Ngày 29/4/1954: Kết thúc hội nghị các Bí thư Đại đoàn và các đồng chí phụ trách các tổng cục tại mặt trận

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Để thực hiện tốt giai đoạn ba của chiến dịch, trong ba ngày từ ngày 27 đến 29/4/1954, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tổ chức Hội nghị các Bí thư Đại đoàn và các đồng chí phụ trách các tổng cục tại mặt trận. Ngày 29/4, Hội nghị kết luận: Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh; bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * "Một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”

Trong báo cáo đọc trước Hội nghị, đồng chí Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp nhận định: “Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực hiện nay là trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến toàn thắng của chúng ta”.

Bản báo cáo phân tích biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, đó là "chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, quan liêu đại khái... Biểu hiện cụ thể và nghiêm trọng nhất của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực hiện nay là thiếu tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, là không tin tưởng, không kiên trì thực hiện mệnh lệnh của cấp trên.

Hội nghị ra Nghị quyết “Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. (1)

Cũng tại Hội nghị này, đồng chí  Bí thư Đảng ủy giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong Bộ Chỉ huy chiến dịch: Phải bảo đảm điều động bộ đội ở trận địa được nhanh chóng, an toàn và hoàn thành xây dựng trận địa tiếp cận sâu vào gần địch; cắt đứt tăng viện, tiếp tế của không quân địch; trong mỗi cuộc chiến đấu phải tập trung ưu thế binh hỏa lực để đánh nhanh, giải quyết nhanh, gọn; sơ kết và phổ biến kinh nghiệm, nâng cao trình độ chiến đấu của bộ đội; nắm vững tình hình ta, tình hình địch; giữ vững lực lượng để chiến đấu lâu dài, liên tục; cải thiện sinh hoạt vật chất, giữ gìn sức khỏe cho bộ đội...(2)

Ngay sau Hội nghị, toàn mặt trận đã phát động phong trào tự phê bình và phê bình từ cấp ủy đảng đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ trong các lực lượng tham gia chiến dịch. Nhờ đó mà mọi người đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm, quán triệt sâu sắc thêm quyết tâm của Trung ương, củng cố thêm ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân, khắc phục mọi biều hiện của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Như đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh giá sau này, “Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”. (3)

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

  * Điện Biên Phủ thực sự trở thành địa ngục đối với kẻ địch

 Ngày 29/4/1954,  Tướng De Castries (Đờ Cát) điện cho  tướng Cogny (Cô nhi) báo tin bùn trong những chiến hào ở Điện Biên Phủ đã sâu tới 1 mét, trong ngày Điện Biên Phủ chỉ nhận được 30 tấn hàng tiếp tế và không có một tên lính tiếp viện nào. (3)

Lúc này, Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành một địa ngục đối với kẻ địch. Chúng đã ra sức sửa sang công sự để đối phó với pháo của ta, nhưng chúng gặp nhiều khó khăn vì thiếu phương tiện lại ở vào một địa thế trũng. Những trận mưa đầu mùa đã làm rữa nát các công sự của chúng. Trời mưa, bọn chúng sống trên mặt nước. Trời nắng, cũng chẳng hơn gì, chúng vẫn nằm trên bùn và bùn nước dưới ánh nắng mặt trời càng trở nên ngột ngạt.

Trong cuốn Chiến thắng Điện Biên Phủ- ký sự, tập 2, Nxb QĐND, 2024, miêu tả: Các nhà thương ngầm dưới đất đủ cho bốn chục giường hồi đầu, nay phải chứa hàng ngàn thương binh. Cáng thương phải xếp làm hai, ba tầng trong những căn hầm mỗi chiều từ 2 đến 3 mét. Nhiều tên bị đặt ngay trên lối đi. Có những tên phải nằm trong những hố lộ thiên phơi dưới ánh nắng mặt trời. (4)

Còn trong cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương”, tướng Pháp Y.Gras (Y. Gơ-ra) viết:  “... Đến cuối tháng 4, ở Điện Biên Phủ chỉ còn 3.000 lính chiến đấu khỏe mạnh tại phân khu Trung tâm và 1.200 tại phân khu Nam (Hồng Cúm) trong tổng số 10.000 quân sống sót... Pháo binh còn lại 19 khẩu 105 với 14.000 viên đạn, 1 khẩu 155 với số đạn không đáng kể, 15 khẩu cối 120 với 5.000 viên đạn, tóm lại là số đạn chỉ đủ cho 1-2 ngày chiến đấu liên tục. Tất cả các xe cơ giới đều đã bị các trận pháo kích phá hủy, chỉ còn lại 3 chiếc xe tăng... Số người và trang bị đó là tất cả những gì còn lại từ ngày 13/3. Hàng ngàn người bị chết hoặc mất tích. Hàng ngàn người khác bị thương... Lại còn hơn 1.000 người đào ngũ, trong đó có những người trốn tránh chiến đấu, sống như những con chuột trong các hang hốc đào sâu vào hai bờ sông Nậm Rốm”./.

Thúy Hằng (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN;

(1) Điện Biên Phủ - Đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.76, 77;

(2) Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ, tập 1, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội2024, tr.61;

(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1074 - 1075

(4) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 176, 177.