Nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Hà Lan

Hà Nội (TTXVN 25/9/2011) - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mác Rút-tơ (Mark Rutte), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Hà Lan từ ngày 27/9-1/10/2011.

   * Việt Nam - Hà Lan: Triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu 

  Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 4/1973 và đến những năm 1990, quan hệ hai nước được tăng cường mạnh mẽ. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau, về phía Việt Nam thăm Hà Lan có: Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (2001); Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (2008)…Về phía Hà Lan thăm Việt Nam có Hoàng thân Clause (1993); Thủ tướng Wim Kok (1995); Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội (2001); Thái tử Willem Alexander (2005); Bộ trưởng Hợp tác phát triển Agnes van Argenne (2006); Bộ trưởng Thương mại Frank Heemskerk và Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bert Koenders; Thái tử Willem Alexander và Công nương Máxima (3/2011). Hai bên cũng thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn như Hội nghị Biến đổi khí hậu Copenhagen (năm 2009), G20 tại Canada (6/2010) và ASEM 8 tại Bỉ (10/2010). Ngoài ra, Hà Lan còn tích cực phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.   Quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng đều hằng năm (trung bình khoảng 15%/năm), trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Năm 2007, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước là 1,7 tỷ USD, đến năm 2010 đạt 1,96 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2011 đạt 0,9 tỷ USD. Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức, Anh và Pháp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan là giày dép các loại, may mặc, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, hải sản, rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến; những mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan là sữa, tân dược, sắt thép, chất dẻo, nguyên liệu, hóa chất… Đến năm 2010, Hà Lan vươn lên trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại nước ta và xếp thứ 11/92 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 153 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký là 5,6 tỷ USD (tính đến hết tháng 6/2011). Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan là Nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD; Nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD; Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD… các dự án chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện Việt Nam mới có một dự án đầu tư sang Hà Lan với tổng số vốn đầu tư là 5,6 triệu USD trong lĩnh vực phân phối hàng hóa.

         Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục đào tạo và y tế. Sau này, nước bạn đã mở rộng sang các lĩnh vực như: bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, môi trường. Hiện nay, mặc dù Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng Hà Lan vẫn dành  ODA cho Việt Nam theo lộ trình giảm dần, tập trung vào một số lĩnh vực như: Đối tác Công –Tư, an toàn thực phẩm, y tế và quản lý nước. Bên cạnh đó, Hà Lan đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan h  iện có khoảng 19.000 người, với khoảng 800 lưu học sinh. Bà con luôn hướng về quê hương đất nước và tích cực tham gia thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

           Nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên và đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Cũng nhân dịp này, dự kiến hai bên sẽ ký kết một số văn kiện trong lĩnh vực như môi trường, nông nghiệp, chăn nuôi, dầu khí…