Ra mắt Chính phủ lâm thời năm 1945
Hà Nội (TTXVN 31/8/2016)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở đầu trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Hàng chục vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận tập hợp ở vườn hoa Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
14 giờ, trên diễn đàn trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tiếp đó, Chính phủ lâm thời tuyên bố nhậm chức. Chính phủ lâm thời chính là Uỷ ban Dân tộc giải phóng được mở rộng nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27/8/1945. Chính phủ lâm thời gồm có:
1. Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Cụ Hồ Chí Minh
2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Ông Võ Nguyên Giáp
3. Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền: Ông Trần Huy Liệu
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Ông Chu Văn Tấn
5. Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Ông Dương Đức Hiền
6. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia: Ông Nguyễn Mạnh Hà
7. Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Ông Nguyễn Văn Tố
8. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Ông Vũ Trọng Khánh
9. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Ông Đào Trọng Kim
10. Bộ trưởng Bộ Lao động: Ông Lê Văn Hiến
11. Bộ trưởng Bộ Y tế: Ông Phạm Ngọc Thạch
12. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ông Phạm Văn Đồng
13. Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục: Ông Vũ Đình Hòe
14. Bộ trưởng không giữ Bộ nào: Ông Cù Huy Cận
15. Bộ trưởng không giữ Bộ nào: Ông Nguyễn Văn Xuân.
Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:
“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.
Từ đó ngày mồng 2 tháng 9 trở thành ngày hội Độc lập, ngày Quốc khánh của dân tộc ta.
Và cũng bắt đầu từ Tuyên ngôn Độc lập, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh, để đi đến thắng lợi cuối cùng: Thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, đất nước ta đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.
Kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay tại đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2/9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của ngày Quốc khánh 2/9 sẽ đời đời bất diệt./.
- Từ khóa:
- Quốc khánh