Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương (11/3/1951)

Từ sau chiến thắng Biên giới 1950, tình hình Quân sự, chính trị ở Việt Nam và Đông Dương có những chuyển biến sâu sắc. Cuộc kháng chiến của Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Ở hai nước Lào và Camphuchia, cuộc kháng chiến cũng đã giành được những thắng lợi quan trọng. Ở Lào đã có khu giải phóng khá rộng, có mặt trận dân tộc, có chính phủ kháng chiến, có Lực lượng Vũ trang. Ở Campuchia, cơ sở kháng chiến được mở rộng, nhiều vùng được giải phóng. Tháng 4.1950, Hội nghị toàn quốc Khơme Tự do đã thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, gọi là Mặt trận Khơme Itxarắc và Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương do Sơn Ngọc Minh đứng đầu. Ngày 13.8.1950, Mặt trận Toàn quốc kháng chiến Lào họp đại hội. Hoàng thân Xuphanuvông được cử làm Chủ tịch Mặt trận Tự do Lào (Neo Lào Itxala) và Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào. Ngày 11.3.1951, các đại diện của Mặt trận Khơme Itxarắc, Mặt trận Lào Itxala và Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam họp Hội nghị thành lập “Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào”. Hội nghị đã tiến hành thảo luận về tình hình thế giới, tình hình cụ thể ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân ba nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; thống nhất ra nghị quyết, công bố tuyên ngôn của Hội nghị.

Nghị quyết Hội nghị xác định ba dân tộc Việt Nam, Miên, Lào có kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mĩ. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc là một bộ phận khăng khít của phong trào hoà bình và dân chủ thế giới. Nhiệm vụ cơ bản của Cách Mạng Việt Nam, Lào, Campuchia là đánh đuổi xâm lược Pháp và can thiệp Mĩ, làm cho ba nước hoàn toàn độc lập; xây dựng ba quốc gia mới, làm cho nhân dân ba nước được tự do, hạnh phúc và tiến bộ. Việc thành lập liên minh nhân dân ba nước dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Chương trình hành động chung của khối liên minh nhân dân ba nước là tiến hành cuộc kháng chiến trường kì, toàn dân, toàn diện để đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, làm cho ba nước hoàn toàn được giải phóng; tăng cường khối liên minh Việt - Miên - Lào, chống mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, làm cho ba dân tộc hiểu biết và đoàn kết chặt chẽ với nhau; tạo điều kiện hết sức giúp đỡ nhau cả về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, kinh nghiệm và cán bộ; giúp đỡ nhau thiết lập và tăng cường mối liên hệ với các nước dân chủ, làm cho thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của ba dân tộc. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thành lập Ủy ban Liên minh Nhân dân Việt - Miên - Lào gồm Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam), Xuphanuvông, Nuhắc Phunxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamut (Campuchia)..., là đại biểu Mặt trận Dân tộc của ba nước để thực hiện mục đích chương trình hành động chung đã thống nhất.

Hội nghị cũng công bố bản tuyên ngôn nêu rõ ý nghĩa và mục đích thành lập Khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào và gây một phong trào ủng hộ Khối liên minh này trong nhân dân ba nước. Nội dung tuyên ngôn chỉ rõ: thực dân Pháp và can thiệp Mĩ cố tình xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia, âm mưu bắt nhân dân ba nước Đông Dương trở lại kiếp nô lệ một lần nữa; các chính quyền Việt Nam, Lào, Campuchia do thực dân Pháp thiết lập là chính quyền bù nhìn và nền độc lập mà thực dân Pháp tuyên bố cho Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập giả tạo; thực dân Pháp và can thiệp Mĩ không những âm mưu xâm chiếm Đông Dương mà còn định biến Đông Dương thành bàn đạp chống phá phong trào Cách Mạng Trung Quốc và các dân tộc ở Đông Nam Á, đe doạ nền hoà bình thế giới... Trên tinh thần có cùng một kẻ thù chung, Hội nghị Liên minh Việt - Miên - Lào đã thành lập Khối liên minh nhân dân ba nước, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục đích đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, trừng trị các phần tử bù nhìn phản quốc, giành độc lập thật sự cho ba dân tộc, góp sức bảo vệ hoà hình thế giới; cử ra Ủy ban Liên minh Việt - Miên - Lào để thực hiện sự liên lạc mật thiết và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước; kêu gọi nhân dân ba nước hãy đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức mặt trận của mình (Liên Việt ở Việt Nam, Itxala ở Lào, Itxarắc ở Campuchia), làm cho Khối liên minh nhân dân ba nước ngày càng thêm vững chắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của ba dân tộc mau chóng đến thắng lợi, củng cố và phát triển chính quyền dân tộc và nhân dân ở ba nước; kêu gọi nhân dân thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy ủng hộ Khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào làm tròn nghĩa vụ bảo vệ chính nghĩa và giành tự do; hoà bình thế giới nhất định thắng lợi, độc lập thực sự của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia nhất định thành công.

Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu thủ đoạn “chia để trị” của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, tăng cường sức mạnh đoàn kết giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, đặt cơ sở vững chắc cho sự liên minh đoàn kết chiến đấu lâu dài, toàn diện giữa ba dân tộc trong những giai đoạn tiếp sau của sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc.  

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)