Bầu cử tổng thống Iran: Cuộc đua của 6 ứng cử viên sáng giá

Hà Nội (TTXVN 26/6/2024) Ngày 28/6/2024, cử tri Iran sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14. Đây là cuộc bầu cử được quyết định tổ chức sớm hơn thông lệ một năm, nhằm tìm người thay thế Tổng thống Ebrahim Raisi đã tử nạn trong vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19/5 vừa qua tại khu vực miền núi thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, Tây Bắc Iran. Tham gia cuộc đua lần nay có 6 ứng cử viên cho vị trí tổng thống Iran, do Hội đồng Giám hộ chọn ra từ 80 ứng cử viên đã nộp đơn ứng cử.

Các ứng cử viên được phê chuẩn cho cuộc bầu cử Tổng thống Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

* Cuộc bầu cử trước thời hạn

Theo kế hoạch ban đầu, Iran sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã được đẩy lên sớm vào cuối tháng 6 năm nay, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 tại khu vực miền núi thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, Tây Bắc nước này.

Ngay sau khi xác nhận tổng thống Ebrahim Raisi và một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 tại tỉnh Đông Azerbaijan, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã bổ nhiệm Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm Tổng thống lâm thời. Theo quy định của hiến pháp Iran, Tổng thống lâm thời cần tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng tối đa 50 ngày.

Quá trình đăng ký tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 tại Iran diễn ra trong 5 ngày (từ 30/5 đến 3/6) với 80 ứng cử viên nộp hồ sơ tranh cử. Sau quá trình kiểm tra, các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn có 15 ngày, từ ngày 12 đến 26/6, để tiến hành chiến dịch vận động tranh cử của mình. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 28/6.

Trong số 80 ứng cử viên đăng ký có Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Thị trưởng Tehran Alireza Zakani và một số lãnh đạo đương nhiệm của các bộ, ngành. Ngoài ra, một số cựu lãnh đạo cũng đăng ký tranh cử lần này như cựu Phó Tổng thống thứ nhất Es'haq Jahangiri, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Abdolnasser Hemmati, cùng với một số quan chức cấp cao… Ông Mohammad Mokhber - Tổng thống lâm thời của Iran - đã quyết định không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần này.

Sau quá trình rà soát lý lịch các ứng cử viên, ngày 9/6, Bộ Nội vụ Iran đã công bố danh sách 6 ứng cử viên được phê chuẩn cho cuộc bầu cử tổng thống nước này vào ngày 28/6 tới. Theo đó, các ứng cử viên được duyệt gồm có: ông Massoud Pezeshkian, nhà lập pháp đại diện cho khu vực bầu cử Tabriz trong Quốc hội Iran, là ứng cử viên duy nhất theo chủ nghĩa cải cách; và 5 ứng cử viên theo đường lối bảo thủ là Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf, Phó Tổng thống đương nhiệm Amirhossein Ghazizadeh-Hashemi, Thị trưởng thủ đô Tehran Alireza Zakaani, nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili và cựu Bộ trưởng Nội vụ Mostafa Pourmohammadi.

Đây là những người được lựa chọn trong danh sách 80 ứng cử viên triển vọng của Hội đồng giám hộ, cơ quan giám sát các cuộc bầu cử tại Iran. Hội đồng Giám hộ của Iran (một cơ quan siêu nghị viện bao gồm các thành viên của giới tăng lữ) chịu trách nhiệm thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ nước này, bao gồm cả chức vụ Tổng thống Iran.

Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Iran năm 2021, nhiều nhân vật theo chủ nghĩa cải cách và ôn hòa đã không được Hội đồng giám hộ đưa vào danh sách ứng cử viên.

* 6 ứng cử viên sáng giá

Trong số 6 ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ Iran duyệt tham gia tranh cử chức Tổng thống Iran lần này, đáng chú ý có Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf, 62 tuổi, là Chủ tịch Quốc hội Iran từ năm 2020 đến nay. Ông là Thị trưởng Tehran từ năm 2005-2017, cảnh sát trưởng Iran từ năm 2000-2005 và chỉ huy lực lượng không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từ năm 1997-2000.

