50 năm quan hệ Việt Nam-Pháp (12/4/1973-12/4/2023): Quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc, toàn diện

Hà Nội (TTXVN 10/04/2023) Năm 2023 là năm đặc biệt, đánh dấu mốc quan trọng khi hai nước Việt Nam-Pháp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Trong nửa thế kỷ qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, toàn diện, phong phú và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

 * Quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc
   
 Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ vào ngày 12/4/1973. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Pháp là nước đi đầu trong việc khai thông quan hệ và xóa nợ, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ là thành viên Câu lạc bộ Paris. Trong bối cảnh công cuộc đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về phía Việt Nam, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
40 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2013). Dấu mốc này đã tạo đà đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande (năm 2016); của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe (tháng 11/2018); của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht (tháng 3/2023)… Và các chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019)… Ngoài ra lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gửi thư và điện đàm như: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (ngày 28/11/2022)…
Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì (phiên họp thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội tháng 1/2022); Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tổ chức tại Paris tháng 7/2019).
Hiện Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp hiện nay, hai nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững bao trùm. Hai nước khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững; coi trọng Hiến chương Liên hợp quốc, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Đặc biệt, hai nước ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và hiện giữ chức Chủ tịch vùng châu Á-Thái Bình Dương của APF (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương). Quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng phát triển tích cực thông qua việc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực.
          Mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2022, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đã nhấn mạnh: “Từ quá khứ đa dạng, phức tạp với nhiều thời điểm khó khăn, thậm chí là chiến tranh, hai nước đã chắt lọc, giữ lại những điều tốt đẹp nhất và giúp quan hệ tiến lên”. Theo ông Larcher, vì sự thịnh vượng kinh tế của mỗi bên, hai nước đều có tinh thần xây dựng, hướng tới sự hiện đại, khoa học và công nghệ, quan tâm đến các lĩnh vực trong tương lai như không gian, năng lượng sạch và tái tạo, giao thông… Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao Việt Nam khẳng định trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

* Hợp tác kinh tế đóng vai trò trụ cột 
Hợp tác kinh tế là lĩnh vực đạt được nhiều dấu ấn trong quan hệ song phương Việt Nam-Pháp. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italy). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 4,8 tỷ USD, giảm nhẹ so với 4,81 tỷ USD năm 2020; năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm-sứ-mây-tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; nhập khẩu chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm.
Về đầu tư, tính đến tháng 3/2023, Pháp là nước đứng thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 673 dự án, tổng vốn đạt 3,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện; các lĩnh vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Đặc biệt, dự án Metro số 3 là dự án nhận được sự tài trợ lớn từ phía Pháp và góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình giao thông của thành phố Hà Nội, cũng như giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp Pháp chọn đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì thị trường nội địa đầy tiềm năng, mà còn là địa bàn thuận lợi để phát triển kinh doanh ra khu vực ASEAN.
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn hơn 38 triệu USD. Kết quả này được đánh giá là còn thấp so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam. Do vậy, hai nước kỳ vọng vào sự hợp tác và tham gia của các nhà đầu tư Pháp, nhất là trong các dự án tương lai. Bên cạnh đó, hai bên đã đề xuất một số nội dung mới cần tăng cường hợp tác liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số và nông nghiệp.
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

* Nhiều điểm sáng trong hợp tác giáo dục, văn hóa, địa phương 
Trong hợp tác giáo dục và đào tạo, Pháp luôn coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực, như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo, như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI). Tháng 10/2010, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Pháp tài trợ đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong bốn trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với số lượng trên 10.000 sinh viên Việt Nam hiện du học tại Pháp (tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua).
Về hợp tác văn hóa-du lịch, giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Thành phố Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp-IDECAF).
          Về hợp tác y tế, đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống với gần 3000 bác sỹ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp và hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và các viện Pasteur Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, hai nước đã có nhiều hỗ trợ lẫn nhau trong đó Việt Nam đã hỗ trợ các địa phương Pháp khẩu trang, Pháp hỗ trợ Việt Nam 5,5 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế.
          Hợp tác địa phương cũng là nét đặc thù trong quan hệ Việt-Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố Việt Nam. Từ năm 1990, có 235 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn, phát triển bền vững, với quy mô không lớn nhưng nhìn chung có tác dụng tốt. Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên giữa hai nước.

* Cùng làm đậm nét quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Năm 2023 ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng giữa hai nước để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, năm 2023 là năm đặc biệt, là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua và cùng suy ngẫm về tương lai trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo Đại sứ Nicolas Warnery, Pháp và Việt Nam có mối quan hệ gần gũi, đây là sản phẩm của sự làm việc cùng nhau, duy trì và phát triển các liên kết, trao đổi trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ - cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, trường đại học và bệnh viện, doanh nghiệp, người dân. Để minh họa cho sự gần gũi này, hai nước đã chọn khẩu hiệu "Văn hóa sẻ chia" cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan  hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp. Logo và khẩu hiệu đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher công bố vào tháng 12/2022, trong buổi Lễ khởi động các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong dịp kỷ niệm quan trọng này, theo Đại sứ Nicolas Warnery, bên cạnh các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, còn diễn ra các chương trình, sự kiện đại chúng tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12; triển lãm 3D về Quốc Tử Giám, sự kiện dạo quanh nước Pháp với các gian hàng ẩm thực, giao lưu, trải nghiệm; triển lãm về nước Pháp; công chiếu vở nhạc kịch Hoàng tử bé; tổ chức cuộc thi thời trang, hội thảo ở các trường đại học Việt Nam, trình chiếu ánh sáng tại Huế…
Trong đó, hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 15/4/2023. Hội nghị xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Cơ hội và thách thức về môi trường, Nước và Xử lý nước; Thành phố thông minh và số hóa; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Đô thị bền vững. Hiện đã có 30 địa phương của Việt Nam và 20 địa phương, tổ chức, trường Đại học của Pháp đăng ký tham dự.
Với nền tảng hợp tác toàn diện, tốt đẹp sẵn có, cùng với quyết tâm của cả hai bên, tiềm năng hợp tác to lớn trong quan hệ Việt Nam-Pháp chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.                 
        An Ngọc (tổng hợp)