Chiến dịch Đà Nẵng (26-29/3/1975)
Sau khi ta tiến công giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, hầu hết lực lượng còn lại của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 quân đổi Sài Gòn rút về tập trung tại Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng). Đà Nẵng trở thành trung tâm Quân sự lớn nhất của địch ở Trung Bộ với lực lượng khoảng 75 nghìn quân, gồm: sở chỉ huy Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Sư đoàn Bộ binh 3, Sư đoàn thuỷ quân lục chiến (có tàn quân của Lữ đoàn 147), tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2, Sư đoàn Không quân 1 (279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu), Liên đoàn Biệt động quân 17, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 12 tiểu đoàn pháo binh (1 tiểu đoàn pháo 175 mm, 3 tiểu đoàn pháo 155 mm, 8 tiểu đoàn pháo 105 mm), 15 tiểu đoàn bảo an cùng một lực lượng lớn hải quân, cảnh sát, dân vệ và bộ máy hành chính ngụy quyền.
Quảng Nam, Quảng Đà là hai tỉnh ven biển Trung Trung Bộ; bắc giáp Thừa Thiên, nam giáp Quảng Ngãi, Kon Tum, tây giáp Lào. Địa hình phần lớn là rừng núi với các dãy Hải Vân, Bà Nà, Đồng Lâm...; có các sông Thu Bồn, Vu Gia, Vĩnh Điện, Sông Hàn...; có đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, đường 14... Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam với gần 1 triệu dân, thuộc tỉnh Quảng Đà; 1 căn cứ quân sự liên hợp lớn với 3 sân bay, 4 hải cảng nên được coi là một mắt xích quan trọng trong phương án co cụm chiến lược của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Địch tổ chức phòng thủ Đà Nẵng thành 2 tuyến: tuyến ngoại vi có Sư đoàn thuỷ quân lục chiến, Sư đoàn Bộ binh 3 và một số đơn vị biệt động, bảo an; tuyến trong do lực lượng còn lại của Sư đoàn 1, một bộ phận của Sư đoàn 2 và các liên đoàn biệt động quân, các đơn vị địa phương quân đảm nhiệm. Địch tuy đông và phòng ngự tại một căn cứ liên hợp hải - lục - không quân hiện đại, nhưng đang ở thế bị bao vây cô lập, tổ chức chỉ huy rối loạn, tinh thần binh lính suy sụp.
Về phía ta, trước diễn biến hết sức mau lẹ ở chiến trường, đặc biệt là thắng lợi ở Trị - Thiên, Nam Ngãi, ngày 25.3.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Quảng Đà nhằm tiêu diệt quân địch co cụm ở Quảng Đà, thành phố Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Đà. Bộ Tư lệnh và Đảng ủy mặt trận Quảng Đà (lấy mật danh Mặt trận 475) được thành lập do Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Cùng ngày, Bộ Tổng tư lệnh truyền đạt chỉ thị cho lực lượng chủ lực Quân khu 5 tiến về phía Đà Nẵng, phối hợp với Quân đoàn 2 hình thành thế bao vây từ nhiều hướng, tiến công Đà Nẵng theo tình huống địch rút chạy, với phương châm “nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhât, bất ngờ nhất nhưng chẳc thắng”. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Quân đoàn 2 có Sư đoàn 325, Sư đoàn 304 (đang phòng ngự tại Thường Đức); Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203 (2 tiểu đoàn và 1 đại đội); Lữ đoàn Pháo binh 164 (thiếu 1 tiểu đoàn); 3 trung đoàn pháo phòng không 243,245, 284; Lữ đoàn Công binh 219; Quân khu 5 có Sư đoàn Bộ binh 2 được tăng cường Trung đoàn 36, Trung đoàn Bộ binh 3 độc lập, Lữ đoàn Bộ binh 52, Trung đoàn Xe tăng 574; Trung đoàn Pháo binh 572, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn công binh; 3 tiểu đoàn và các đại đội địa phương, đặc công, biệt động, du kích của 2 tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam. Bộ tư lệnh Chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Quân đoàn 2 tiến công từ hướng bắc và tây bắc; Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9) tiến công từ hướng tây nam; lực lượng chủ lực Quân khu 5 tiến công từ hướng nam và đông nam.
