Ngày 23/4/1954: Quân ta đập tan trận phản kích của địch hòng giành lại cứ điểm 206

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Sau khi ta chiếm được cứ điểm 206 (Huguette 1) vào đêm 22 rạng 23/4, đến sáng 23/4/1954, 2 tiểu đoàn địch với 5 xe tăng phản kích đánh ra cứ điểm 206 nhưng hoàn toàn thất bại. Hơn 2 đại đội lính dù bị quân ta tiêu diệt.

Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 * Quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm 206

 Vào lúc 1 giờ 20 phút ngày 23/4/1954, nhận thấy thời cơ có thể phát triển dứt điểm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) lệnh cho các lực lượng tập trung chi viện cho các mũi tiến công. Có lực lượng tăng viện, ở mũi diện phía Bắc, Tiểu đoàn 84 ổn định lại đội hình tổ chức hai mũi đánh vào trận địa cối, sở chỉ huy và những lô cốt còn lại của địch; sau 20 phút chiến đấu, giải quyết xong toàn bộ khu A và phát triển sang khu C.

 Trong khi đó ở mũi điểm, Tiểu đoàn 80 cũng tổ chức thành hai mũi đánh bọc hai bên sườn, sau 15 phút giải quyết xong khu B và nhanh chóng phối hợp với các mũi khác tiêu diệt số quân địch còn lại ở khu C.

 Đến 2 giờ 10 phút ngày 23/4, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm 206, bắt tù binh, thu vũ khí, củng cố trận địa chuẩn bị đánh địch phản kích. Kết quả, ta diệt 31 tên địch (kể cả số bị bắn tỉa), bắt 117 tù binh, thu hơn 90 súng và nhiều đạn dược các loại; ta hy sinh 3, bị thương 44 cán bộ, chiến sĩ. (1)

 Sau khi mất các cứ điểm 105, 206 (Huguette 6,1) và sân bay Mường Thanh rộng lớn, khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm chỉ còn là một chiếc túi méo mó, mỗi chiều trên dưới 1 km.

 Bộ đội ta đã tiêu diệt được một vị trí quan trọng do một đơn vị lê dương sừng sỏ của Pháp bảo vệ với tổn thất không đáng kể. Đêm đó, quân ta chiếm được đồn, vậy mà đến tận sáng hôm sau, Sở Chỉ huy của De Castries (Đờ Cát) mới biết.

 Trận đánh cứ điểm 206 đã hoàn thiện và thực sự khẳng định thành công của chiến thuật được gọi là "đánh lấn", khởi đầu từ khi ta tiêu diệt các cứ điểm 106 và 105 (Huguette 7,6), đều thuộc trung tâm đề kháng Huguette bảo vệ sân bay, nằm trên cánh đồng. Một lần nữa, chúng ta càng thấy rõ tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ truyền thống, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ sinh ra từ đồng ruộng, bám đất bám làng chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh. Chiến công ở Cứ điểm 206 chính là một biểu hiện tập trung của cách đánh đó.(2)

 Cứ điểm 206 bị tiêu diệt đã làm rung chuyển cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội viễn chinh Pháp. Cogny (Cô-nhi) gửi một bức điện hỏa tốc cho Navarre (Na-va): ... “Huguette 1 đã mất đêm 22 rạng 23/4/1954. Một trận phản kích sẽ được tiến hành để khôi phục lại điểm tựa này sau hoạt động phối hợp của không quân. De Castries sẽ tung ra nốt lực lượng dự trữ cuối cùng và dự đoán trận đánh sẽ phải trả bằng giá đắt. Do đó, yêu cầu cho nhảy dù tăng viện ngay 1 tiểu đoàn lê-dương”... (3)

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch còn sống sót giơ tay xin hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Quân ta đập tan trận phản kích của địch hòng giành lại cứ điểm 206

 Trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký”, Nxb QĐND, xuất bản năm 2018, ghi lại: 7 giờ 30 phút sáng 23/4, vài tên lính lê dương của bán lữ đoàn 13 chạy thoát về tới Mường Thanh, báo tin cứ điểm 206 đã thất thủ từ nửa đêm. Sau giây phút sững sờ, De Castries đưa ra ý kiến cần phản kích giành lại vị trí đã mất. Langlais (Lăng-gơ-le) và Bigeard (Bi-gia) đều không tán thành, cho rằng làm như vậy sẽ hy sinh nốt những lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, kể cả trong trường hợp phản kích thành công thì cũng không còn lực lượng để duy trì cứ điểm 206 trước những cuộc tiến công mới sẽ còn tiếp tục. De Castries vẫn giữ quyết định của mình. Langlais trao cho Bigeard nhiệm vụ tổ chức cuộc phản kích.

