Hưng, Phó Tiểu đoàn trưởng Lê Sơn và cả Trung đoàn trưởng Hùng Sinh, đã trực tiếp dùng tiểu liên, thủ pháo, bộc phá ống cùng anh em bộ đội đánh địch phản kích.

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trận chiến đấu trên đồi A1 diễn ra vô cùng căng thẳng, khốc liệt đã nhiều lần khiến Bộ Chỉ huy chiến dịch mất liên lạc với Trung đoàn 102. Sau nhiều giờ căng thẳng kéo dài vì mất liên lạc, chiều ngày 2/4/1954, Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đã gọi điện về Bộ Chỉ huy chiến dịch báo cáo rằng, quân địch ra sức giữ vị trí đồi A1. Quân ta không phát triển được vì chưa dập tắt được hoả điểm trong hầm ngầm trên đỉnh đồi. Qua bốn ngày đêm chiến đấu liên tục, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng yểm trợ, bộ đội vẫn giữ được phần đồi A1 đã chiếm nhưng bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh xin được tăng viện để tiếp tục tiến công tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập Hội nghị sơ kết Đợt 2 chiến dịch vào ngày 6/4/1954 và chỉ định một số cán bộ trực tiếp chiến đấu trên đồi A1 về gấp Sở Chỉ huy mặt trận. 

  * Chiếm lĩnh cứ điểm 311 ở phía Tây, vây sát sân bay

Trong đêm ngày 2/4/1954, Trung đoàn 165 đột nhập sân bay, uy hiếp cứ điểm 311 (còn gọi là Căng Na) ở phía Tây Điện Biên Phủ. Bị quân ta uy hiếp mạnh, 120 tên địch thuộc 2 đại đội của Tiểu đoàn ngụy Thái số 3 ở cứ điểm 311 kéo cờ trắng đầu hàng, một số phải rút chạy. Quân ta chiếm lĩnh cứ điểm 311 và cải tạo thành trận địa bao vây tiến công gần trung tâm Mường Thanh, vây sát sân bay.

Cũng trong đêm ngày 2/4/1954, các đội dũng sĩ của bộ đội ta đã đột nhập sân bay Mường Thanh tiêu diệt địch, bắt 10 tù binh Âu-Phi.

Như vậy, về cơ bản, đợt hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi quan trọng nhưng chưa hoàn thành mục đích đề ra. Quân ta đã chiếm được một số cứ điểm ở phía Đông và một số cứ điểm ở phía Tây, uy hiếp trực tiếp sân bay, đồng thời đánh bại các cuộc phản kích của địch.

Tính từ khi chiến dịch bắt đầu, bộ đội ta đã tiêu diệt được 5.000 lính tinh nhuệ của địch, tương đương 6 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn, chiếm gần 2/5 tổng số lực lượng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Quân ta chưa chiếm được đồi A1 vì ngay từ đầu chưa nhận thức được đầy đủ vị trí hiểm yếu của nó, chưa có lực lượng dự bị mạnh, chưa kiềm chế được pháo binh ở Hồng Cúm,... Bên cạnh đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất ở phía Đông, trực tiếp khống chế sở chỉ huy Mường Thanh và cầu Nậm Rốm, nên địch đã tập trung lực lượng phản kích điên cuồng, quyết giữ cho kỳ được.

Xe tăng 18 tấn của địch phản công nhưng đã bị pháo của ta bắn trúng tại sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:

- Ngày 2/4/1954, tại đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội ta tiêu diệt một tiểu đoàn Âu - Phi thuộc binh đoàn cơ động số 3 đang trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội để lên tăng viện cho Điện Biên Phủ.

- Trên tuyến giao thông chiến lược đường số 5 cũng như trên các tuyến giao thông khác, như: đường số 1, 21, 22... không ngày nào không có xe địch bị trúng mìn của bộ đội địa phương và dân quân du kích.

- Trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội, mặc dù thực dân Pháp đã tìm mọi cách để đề phòng bộ đội và du kích ta tiến công, nhưng các đoàn tàu quân sự của địch vẫn bị lật, khiến bom đạn và vũ khí do đế quốc Mỹ viện trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ đến Hải Phòng bị ùn lại, không thể chở lên Hà Nội để chuyển đi được.

 Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1034

- Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 78, 81, 356

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 98

- Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 98.