Ông Gahlibaf từng 3 lần đăng ký tranh cử tổng thống. Trong đó vào năm 2009, Hội đồng giám hộ từng từ chối tư cách ứng cử viên của ông Ghalibaf; năm 2013, ông nhận được số phiếu bầu nhiều thứ hai, chỉ sau người đắc cử tổng thống là ông Hassan Rouhani; năm 2017, ông đăng ký tranh cử nhưng sau đó đã rút lui để mở đường cho cuộc cạnh đua giữa ông Rouhani và ông Raisi.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ghalibaf được đánh giá là chính khách theo đường lối cứng rắn và có quan điểm gẫn gũi với Tổng thống Ebrahim Raisi vừa tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 vừa qua. Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình nhà nước ngày 21/6 vừa qua, ông Mohammad Bagher Ghalibaf khi nói về lĩnh vực y tế và tình trạng di cư của các bác sĩ, y tá ra nước ngoài, đã cho rằng cần có sự thay đổi cơ bản trong cách trả lương cho nhân viên y tế để tăng động lực ở lại.

Một gương mặt nổi bật khác là Phó Tổng thống đương nhiệm Amirhossein Ghazizadeh-Hashemi. Ông Hashemi từng tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 nhưng đứng ở vị trí cuối cùng với chưa đến 1 triệu phiếu bầu. Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình nhà nước ngày 21/6, Phó Tổng thống Iran Amir Hossein Qazizadeh Hashemi, 53 tuổi, cho biết, ông sẽ tiếp tục những kế hoạch còn dang dở của cố Tổng thống Embrahim Raisi và cam kết sẽ phát triển ngành Du lịch.

Một ứng cử viên khác là nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili, 58 tuổi, có bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Sadeq và là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Iran trong nhiều thập kỷ. Ông từng là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran trong nhiều năm và là đại diện của lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei tại Hội đồng.

Ông Jalili là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2007-2013 và được biết đến là người có quan điểm cứng rắn. Ông từng tranh cử tổng thống năm 2021, nhưng đã rút lui chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Ông Jalili tuyên bố ủng hộ ứng viên theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi-người sau đó đã đắc cử tổng thống.

Ông Jalili hiện là Ủy viên Hội đồng Biện pháp Khẩn cấp, một cơ quan có trọng trách giải quyết những khác biệt và xung đột giữa Quốc hội và Hội đồng Giám hộ. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chiến lược Iran.

Ngoài ra, trong danh sách ứng cử viên còn có 2 nhân vật theo đường lối bảo thủ là Thị trưởng thủ đô Tehran Alireza Zakaani và Cựu Bộ trưởng Nội vụ Mostafa Pourmohammadi. Chỉ có duy nhất một ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách là nhà lập pháp Massoud Pezeshkian. Trong cuộc tranh luận với các ứng cử viên ngày 21/6 vừa qua, ông Masoud Pezeshkian cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Iran có thể được xử lý bằng cách giải quyết những khác biệt giữa các đảng phái trong nước cũng như các nhân tố bên ngoài.

Theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 28/6 tới diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải đương đầu với nhiều thách thức do cuộc chiến ở Gaza, khó khăn về kinh tế trong nước và căng thẳng ngoại giao liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Dù là phe bảo thủ hay cải cách cũng đều muốn tình hình ổn định, vượt qua được khó khăn và thách thức hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Ali Khamenei. Theo thể chế chính trị của Iran, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay lãnh tụ tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei, còn tổng thống và chính phủ là người thực hiện các quyết sách cuối cùng của Giáo chủ Ali Khamenei. Vì vậy, cho dù ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Iran cũng đều phải là người trung thành và phục vụ lợi ích của quốc gia Hồi giáo./.

Trọng Đức (tổng hợp)