Tình hình nhân đạo ở Dải Gaza đã “đến mức thảm khốc”

Hà Nội (TTXVN 10/11/2023) Xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, bùng phát hôm 7/10/2023, vẫn không ngừng leo thang. Điều khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại thời điểm này chính là nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người.

Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) ngày 9/11/2023 cảnh báo rằng gần 1,5 triệu dân thường Palestine, phải di dời do cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, đang đối mặt với hệ thống y tế có dấu hiệu sắp sụp đổ và hầu như không được tiếp cận với nước sạch. Theo IRC, các bệnh dịch như dịch tả và thương hàn “chắc chắn sẽ lây lan” do thiếu nước sạch và không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh phù hợp. 95% dân số Dải Gaza không được tiếp cận nước sạch và 64% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phải đóng cửa.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lên tiếng cảnh báo Dải Gaza đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan gia tăng do các cuộc không kích của Israel làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế, gây khó khăn cho việc tiếp cận với nước sạch và khiến các nơi trú ẩn ngày càng quá tải. Tuyên bố của WHO lưu ý “một số xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện”, nêu rõ trong bối cảnh số người thiệt mạng và bị thương tiếp tục gia tăng ở Gaza do xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng quá tải ở các nơi trú ẩn cùng hệ thống y tế, cung cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn làm gia tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm. Theo WHO, việc thiếu nhiên liệu ở khu vực đông dân cư đã khiến các nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như tiêu chảy.

Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm gián đoạn việc thu gom chất thải rắn, điều mà WHO cho rằng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nhanh chóng và lan rộng của các loài côn trùng, gặm nhấm vốn có thể mang mầm bệnh và truyền bệnh. WHO lưu ý các cơ sở y tế “gần như không thể” duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do chấn thương, phẫu thuật và sinh nở. Tổ chức này đồng thời cảnh báo sự gián đoạn trong công tác tiêm chủng định kỳ cũng như tình trạng thiếu thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh nhanh chóng. 

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ngày 10/11 cho biết toàn bộ 2,3 triệu người ở Dải Gaza đang phải sống trong tình trạng thiếu thực phẩm và đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Kể từ khi xung đột bùng phát, viện trợ nhân đạo tới được dải đất đang bị bao vây này chỉ như “muối bỏ bể”. Theo WFP, tổ chức này cần 112 triệu USD để có thể đưa viện trợ đến 1,1 triệu người ở Dải Gaza trong 90 ngày tới.

“Sự đau khổ nhân đạo ở Dải Gaza đã đạt đến mức thảm khốc và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi có điều gì đó thay đổi ngay lập tức…” - lời tuyên bố của Phó Chủ tịch IRC Bob Kitchen đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nhân đạo khẩn cấp ở Gaza do cuộc xung đột Hamas-Israel. Theo số liệu do Cơ quan Y tế ở Dải Gaza công bố ngày 8/11, ít nhất là 10.570 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 24.000 người bị thương do xung đột hơn một tháng qua. Gần 1,5 triệu người Palestine đã bị cưỡng bức di dời từ Bắc Gaza tới khu vực phía Nam của vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Israel cho biết hơn 1.400 người ở Israel thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt làm con tin.

Trong báo cáo về nguy cơ xung đột Hamas-Israel tác động lâu dài tại Dải Gaza và Bờ Tây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo cú sốc kinh tế-xã hội của cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có thể đẩy hàng trăm nghìn người Palestine rơi vào cảnh đói nghèo. UNDP ước tính sau 1 tháng xung đột bùng phát tại Dải Gaza, tỷ lệ nghèo đói ở các vùng lãnh thổ của Palestine dự kiến sẽ tăng từ 26,7% lên 31,9%. Điều này có nghĩa số người nghèo đói tại đây sẽ tăng thêm 285.000 người. Tỷ lệ này có thể tăng lên thành 35,8% nếu cuộc xung đột kéo dài thêm 1 tháng và tăng lên 38,8% nếu xung đột kéo dài thêm 2 tháng. UNDP nhấn mạnh “hậu quả của những gì đang xảy ra hiện nay thực sự là một cuộc khủng hoảng phát triển trong nhiều năm tới”. Theo ông, cuộc xung đột này có thể cản trở sự phát triển của các vùng lãnh thổ Palestine trong hơn 1 thập niên. Trong kịch bản xấu nhất, chỉ số phát triển con người - thước đo tuổi thọ, giáo dục, chất lượng sống - có thể quay lại mức năm 2007.

Cùng ngày 9/11, tại hội nghị ở Paris (Pháp) bàn về viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế một lần nữa kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn và có hiệu lực ngay lập tức tại Dải Gaza, tái khẳng định đây là điều kiện tiên quyết cốt lõi để đảm bảo đưa viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở khu vực vốn đang thiếu thốn nhu yếu phẩm thiết yếu. Liên hợp quốc cho rằng cuộc xung đột ở Dải Gaza hiện nay giống như đám cháy rừng có thể lan rộng trên khắp khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. Cũng tại hội nghị, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các nước thúc đẩy các bên xung đột thực hiện một lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngay lập tức, coi đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để đảm bảo người dân ở Dải Gaza nhận được viện trợ nhân đạo mang tính bền vững và hiệu quả. Các cuộc thảo luận tại hội nghị nói trên cũng bao gồm vấn đề hỗ trợ tài chính và những biện pháp khác nhằm giúp người dân ở Dải Gaza đang thiếu thốn nhu yếu phẩm./.

Minh Trà (tổng hợp)