Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Bulgaria (9/2023)

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh
    • Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII Nguyễn Phú Trọng
    • Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt NamVõ Thị Ánh Xuân
    • Vương Đình Huệ
    • Ủy viên Bộ Chính trị; khóa VIII, IX, X, XI; Thủ tướng Chính phủ; (6/2006 - 4/2016)Nguyễn Tấn Dũng
    • Phạm Bình Minh
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (8/2016 - 7/2021)Trương Hòa Bình

Hà Nội (TTXVN 21/9/2023)

Tiếp nối sau chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bulgaria Rosen Zhelyazkov (24 đến 26/9/2023). Đây là chuyến thăm Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 15 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2008. Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Bulgaria nói chung và quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước nói riêng; thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

* Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời
Việt Nam và Bulgaria có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1950. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8/1957 đã đặt nền móng và ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần của Chính phủ và nhân dân Bulgaria. Nhiều công trình kinh tế, giáo dục, y tế tại Việt Nam đã được xây dựng với sự giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật, sự lao động quên mình của các chuyên gia Bulgaria. Rất nhiều người Việt Nam đã làm việc, học tập tại Bulgaria vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, những người vẫn đã và đang tích cực tham gia đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.
Với nền tảng vững chắc, quan hệ hai nước đã không ngừng được vun đắp hơn 70 năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây, quan hệ truyền thống đó đã có những bước phát triển mới rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch…
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên, như: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Bulgaria (tháng 9/2000); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2008); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Bulgaria nhân dịp hai nước kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao (tháng 6/2015); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2018); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (tháng 10/2019); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 10/2021)…
Về phía Bulgaria, có các chuyến thăm Việt Nam của: Chủ tịch Quốc hội Ognian Gherdjikov (tháng 3/2004); Thủ tướng Sergei Stanishev (tháng 11/2006); Tổng thống Georgi Parvanov (tháng 1/2009); Chủ tịch Quốc hội Tsetska Tsacheva (tháng 4/2012); Tổng thống Rosen Plevneliev (tháng 10/2013); Thủ tướng Plamen Vasilev Oresharski (tháng 4/2014); Phó Tổng thống Margarita Popova (tháng 11/2015); Bộ trưởng Kinh tế Emil Karanikolov (tháng 9/2018)…
Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hợp tác ASEAN-EU, Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM)… Bulgaria ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018; ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025)…

* Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển tích cực
Hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực. Bulgaria là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU, cũng như thúc đẩy việc ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 118,7 triệu USD; năm 2021 đạt 234,6 triệu USD; năm 2022 đạt 203,6 triệu USD; 8 tháng năm 2023 đạt 147,25 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria các mặt hàng như dệt may, giày da, cà phê, hạt tiêu, thuốc lá, linh kiện điện tử, thủy sản… và nhập khẩu từ Bulgaria các mặt hàng như hóa chất, tân dược, rượu vang, máy móc, thiết bị đóng tàu, lúa mỳ, thức ăn gia súc…
Để đưa hợp tác kinh tế lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị và mong muốn của cả hai nước, hai lãnh đạo nhất trí tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực mà Bulgaria có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp, hóa dược, công nghệ thông tin...
Về đầu tư, tính đến tháng 8/2023, Bulgaria có 14 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 31,32 triệu USD. Trong đó, hai dự án lớn nhất của Bulgaria tại Việt Nam là Dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại tỉnh Lâm Đồng (14 triệu USD) và Dự án Công ty TNHH Dệt kim và may mặc tại tỉnh Thừa Thiên Huế (14 triệu USD).
Về hợp tác phát triển, Bulgaria cung cấp viện trợ không hoàn lại (ODA) trong lĩnh vực giáo dục và phụ nữ cho Việt Nam. Năm 2021, Bulgaria đã tài trợ 35.000 euro cho Đại học Huế và Đại học Nông Lâm thực hiện dự án “Đa dạng hóa sản phẩm sen bản địa kết hợp với phát triển du lịch sinh thái: Mô hình giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn”.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ; an ninh-quốc phòng, lao động… giữa Việt Nam và Bulgaria thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng mở rộng. Các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên ở hai nước trong thời gian qua như Lễ hội hoa hồng, Ngày văn hóa chữ viết Sla-vơ tại Hà Nội…, Việt Nam cử đoàn dự Festival Văn hóa dân gian quốc tế tại Burgas, Festival quốc tế nghệ thuật tại Sozopol... đã góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
     Hợp tác giáo dục-đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Sợi dây liên kết giữa hai quốc gia luôn được thắt chặt là nhờ hàng nghìn người dân Việt Nam đã, đang sinh sống và học tập tại Bulgaria. Hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, năm 2015, Bộ môn tiếng Việt lần đầu tiên được thành lập tại Đại học Tổng hợp Sofia, thu hút ngày càng đông sinh viên Bulgaria theo học, là tín hiệu tích cực để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Bulgaria, qua đó tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc.
Cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Bulgaria có hơn 1.000 người, phần lớn đều có cuộc sống tương đối ổn định, hòa nhập tốt với nước sở tại, trở thành cầu nối đưa hai dân tộc Việt Nam-Bulgaria ngày càng gần gũi và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Với tiềm năng to lớn và nỗ lực của hai bên, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria chắc chắn sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước.

* Tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp
Trong hợp tác nghị viện, Quốc hội hai nước đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào năm 2008. Vào năm 2012, lãnh đạo Quốc hội hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria. Đây chính là cơ sở pháp lý để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.
   Cùng với đó, hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 24 đến 26/9/2023 nhằm khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bulgaria. Dự kiến trong chuyến thăm này sẽ diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà Lãnh đạo cấp cao của Bulgaria. Thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao này, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đề cập cũng như bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ ký lại Biên bản Ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực; thúc đẩy thực thi, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thúc đẩy Quốc hội Bulgaria phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA); trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, chuyến thăm Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria - mối quan hệ đã được xây dựng và vun đắp trong suốt 73 năm qua./.

         Trọng Đức (tổng  hợp)