 Bigeard điều các lực lượng dự bị còn lại thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn dù tiêm kích số 1, tiểu đoàn dù 6, tiểu đoàn 1 trung đoàn lê dương số 2 lên khu trung tâm đề kháng Elianne, rút toàn bộ tiểu đoàn dù lê dương số 2 đang đóng ở đây về Mường Thanh. Bigeard yêu cầu không quân dùng 12 máy bay tiêm kích - ném bom và bốn máy bay ném bom B-26 đánh phá hệ thống chiến hào trước cứ điểm Huguette 1 và một số mục tiêu sẽ được chỉ định từ 13 giờ 45 phút. Pháo binh của tập đoàn cứ điểm được lệnh sẽ bắn 1.200 phát đại bác và súng cối vào cứ điểm 206 sau khi máy bay oanh tạc.

 Buổi trưa, các chiến sĩ Đại đội 213 của Trung đoàn 88 phòng ngự trên sân bay, sau bữa cháo nóng ăn với đường phên ngon lành, trừ những người làm nhiệm vụ cảnh giới, đều ngả lưng trong hầm ếch cho giãn gân cốt. Chợt có lệnh từ Sở Chỉ huy mặt trận: "Chuẩn bị đánh địch! Tản rộng đội hình. Địch sắp oanh tạc".

 Đại đội trưởng Mai Viết Thiềng ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chỉ mươi phút sau, đã nghe tiếng động cơ. Máy bay địch xuất hiện rất nhanh. Địch đã thả hàng trăm trái bom nhưng chỉ có một số rơi trúng trận địa và sân bay. Tuy vậy, cũng đã có hơn một chục hố bom trên đường băng. Trên mạng lưới điện thoại của các đơn vị vang lên lời kêu gọi của Bộ chỉ huy mặt trận: "Các đồng chí bộ binh, pháo binh! Địch bắt đầu phản kích! Các đồng chí hãy bình tĩnh, anh dũng, quyết tâm hiệp lực bẻ gãy trận phản kích này".

 Bầu trời lại rung lên tiếng động cơ máy bay. Đây là trận oanh tạc dữ dội nhất từ ngày đầu chiến dịch. Dứt đợt oanh tạc của không quân, pháo binh địch trút đạn vào 206. Những trận địa cối từ các cứ điểm Huguette 3, 4, từ trung tâm Mường Thanh cùng với ba xe tăng đồng loạt nổ súng yểm hộ cho cuộc tiến công.Tiểu đoàn dù lê dương 2 chia làm hai cánh tiến ra sân bay, cánh chính có xe tăng mở đường tiến về trận địa của Trung đoàn 88, cánh phụ tiến về trận địa của Trung đoàn 141.

Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 Chờ địch vừa triển khai đội hình xong, Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị, chỉ huy Tiểu đoàn 23 phòng ngự trên sân bay, ra lệnh: "Mục tiêu cột đèn số 3, trước 208 (Huguette 2), lựu pháo, bắn!". Pháo binh ta lúc này mới lên tiếng. Sau những tiếng rít như xé vải, những cột khói đen trùm lên đám đông quân địch. Chúng đã nhận được đòn phủ đầu ngay từ vị trí xuất phát. Nhưng bọn lính dù không chịu lui. Chờ pháo ta ngừng bắn, chúng tiếp tục xông về phía trận địa ta. Một số lợi dụng đường rãnh thoát nước dọc sân bay. Một số lợi dụng những hố bom vừa xuất hiện trên đường băng.

 Các chiến sĩ Đại đội 213 nín lặng chờ quân địch tới thật gần mới đồng thời nổ súng. Hàng loạt quân địch đổ gục trước chiến hào. Chúng chạy lùi, tụt xuống những hố bom, rồi gọi pháo từ Mường Thanh và cứ điểm 208 ở gần đó, bắn đại bác và súng cối vào trận địa ta. Bất thần, quân địch xuất hiện bên sườn trái Đại đội 213. Bỗng chốc thế trận trở nên hỗn loạn. Địch và ta dùng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê giành giật nhau từng đoạn chiến hào.

 Cánh đồng Mường Thanh rung lên dưới hỏa lực của lựu pháo ta. Quân dù bị thương vong nhiều trên trận địa chiến hào chúng vừa chiếm. Cũng lúc này, chúng được lệnh của Bigeard rút lui. Bigeard đã nhận thấy không thể để cho tiểu đoàn dù hy sinh một cách vô ích. Chờ pháo ta ngừng bắn, những tên lính dù sống sót bỏ chiến hào tháo chạy về Mường Thanh. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 23 hạ lệnh cho bộ đội chiếm lại chiến hào 1.

 Langlais và Bigeard đều nhận xét: Tiểu đoàn dù lê dương số 2 trên đường rút về còn thiệt hại nhiều hơn khi tiến công.

 Sau trận phản kích ở sân bay Mường Thanh ngày 23/4/1954, viên chỉ huy tiểu đoàn dù số 2 Liesenfel (Li-xăng-phen) bị mất chức. Các tiểu đoàn lê dương dù số 1 và số 2 lừng danh đã bị xóa sổ. Những binh lính còn lại của hai tiểu đoàn này được sáp nhập với nhau dưới một cái tên mới “Tiểu đoàn bộ binh lê dương dù” (bataillon de marche du B.E.P.)./. (4)

Thúy Hằng (tổng hợp)

 Nguồn:

- TTXVN;

  (1) Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 61;

  (3) Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ký sự, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 167;

  (2) (4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1055 - 1059.