Nhạc sĩ Văn Cao - người có sức ảnh hưởng lớn đối với nền tân nhạc nước nhà

Hà Nội (TTXVN 2/11/2023) Nhạc sĩ Văn Cao đã vẽ nên bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng một tài năng “không giới hạn”. Ông đã cống hiến trọn đời cho nền nghệ thuật dân tộc với các tác phẩm được coi là một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt Nam. Riêng với âm nhạc, ông đã lưu những dấu ấn sáng tạo mang tính khai phá, mở lối, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò định hình ở các thể loại tình ca, trường ca và nhạc cách mạng.

* Nhạc sĩ có nhiều thành tựu nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Cao, tức Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại thành phố Hải Phòng trong một gia đình công nhân nghèo.

Nhạc sĩ Văn Cao năm 1947. Ảnh: Trần Văn Lưu. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông thuộc thế hệ thanh niên ưu tú, giàu lòng yêu nước, được hấp thụ những tinh hoa của văn hóa Đông-Tây, có ý chí vươn lên để hòa nhập với thế giới văn minh, tự do và bình đẳng bằng tài năng nghệ thuật của mình. Ông viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác bài hát, trong lĩnh vực nào ông cũng có những sáng tạo mới, những nét độc đáo riêng, song ông trở thành nổi tiếng từ những ca khúc lãng mạn trữ tình thời tiền khởi nghĩa như Thiên thai, Bến xuân, Trương Chi, Bài thơ bên suối... mà không ai không nhớ đến.

Chính tài năng về âm nhạc của ông, một con người khao khát đấu tranh cho đất nước độc lập và tự do, đã được phát huy một cách mạnh mẽ trong không khí hừng hực của cao trào cách mạng, đã làm tăng thêm nguồn cảm hứng cho Tiến quân ca, vừa hào hùng, vừa thôi thúc, đốt cháy thêm khí thế sôi sục của những ngày khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử. Cùng với Tiến quân ca là hàng chục ca khúc cách mạng vang dậy niềm tự hào dân tộc và khí thế đấu tranh giành độc lập sống mãi với thời gian, như: Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, Thăng Long hành khúc, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam... những tác phẩm không chỉ một thời lừng lẫy mà đến nay vẫn còn để lại những dấu ấn đậm nét. Người ta gọi ông là "nhạc sĩ của những bản hùng ca".

Chỉ riêng Tiến quân ca cũng đủ tạc nên tầm vóc của nhạc sĩ Văn Cao trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Lần đầu tiên, trong âm nhạc cách mạng xuất hiện những đội quân chính quy từ nhân dân mà ra, cũng lần đầu tiên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng mang hồn sông núi vang vọng trong một bản hùng ca. Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam vang lên trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Từng giai điệu cất lên, lớp lớp người dân Việt Nam chung một ý chí, niềm tin về sức mạnh trường tồn của dân tộc.

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Văn Cao tiếp tục lao mình vào cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt chống ngoại xâm của quân dân ta. Bước chân ông đi không mỏi từ đồng bằng khu 3, qua những đồi cọ trung du, lên tới khắp nẻo đường của núi rừng Tây Bắc và Việt Bắc, vượt suối trèo đèo. Ông được chứng kiến hằng ngày, hằng giờ những cảnh đồng lúa, đồi chè, những xưởng máy, những dòng sông cuồn cuộn cùng với những đoàn quân xông lên đánh giặc giữ làng, cứu nước... Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thời kỳ nở rộ huy hoàng của sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao. Các tác phẩm của ông đã hợp thành một dòng sông đẹp, một dòng nhạc Văn Cao có thêm những điểm sáng mới như Bắc Sơn, Làng tôi, Ngày mùa, Công nhân Việt Nam, Toàn quốc thi đua, Tiến về Hà Nội, Ca ngợi Hồ Chủ tịch... Trong đó, Tiến về Hà Nội được xem là một khúc khải hoàn ca. Tác phẩm ra đời năm 1949, nhưng đã dự báo ngày chiến thắng 5 năm sau đó, với cảnh đoàn quân "đi như sóng" từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội.

Đặc biệt, Trường ca Sông Lô nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1948, là một tác phẩm vươn ra khỏi những hình thức ca khúc bình thường, thể hiện sự hùng vĩ của non sông Việt Nam, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm. Với trường ca Sông Lô, ông là người đầu tiên chắp đôi cánh lãng mạn vào các ca khúc cách mạng hoành tráng. Bản trường ca Sông Lô được xem là đỉnh cao của sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây với âm nhạc truyền thống dân tộc.

Có thể nói, mỗi ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao được ví như một "phóng sự" bằng âm nhạc về những cột mốc lịch sử dân tộc ông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

* Người có sức ảnh hưởng lớn đối với nền tân nhạc nước nhà

Bản thảo bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Âm nhạc của Văn Cao bao giờ cũng có giai điệu đẹp đẽ, uyển chuyển; lời ca trau chuốt, gọt dũa, hình tượng âm nhạc nên thơ. Phải chăng điều đó khẳng định thêm ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ đích thực có tài năng đặc biệt. Những thế hệ tiếp nối ông, trong đó có nhiều người bước vào con đường nghệ thuật bằng âm nhạc của ông, luôn coi ông là một tấm gương của nhiệt tình cách mạng, của sức lao động và sáng tạo nghệ thuật suốt đời không mệt mỏi; những đề tài, những chủ đề âm nhạc của một thời kỳ lịch sử oanh liệt của ông là những chất liệu quý để những lớp đàn em, đàn cháu khai thác và phát huy, đưa nền âm nhạc chuyên nghiệp của nước ta vươn lên tầm thế giới.

Ngoài ca khúc, sau này Văn Cao còn có những đóng góp cho lĩnh vực khí nhạc, như các nhạc phim truyện, nhạc sân khấu; đáng chú ý là bản giao hưởng thơ thính phòng Anh đội Cụ Hồ và các tác phẩm khác như Hàng dừa xa, Sông Tuyến, Bến đêm…

Văn Cao là một trong những đại thụ có công mở đường cho nền âm nhạc mới Việt Nam được khai sinh và trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Ông đã để lại một gia tài quý giá gồm những tác phẩm có tính lịch sử trong nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là những ca khúc cho đến ngày nay đã được ghi nhận là một sự tổng hợp hài hòa của nhạc-họa-văn-thơ của một nhạc sĩ đầy tài năng được nhiều người trong nước và ngoài nước ngưỡng mộ.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ đã được diễn ra vào tối 20/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cách đây 78 năm, vào mùa thu lịch sử, ngày 17/8/1945, lần đầu tiên ca khúc Tiến quân ca đã vang lên đầy tự hào trước biển người tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Có thể nói, dù ở mảng âm nhạc cách mạng hay trữ tình, dường như nhạc sĩ Văn Cao đều có duyên nợ đặc biệt với mùa thu. Ông cũng ra đi trong một ngày đầu Thu cách đây 28 năm, ngày 10/7/1995./. 

Phương Phương (tổng hợp)