Ngày 28/4/1954: Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị vô hiệu hóa

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Ngày 28/4/1954, sân bay Mường Thanh - cái dạ dày của tập đoàn cứ điểm - hoàn toàn bị vô hiệu hóa, địch chỉ có thể tiếp tế bằng cách thả dù. Trong khi đó, tại các chiến trường phối hợp trong cả nước, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động đánh địch, nhằm phân tán và ghìm chân địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch đến quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị cô lập

Phạm vi kiểm soát của địch, nhất là ở phân khu Trung tâm, bị thu hẹp tới mức các mục tiêu địch đều nằm dưới tầm hỏa lực các loại của ta. Pháo cao xạ tiến sâu xuống cánh đồng Mường Thanh đã góp phần quyết định thu hẹp không phận hoạt động của địch ở Điện Biên Phủ, buộc máy bay tiếp tế và tăng viện của địch phải thả dù từ độ cao kém hiệu quả (khiến một số dù hàng và người rơi cả vào trận địa của ta).

Trận chiến tiến công và bao vây càng áp sát địch càng tạo thuận lợi cho các tổ súng trường thiện xạ, tổ trung liên, đại liên lưu động, các khẩu đội sơn pháo hoạt động lẻ... luồn sâu, bắn tỉa phá kho tàng... đồng thời hỗ trợ cho các tổ bộ binh đoạt dù tiếp tế của địch ở sát ngay vị trí của chúng.

Trong tất cả các hoạt động bổ sung sau Đợt 2, việc chiếm sân bay Trung tâm là một sự kiện nổi bật của chiến dịch, tạo một tình huống chiến dịch vô cùng quan trọng có lợi cho ta, không lợi cho địch. Nó dập tắt tia hy vọng cuối cùng của địch về tiếp tế và tăng viện bằng đường không từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ; tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ đây đã hoàn toàn cô lập.

Bằng những hoạt động liên tục và có hiệu quả sau đợt 2, càng về cuối tháng 4, quân ta càng dồn địch vào tình thế mà sau này, chúng thừa nhận là "không thể chịu đựng nổi". Sinh lực bị tiêu hao hàng ngày; nguồn tiếp tế bị hạn chế tới mức thấp nhất khiến lương thực, đạn dược, thuốc men ngày càng thiếu thốn; tinh thần luôn luôn căng thẳng trước những "họng súng vô hình" của các thiện xạ bắn tỉa, tới mức địch không dám rời công sự ra sông Nậm Rốm lấy nước...(1)

Sau này, trong chương viết về “Tập đoàn cứ điểm chết ngạt” của cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương”, tướng Pháp Y.Gras (Y. Gơ-ra) đã kể lại như sau:

“... Từ ngày 8/4, tình hình hậu cần của tập đoàn cứ điểm trở nên gay go. Yêu cầu phải bổ sung dự trữ đạn dược 200 tấn/ngày nhưng cao nhất chỉ thả được 145 tấn, trong đó phía Pháp chỉ thu được nhiều nhất là 100 tấn. Máy bay tiếp tế bị tổn thất trung bình 15 - 20%. Việc tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm trở thành những cuộc hành binh đường không thực sự trong điều kiện khí tượng rất không thuận lợi của chiến trường rừng núi...”.

“... Điều đáng lo ngại nhất là khu vực thả dù (chủ yếu nằm giữa khu Trung tâm và Hồng Cúm) đã ngày càng bị thu hẹp như một tấm da thuộc phơi khô. Chỉ còn lại chừng 100 héc-ta, hầu như hoàn toàn nằm dưới hỏa lực bộ binh của đối phương…”.

“... Việc thu nhặt các kiện hàng ném xuống rải rác trên mặt đất đòi hỏi nhiều nhân lực. Chỉ riêng việc đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Thế là tập đoàn cứ điểm bị bóp nghẹt không phải chỉ vì tác động của lực lượng phòng không đối phương mà chủ yếu vì hoạt động của các sư đoàn Việt Minh dưới mặt đất, ngay sát vị trí Pháp. Các sư đoàn này không dùng phương pháp công kích ồ ạt mà dành 3 tuần lễ để vây lấn liên tục nhằm siết chặt quân đồn trú trên khoảnh đất vuông mỗi chiều 1km. Từng điểm tựa bị quấn chặt bằng một hệ thống chiến hào, giống như một con côn trùng lọt giữa mạng nhện. Vị trí trở nên bị cô lập, phong tỏa và nhanh chóng bị bóp nghẹt vì thiếu đạn dược, thực phẩm và nhất là thiếu nước”.(2)

Tình hình tiếp tế cho Điện Biên Phủ khó khăn đến nỗi Cogny (Cô-nhi) phải điện cho Navarre (Na-va): “Kết quả thả dù tiếp viện cho Điện Biên Phủ ngày 28, đêm 28, ngày 29, đêm 29: số không. Còn phân khu Hồng Cúm (Isabelle) được 22 tấn. Tình hình lương thực và trang bị, vũ khí cực kỳ nghiêm trọng”.

Trong hai đêm 27 và 28/4/1954, bị hỏa lực Đại đội 816 ngăn chặn, máy bay địch không dám bay lên khu vực thả dù, 42 chiếc Đa-cô-ta phải trở lại căn cứ mang theo toàn bộ số hàng định ném xuống Điện Biên Phủ.

Từ ngày 22 đến ngày 28/4/1954, bộ đội ta lần lượt tiêu diệt các cứ điểm 206, 310, 311A, 311B và Nà Noọng bằng cách đánh lấn, có chỗ chỉ cách Sở chỉ huy De Castries (Đờ Cát) 300m. Về phía Tây, để mất Nà Noọng và phía Đông để mất A1, địch thấy nguy khốn nên đã điều tiểu đoàn dù lê dương số 2 (con chủ bài cuối cùng) phản kích ra hướng Tây nhưng vẫn không thành công. Đây là cuộc phản kích cuối cùng của địch, bị thất bại, tinh thần binh lính địch ngày một thêm suy sụp.(3)

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN phát

*Cả nước đẩy mạnh phối hợp chia lửa với Ðiện Biên Phủ

Ngày 28/4/1954, trong khi tại Mặt trận Ðiện Biên Phủ, Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị ta khống chế, địch chỉ có thể tiếp tế bằng cách thả dù, khó thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, thì tại các chiến trường phối hợp trong cả nước, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động đánh địch, nhằm phân tán và ghìm chân địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Nổi bật là, tại Liên khu 4, quân và dân Thừa Thiên đã mưu trí, dũng cảm liên tiếp mở các trận tập kích, đánh vào một loạt vị trí lô cốt dọc tuyến sông Bồ, từ Ưu Ðiềm đến Vân Trì, thuộc ba xã: Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Ðại (huyện Quảng Ðiền), thu nhiều thắng lợi: loại khỏi vòng chiến đấu 260 tên địch, phá hủy hai khẩu pháo 75 và 105 ly; đốt cháy một kho xăng..., góp phần chia lửa với Mặt trận Ðiện Biên Phủ.

Thúy Hằng (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN;

- Sách:

(1) Điện Biên Phủ-đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Nxb QĐND, 2004, tr.83,84;

(2) Đại tướng Hoàng Văn Thái với chiến dịch Điện Biên phủ, Nxb QĐND 2024, tr. 301,302;

(3) Chuyện kể Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, 2024, tr. 55.169;