Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII Nguyễn Phú Trọng
    • Nguyễn Xuân Phúc
    • Ủy viên Bộ Chính trị; khóa VIII, IX, X, XI; Thủ tướng Chính phủ; (6/2006 - 4/2016)Nguyễn Tấn Dũng
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (7/2011 - 3/2016)Trương Tấn Sang
    • Vương Đình Huệ

Hà Nội (TTXVN 20/12/2022) Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Indonesia từ ngày 21 đến 23/12/2022. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Indonesia kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đặc biệt, đây còn là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước tới Indonesia sau 9 năm (kể từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 6/2013) và diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ đón. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

* Coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống

Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước thiết lập quan hệ ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển.

Những thế hệ người Việt Nam vẫn còn nhớ mãi tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xuất phát từ một tình bạn hết sức giản dị và gần gũi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Indonesia và Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam trong cùng một năm 1959, nhân dân Indonesia đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Paman Ho” (Pa-man Hồ). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng một cái tên cũng rất trìu mến “Bung Karno” (Bun-các-nô).

Đặc biệt, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Sukarno đã khẳng định: "Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và trong cùng tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chia tay Tổng thống Sukarno đã tặng câu thơ: "Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em"!

 Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị Việt Nam và Indonesia luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Từ năm 1990 đến nay, hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa. Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Suharto (tháng 11/1990). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Indonesia trong 31 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia).

Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Megawati, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ XXI” và “Hiệp định Phân định ranh giới thềm lục địa.”

Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược.”

Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu về cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa…

Tháng 8/2017, một trang sử mới đã mở ra trong quan hệ giữa hai nước với chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Indonesia, đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.

Tiếp đó, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 9/2018 nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN đã làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đánh dấu quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn và 5 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2018).

Năm 2021, trong bối cảnh COVID-19 phức tạp, hai nước vẫn tổ chức thành công hội đàm cấp cao trực tiếp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thống Joko Widodo nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN tại Indonesia (tháng 4/2021); cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo (tháng 7/2021). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani bên lề Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (tháng 10/2021).

Trong năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 8/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 5/2022). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương (tháng 7/2022).

Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023 (tháng 9/2018). Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.

Các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác. Hiện hai nước có 4 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa: Jakarta-Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu - Padang, Huế-Yogyakarta, Sóc Trăng-Lampung.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Với Việt Nam, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Ngược lại, Indonesia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực.

 * Hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực

Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD; năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD-lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm mà hai nước đã đề ra. Trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch song phương đạt 11,6 tỷ USD.

Việt Nam xuất chủ yếu sang Indonesia các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, điện thoại di động và linh kiện; và nhập khẩu từ Indonesia: than đá, dầu mỡ động thực vật, ô tô nguyên chiếc các loại, sắt thép các loại.

Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật do Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đồng chủ trì đến nay đã họp được 7 kỳ. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028. Nhằm hướng tới mục tiêu này, hai bên đang nỗ lực tận dụng hiệu quả những tiềm năng hợp tác, duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn.

Về đầu tư, tính đến tháng 9/2022, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 29/141 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với với 101 dự án trị giá 611,7 triệu USD; tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn đăng ký là 59 triệu USD, tập trung trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp.

Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và ký các văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017-2022. Hai nước cùng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về an ninh-quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN.

Hơp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, nghề cá, hợp tác biển, năng lượng, tư pháp và pháp luật… cũng được củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất. Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ...

Hai bên đã ký Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững (tháng 9/2018). Hiện nay, hai nước đã có đường bay thẳng kết nối Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh với Jakarta/Bali do Vietjet Air và Vietnam Airlines vận hành, khai thác...

Cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia có khoảng hơn 300 người, chủ yếu là những người định cư, kinh doanh lâu dài tại Indonesia, hòa nhập tốt với đời sống địa phương, có cuộc sống ổn định. Đa số bà con có ý thức cao tinh thần dân tộc, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương, đất nước, nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức như gặp mặt Quốc khánh, Tết Nguyên đán...

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra vào thời điểm quan hệ hơp tác giữa hai nước đang phát triển tích cực. Hai nước chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông, năm 2023 là thời điểm Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược; cũng là cơ hội để hai bên đẩy mạnh hợp tác thực chất hơn nữa trên cả bình diện song phương và đa phương. Điều này sẽ đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, đem lại lợi ích thiết thực của người dân hai nước; góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.

Phước An (tổng hợp)