Sơn La ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo

Hà Nội (TTXVN 17/2/2024) Ngày 14/2/2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức công bố 2 thành phố của Việt Nam, trong đó có thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được ghi danh vào "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Sự kiện thành phố Sơn La được ghi danh vào thành phố học tập thuộc mạng lưới toàn cầu của UNESCO là niềm tự hào của tỉnh vùng Tây Bắc, động lực để Sơn La tập trung các giải pháp duy trì các tiêu chí sau khi được vinh danh.

Giờ thực hành môn Công nghệ của học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La, trường đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

   * Sơn La ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục và đào tạo

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La năng động, giàu bản sắc văn hóa và luôn dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Năm học 2022-2023, thành phố Sơn La có hệ thống cơ sở giáo dục được đầu tư đồng bộ tại 12/12 xã, phường, với 51 trường học, trong đó có 41 trường công lập, 10 trường ngoài công lập, với tổng số 975 nhóm, lớp với 33.564 học sinh.

Thành phố Sơn La đã tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở đối với 100% trẻ trong độ tuổi. Xóa mù chữ mức độ 1 cho 99% số người trong độ tuổi từ 35 đến 60; mức độ 2 cho 100% người trong độ tuổi từ 15 đến 34.
Cùng với đó, 100% đơn vị giáo dục chuyển hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về phát triển giáo dục ngoại ngữ, trung tâm kiểm định của Hội đồng Anh (British Council Vietnam English) được xây dựng, làm tiền đề phát triển môi trường giao lưu hợp tác, hội nhập. Đây là trung tâm kiểm định quốc tế đầu tiên tại khu vực miền núi Tây Bắc.

Bên cạnh đó, thành phố Sơn La luôn giữ gìn, phát huy văn hóa phi vật thể, duy trì 6 điệu Xòe Thái cổ, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, phục dựng và duy trì các lễ hội, trang phục truyền thống gắn với phát triển các hợp tác xã thêu, dệt thổ cẩm (Lễ hội Xên Mường, Xên Bản, đền thờ Vua Lê Thái Tông).

Thành phố tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá, gồm: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Đổi mới phương pháp, hình thức, hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; 5 chuyên đề học đường. Thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học; quyết tâm xây dựng thành phố Sơn La trở thành trung tâm giáo dục của tỉnh nhà.

Theo ông Hà Trung Chiến, Bí thư Thành ủy Sơn La, tỉnh Sơn La, sự kiện thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới “thành phố học tập toàn cầu” là niềm tự hào của cấp uỷ, chính quyền và người dân Sơn La, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về một tỉnh miền núi của vùng Tây Bắc rất xinh đẹp và mến khách.

Ông Hà Trung Chiến cho biết: "Lãnh đạo thành phố ý thức rất rõ, việc Sơn La trở thành thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu mới chỉ là bước đầu. Thành phố Sơn La sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể để đạt được các tiêu chí; mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng học tập, chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố, để người dân, các tổ chức, các đơn vị cộng đồng được học tập suốt đời. Đây không chỉ là tiêu chí của UNESCO, mà cả Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều mong muốn".

   * Giải thưởng “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO

Màn hình thời điểm công bố 2 thành phố của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”. Ảnh: TTXVN phát

Như vậy cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”. Trước đó, năm 2020, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã vinh dự được công nhận là thành viên Mạng lưới này và năm 2022, Việt Nam có thêm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được công nhận là thành viên Mạng lưới này.

Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu (Global network learning cities) được Viện học tập suốt đời của UNESCO xây dựng năm 2012. Quá trình xét duyệt hồ sơ được UNESCO tiến hành hết sức chặt chẽ, do các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục tiến hành căn cứ trên 42 tiêu chí liên quan đến việc xây dựng một thành phố học tập suốt đời, được phân vào các nhóm chính như sau:

Một là, thành phố đề cử phải cam kết mạnh mẽ sẽ tạo và mở rộng các cơ hội đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, và trên phương diện này thành phố thể hiện khả năng lãnh đạo chính trị, tầm nhìn, khả năng dự đoán và quản lý.

Hai là, có kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhằm huy động nguồn lực và thu hút đối tác từ nhiều khu vực.

Ba là, có các khu vực tập trung (ưu tiên) rõ ràng và các mục tiêu theo từng giai đoạn.

Bốn là, thành phố đề cử phải có đang triển khai thực hiện những chiến lược vững chắc nhằm giải quyết các thách thức cụ thể của thành phố.

Năm là, có chính sách, thực tiễn và dự án nào hiệu quả để các thành phố khác học tập.

Sáu là, các hoạt động thành phố học tập của thành phố đề cử phải có ảnh hưởng tích cực tới trao quyền cho cá nhân, gắn kết xã hội, phát triển kinh tế, thịnh vượng văn hóa và phát triển bền vững.

Để được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố phải cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi người dân. Đổi lại, việc tham gia “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” sẽ giúp cho các thành phố và người dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng thành phố học tập, được ứng cử Giải thưởng thành phố học tập của UNESCO... Những điều này mang lại cơ hội hết sức to lớn cho các thành phố trong tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và các mạng lưới kết nối của mình nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư..., qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của các thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.

Những quốc gia hiện có nhiều thành phố học tập nhất là Hàn Quốc (53 thành phố), Bồ Đào Nha (15 thành phố), Trung Quốc (10 thành phố) và Mexico (10 thành phố)./.

Diệp Ninh (tổng hợp)