Ngày 9/4/1954: Quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại đồi C1

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp

Trên đồi C1, bộ đội ta đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đánh địch. Ngay khi, quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại cứ điểm đồi C1, đại bác của ta lập tức dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh và bắn vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Trong khi đó, bộ binh ta cũng đánh trả quyết liệt. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, bị thiệt hại nặng nề, quân địch buộc phải rút lui. Bộ đội ta lại tiếp tục củng cố công sự, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch phản kích đợt tiếp theo.

Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía Đông. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Đồi C1 - một trong những cứ điểm trọng yếu của địch ở phía Đông

Là một trong những cứ điểm trọng yếu của địch ở phía Đông, đồi C1 nằm gần đồi A1 và C2, được quân địch tổ chức thành khu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía Đông khu trung tâm Mường Thanh.

Trong Đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tiêu diệt đồi C1 được giao cho Trung đoàn 98 thuộc Ðại đoàn 316.

“18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Tại điểm cao C1, lần đầu ta mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Các pháo thủ bắn rất chính xác. Bộc lôi nổ phá tung từng đoạn rào. Khi pháo chuyển làn, các chiến sĩ bộc phá chỉ còn giải quyết nốt những đoạn sót lại.

Sau 5 phút, Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn xong cửa mở qua bảy lần rào dây thép gai. Chớp thời cơ hỏa lực địch đang còn tê liệt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Đường dây điện thoại với trung đoàn bị đứt. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi, được anh em gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc sở chỉ huy của địch. Quân địch dồn về những lô cốt ở khu vực phía Tây, gọi pháo bắn vào trận địa ta. Các chiến sĩ xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan ba đợt phản kích của địch.

Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội 140 tên dịch thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 Ma-rốc bị tiêu diệt hoặc bị bắt.

Trung đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo về đầu tiên: "Trung đoàn 98 đã chiếm hoàn toàn C1". Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Trung đoàn 98 và thưởng Huân chương Quân công hạng Ba cho Tiểu đoàn 215 vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhanh và gọn nhất mặt trận”. (1)

Tại hội nghị sơ kết đánh giá đợt tiến công thứ hai vào khu Đông ngày 6/4/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho “Đại đoàn 316 làm trận địa tiến công A1, C2 ở phía Đông. Củng cố trận địa phòng ngự ở C1. Chuẩn bị tiến công tiêu diệt A1 và C2”. (2)

Nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đại đoàn 316 đã lệnh cho các đơn vị nhanh chóng củng cố lại lực lượng, cải tạo và đào mới công sự, chuẩn bị mọi mặt để phòng địch phản kích từ C2 vượt qua "yên ngựa" đánh chiếm lại đồi C1.

Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 * Quân địch phản kích định chiếm lại đồi C1

“Sự có mặt của bộ đội ta trên một số quả đồi phía Đông đe dọa những vị trí của phân khu trung tâm hai bên bờ sông Nậm Rốm. Địch biết sớm muộn sẽ xuất hiện những trận địa pháo trên các điểm cao Đô-mi-ních. Nhưng điểm nóng lúc này là Ê-li-an. Tại đây bộ đội ta đã làm chủ C1 và một phần A1. Hai điểm cao nằm kề nhau. Nhưng ở A1, bộ đội ta chỉ mới chiếm một phần đồi thấp phía ngoài. Trước mắt, những người lính của Trung đoàn 98 trên đồi C1 đẩy khu Đông vào tình thế rất nguy hiểm. Điểm cao này trực tiếp uy hiếp đồi C2 ở phía trong, thấp hơn nó và A3 (Ê-li-an 3) nằm bên bờ sông, là nơi tập trung lực lượng phản kích của địch. Binh lính địch rời khỏi công sự lập tức trở thành mục tiêu của những tay súng thiện xạ. Súng phóng lựu đạn đặt trên đồi đe dọa cả binh lính địch đi lại trong chiến hào.

Rút kinh nghiệm cách đánh của ta, Thiếu tá Bigeard (Bi-gia, sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp) ra lệnh đào một đường hào từ C2 lên C1 chuẩn bị một đòn phản kích có tính quyết định.” (3)

“Ngày 9/4/1954, quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại đồi C1” (4). “Trên đồi C1, bộ đội ta đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đánh địch” (5). Được lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn, từ C2 ngược qua "yên ngựa" đánh sang nhằm chiếm lại C1 để bảo vệ sườn bên trái của A1, khôi phục lại khu phòng ngự then chốt của chúng ở cửa ngõ phía Đông khu trung tâm Mường Thanh.

Ngay khi quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại cứ điểm đồi C1, đại bác của ta lập tức dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh và bắn vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Trong khi đó, bộ binh ta cũng đánh trả quyết liệt. Ngay trong lúc đó, đại đội "bộ binh pháo" của Trung đoàn 98 thuộc Ðại đoàn 316 đã sáng tạo ra cách "bắn ôm nòng", phát huy được tối đa tính ưu việt của hỏa lực cầu vồng diệt địch ở địa hình có nhiều "góc chết". Đại đội "bộ binh pháo" đã dùng hai khẩu 81 ly bên C1 bỏ hết bàn và chân lại, để một pháo thủ vai đỡ và tay ôm lấy nòng và một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ phóng đạn vào đội hình địch. Kết quả là đạn nổ đều ở cự ly rất gần, cách bộ binh ta chỉ khoảng trên dưới 100 mét. Ngay trong ngày đầu đánh địch phản kích và một vài ngày sau đó, cách “bắn ôm nòng" của bộ đội ta đánh địch trên đồi C1 rất có hiệu quả, kịp thời chi viện cho bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng vào đồi C1 mà ta đã làm chủ.

 “Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Quân ta dựa vào công sự phòng ngự đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Quân địch đã dựa vào thế trận còn mạnh của trung tâm đề kháng đồi A1 và C2 cố đẩy ta ra khỏi C1”. (6)

Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, bị thiệt hại nặng nề, quân địch buộc phải rút lui. Bộ đội ta lại tiếp tục củng cố công sự, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch phản kích đợt tiếp theo.

  * Trong lúc đó, “súng phòng không 12,7 của bộ đội ta đã bắn hạ chiếc máy bay vận tải 2 thân (C.119) đầu tiên tại Điện Biên Phủ”. (7)

“Đêm ngày 9/4/1954, quân Pháp ở Hà Nội tăng viện cho Mường Thanh tiểu đoàn lê dương dù số 2 (2è BEP). Vì trời mưa, tiểu đoàn này mới tới được hai đại đội và một bộ phận cơ quan chỉ huy”. (8)

Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn:

TTXVN

(1), (2), (3), (5), (8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1025, 1026; 1040; 1041, 1042

(4), (7) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 303

(6) Điện Biên Phủ: Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 208.