Dấu son trong lịch sử đoàn kết keo sơn Việt Nam-Lào

      Nhân vật liên quan

      • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh
      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; Đại tướngNguyễn Chí Thanh
      • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa III, IV, V; Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng (1974-1981)Hoàng Văn Thái
      • Ủy viên Trung ương Đảng; Trưởng Ban Kiểm tra đầu tiên của Đảng; (10/1948 - 1950)Trần Đăng Ninh
Từ ngày 13/4 đến 3/5/1953, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào đã phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào, nhằm mở rộng địa bàn cho lực lượng kháng chiến Lào và tạo thế chiến lược mới cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào. Chiến thắng Thượng Lào là mốc son chói lọi trong lịch sử quan hệ liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, góp phần tạo nên biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc. Đánh giá về thắng lợi này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là “Thắng lợi đầu tiên của quân đội nhân dân ta, của bộ đội chủ lực ta trong quá trình phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước Bạn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, của nhân dân ta đối với cách mạng Pathét Lào”.
 
* “Giúp nhân dân nước bạn chính là tự giúp mình”
Là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng núi, Thượng Lào được coi là hậu phương an toàn của thực dân Pháp. Thế nhưng sau chiến thắng Tây Bắc năm 1952, thế và lực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam phát triển lên một bước mới. Vùng giải phóng của cách mạng Việt Nam được mở rộng tới sát Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng hai nước đẩy mạnh phối hợp tiến công địch. 
Nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, đầu năm 1953, tướng Xalăng - Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ (Việt Nam), chia chiến trường Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ là Mê Kông và Trấn Ninh. Trong đó, chúng tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố, tương tự tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Tây Bắc Việt Nam, coi đó là khu vực quan trọng trong hệ thống phòng thủ nhằm ngăn chặn hoạt động phối hợp của cách mạng hai nước Việt Nam, Lào.  
Trước âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 1 năm 1953, trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chủ trương đối với cách mạng Lào và Campuchia: “Từ nay, chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: Hai dân tộc anh em Miên - Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn”. Đối với khu vực Thượng Lào, Hội nghị nhận định: ở Thượng Lào, mặc dù địch đã tăng cường phòng thủ nhưng vùng này vẫn là chỗ yếu và sơ hở của địch. Giải phóng Thượng Lào sẽ có điều kiện giúp cách mạng Lào xây dựng hậu phương kháng chiến, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu cứu vãn tình hình ở Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư khóa II và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/2/1953, Tổng Quân ủy thông qua phương hướng mở chiến dịch trong Xuân-Hè 1953, tiến công địch ở Thượng Lào. Ngày 3/2/1953, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.
Ngày 3/2/1953, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch Thượng Lào đối với cuộc kháng chiến của hai nước Việt Nam và Lào, Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập gồm: phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốtchunlạmaly - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Thao Makhảy Khămphithun - Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa. Để chuẩn bị chiến dịch, đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đã sang trực tiếp làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào để cùng bàn bạc, giải quyết vấn đề cung cấp tại chỗ ở Lào.
Có thể nói, kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là lần đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở một chiến dịch quy mô lớn. Bộ Chỉ huy Chiến dịch có sự tham gia của nhiều  đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và quân đội hai nước, thể hiện rõ nét tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Trong bức thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thượng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình. Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới, các chú cần: Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta. Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
 
* Tạo thế chiến lược mới cho cách mạng hai nước
Cuối tháng 3/1953, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Thượng Lào cơ bản hoàn thành. Theo đó, Sầm Nưa được xác định là hướng chủ yếu, Xiêng Khoảng (phía Nam) là hướng thứ yếu, lưu vực sông Nậm Hu (phía Bắc) là hướng phối hợp. Phương châm tác chiến là dùng cách đánh vận động, nhanh chóng hành quân từ xa tới bao vây khống chế, không cho địch tăng viện hoặc rút lui; tiến hành công kích các điểm cao quan trọng ở ngoại vi, kết hợp tranh thủ đánh sâu vào trung tâm, chia cắt tiêu diệt quân địch. 
Để đánh lừa địch về hướng hoạt động của bộ đội chủ lực trên chiến trường, Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng Tiểu đoàn 999 Trung đoàn 176 Đại đoàn 316 nghi binh chiến dịch trên hướng Nà Sản; Đại đoàn 320 và các lực lượng thuộc Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 tổ chức những trận đánh, các đợt hoạt động gây rối, tiêu hao nhằm kìm giữ lực lượng địch, sẵn sàng bẻ gãy các đợt hành quân của chúng trên khu vực Ninh Bình, Thanh Hóa và Tây Bắc.
Thực hiện kế hoạch, ngày 8/4/1953, từ vị trí tập kết sát biên giới Việt Nam-Lào, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh nhanh chóng vượt qua biên giới, hành quân đến mục tiêu tiến công với tinh thần “cực kỳ nhanh chóng, cực kỳ bí mật”, làm cho quân địch “muốn trở tay cũng không kịp”. Ngày 12/4/1953, khi các đơn vị đi đầu của ta chỉ còn cách Sầm Nưa gần 1 ngày đường, tướng Xalăng ra lệnh rút quân khỏi Sầm Nưa ngay trong đêm để bảo toàn lực lượng.
Ngày 13/4/1953, khi phát hiện địch rút chạy khỏi Sầm Nưa, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định cho các đơn vị nhanh chóng tổ chức chuyển sang truy kích địch đến cùng, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút lui. Sau 3 tuần liên tục tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm quân địch ở Mặt trận đường 7-Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác. 
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 đã tạo nên một cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào, với khoảng 40.000 km2 được giải phóng, gồm: toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha Băng và Phông Xa Lỳ. Bên cạnh đó, hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào cũng được nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước. Đây là thắng lợi lớn nhất của nhân dân và quân đội Pathét Lào kể từ ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
* Mốc son trong lịch sử quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào
70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Thượng Lào năm 1953 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. 
Chiến thắng Thượng Lào thể hiện tầm nhìn chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khi quyết định chọn hướng Thượng Lào để mở chiến dịch. Chiến thắng này cũng thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao về chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào.
Chiến dịch Thượng Lào thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết quốc tế của quân và dân hai nước, là dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt-Lào. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị chiến dịch chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt; đồng thời thể hiện sự nhạy bén, mưu lược trong tổ chức chỉ huy và điều hành chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chiến thắng này tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai dân tộc tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. 
  Ngày 19/5/1953, trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng, Hoàng thân Xuphanuvông đã nhận định: “Sầm Nưa giải phóng là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt-Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. 
  Có thể nói, 70 năm đã trôi qua nhưng  Chiến thắng Thượng Lào năm 1953  vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Những bài học, ý nghĩa lịch sử quan trọng mà Chiến thắng Thượng Lào đem lại cần được đúc kết và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, nhằm đưa mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào ngày càng phát triển, xứng đáng với lịch sử hào hùng của hai dân tộc./.


Phạm Thị Hoàng Yến (tháng 5/2023)