Ngay sau khi tham gia giải phóng Huế, Quân đoàn 2 được lệnh tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng từ hướng bắc và tây bắc. Trên hướng bắc, ngày 26.3, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) đánh vào căn cứ Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến 258 ở đèo Phước Tượng, tiếp đỏ đánh chiếm ga Thừa Lưu và đồn Thổ Sơn; ngày 27.3, phá vỡ tuyến phòng thủ lâm thời của địch ở khu vực đèo Phú Gia; ngày 28.3, đánh địch phản kích ở khu vực Lăng Cô, đến 20 giờ hoàn toàn làm chủ Lăng Cô, tạo bàn đạp đánh lên đèo Hải Vân. Trên hướng tây bắc, từ đêm 26.3, Trung đoàn Bộ binh 9 (Sư đoàn 304) gấp rút hành quân theo đường 14; sáng 28.3, triển khai ờ Ti Tu, Đá Đen. Ngày 28.3, trên hướng tây nam, Sư đoàn 304 đang phòng ngự ở Thượng Đức tổ chức thu quân để triển khai tiến công áp sát Đà Nẵng. Ở hướng nam, các lực lượng của Quân khu 5 sau khi giải phóng Nam Ngãi cũng tiến ra Đà Nẵng. Với tinh thần hết sức khẩn trương, sáng 28.3, Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) đánh tan cụm quân địch ờ bắc cầu Bà Rén, Trung đoàn 96 chiếm Duy Xuyên và Nam Phước; đến chiều các đơn vị của Sư đoàn 2 và Quân khu 5 đã có mặt ở khu vực Bà Rén, cửa ngõ phía nam Đà Nẵng. Địch vội vã cho máy bay ném bom phá sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu.
Hỗ trợ cho các lực lượng tiến về Đà Nẵng, đêm 25 rạng 26.3, lực lượng vũ trang Quảng Đà bắn 60 viên đạn pháo vào sân bay Đà Nẵng; pháo 130 mm của quân khu bắn vào Hòn Bàng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện; chiều 28.3, pháo 130 mm của Quân đoàn 2 ở đèo Mũi Trâu bắn phá các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà. Đòn tập kích pháo binh của ta làm cho địch ở Đà Nẵng càng thêm hoảng loạn. Đến ngày 28.3, trên cả 4 hướng, ta đã cơ bàn đánh chiếm xong các vị trí vòng ngoài, triển khai lực lượng tại các cửa ngõ tiến vào Đà Nẵng; pháo binh đã triển khai trận địa khống chế sân bay, bến càng và các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Nhân dân các xã ở ngoại thành nổi dậy giành chính quyền, bắt và gọi hàng trên 2 nghìn quân địch đang chạy về Đà Nẵng. Rạng sáng 29.3, ta sử dụng 30 pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn dồn dập vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 của địch, các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, quân cảng Sơn Trà, cảng Mĩ Khê, sau đó bắn chuyển làn ra mép nước, chặn không cho tàu địch vào đón tàn quân rút chạy, tạo điều kiện cho các đơn vị tiến công vào Đà Nẵng
Trên hướng nam, đêm 28.3, Sư đoàn 2 tổ chức vượt sông Bà Rén, Vĩnh Điện; 5 giờ ngày 29, Trung đoàn 38 đánh chiếm Vĩnh Điện và phát triển về Non Nước, sân bay Nước Mặn, rồi tiến ra hướng Sơn Trà; Trung đoàn 1 tiến thẳng vào Đà Nẵng, đánh tan cụm quân địch ở bến đò Su, sau đó phối hợp với một bộ phận cùa Trung đoàn 96 tỉnh Quảng Đà, Tiểu đoàn 941 và Đội biệt động Lê Độ đánh vào các mục tiêu trong thành phố. 12 giờ ngày 29.3, Trung đoàn 1 chiếm sở chủ huy Quân khu 1 - Quân đoàn 1 và sân bay Đà Nẵng; Trung đoàn 97 của quàn khu đánh chiếm Hội An lúc 8 giờ ngày 29.3, sau đó đánh địch ở An Đông, Mĩ Khê và phát triển về Sơn Trà. Trên hướng bắc, Sư đoàn 325 tiến công trong hành tiến theo trục đường 1; sau khi đánh địch ở đèo Hải Vân, 11 giờ ngày 29.3, Trung đoàn 18 chiếm khu kho Liên Chiểu; 12 giờ đánh vào trung tâm thành phố, sau đó vượt cầu Trịnh Minh Thế phát triển đánh chiếm bán đảo Sơn Trà lúc 13 giờ 30 phút. Trên hướng tây bắc (đường 14), 8 giờ 30 phút ngày 29.3, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đánh địch ở Thuỷ Tú, Đá Đan rồi đánh thắng vào sở chỉ huy Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn ở Phước Tường, sau đó phát triển chiếm toà thị chính Đà Nẵng và tiến ra bán đảo Sơn Trà. Trên hướng tây nam, sáng 29.3, Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 đánh địch tại các điểm cao 1005, 1078 và 918 ở núi Đồng Lâm, sau đó phát triển vào Đà Nẵng; Trung đoàn 66 đánh địch ở Phú Hương, đánh tan cụm quân địch ở Ái Nghĩa và phát triển vào Đà Nẵng. 12 giờ 30 phút, Sư đoàn 304 chiếm căn cứ Hoà Cầm, sau đó phát triển vào sân bay Đà Nẵng hội quân với lực lượng của Sư đoàn 2 ở hướng nam đánh lên.
Phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chú lực, các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở phường, quận; một số cơ sở Cách mạng và lực lượng biệt động chiếm cầu Trịnh Minh Thế, cắm cờ lên nóc toà thị chính... 12 giờ ngày 29.3, ta chiếm được các mục tiêu chủ yếu trong thành phố và đến 15 giờ làm chú toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng - Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Đà; thu một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh, trong đó có 115 máy bay, 138 xe tăng, thiết giáp, 47 tàu xuồng, 216 pháo các loại, 184 xe vận tải...
Thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng đã góp phần đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, làm thay đổi hoàn toàn tương quan thế và lực trên chiến trường, tạo ra bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Chiến dịch đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kĩ thuật, tan rã lớn về tổ chức, suy sụp lớn về tinh thần, đẩy QĐ Sài Gòn đến trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, mở ra thời cơ thuận lợi cho ta thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.
Về nghệ thuật Quân sự, đây là một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn được tiến hành trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp rút, để lại nhiều bài học về nghệ thuật Quân sự, đặc biệt là nghệ thuật nấm bắt thời cơ, thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và hai chiến dịch Trị - Thiên, Nam Ngãi tạo ra; trên cơ sở đó, tận dụng thế trận chiến lược chung và thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ mở ngay chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Trong suốt quá trình diễn biến chiến dịch, mặc dù Bộ tư lệnh Chiến dịch không có điều kiện trao đổi ý kiến trực tiếp, nhưng được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh cùng sự nhạy bén nắm bắt thời cơ của lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 5 và Quân đoàn 2, các lực lượng của chiến dịch đã chủ động nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài, đưa lực lượng vào áp sát Đà Nẵng; sử dụng pháo binh khống chế các sân bay bến cảng, tổ chức những binh đoàn thọc sâu, thực hành tiến công địch trong hành tiến với tốc độ cao; kết hợp chặt chẽ giữa bao vây, chặn cắt đường bộ, đường không, đường biển của địch với đột phá, thọc sâu từ bên ngoài, kết hợp giữa tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương với nổi dậy từ bên trong của nhân dàn đánh chiếm toàn bộ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)