Những bài hát viết về Hà Nội

    Nhân vật liên quan

    • Nhà vănNguyễn Đình Thi
    • Nhạc sĩVăn Cao

Hà Nội (TTXVN 8/10/2020) Hà Nội - mảnh đất linh thiêng và hào hoa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều nhạc sỹ. Và mỗi nhạc sỹ lại tìm những cách riêng để thể hiện nỗi niềm, cảm xúc và tình yêu đối với Hà Nội trong mỗi “đứa con tinh thần” của mình. Vì thế, dù được viết vào thời kỳ nào, những bài hát viết về Hà Nội cũng để lại trong lòng người nghe những dư âm lắng sâu, trở thành một phần máu thịt trong tâm hồn người Hà Nội ở mọi thế hệ.

“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu
Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!...”.
Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe "Người Hà Nội" mà không thấy rạo rực trong lòng. Những lời ca thiết tha, hào hùng, giai điệu sâu lắng của ca khúc đã chinh phục trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam và cả những người yêu Việt Nam trên toàn thế giới. Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha khi sưu tầm các khúc về Hà Nội cho biết, bài hát "Người Hà Nội" đã được các nhạc sĩ uy tín bỏ phiếu là bài hát hay nhất về Hà Nội. Đánh giá về ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho hay: “Riêng bài hát "Người Hà Nội" của anh Nguyễn Đình Thi, Hà Nội còn thì bài hát vẫn còn”.

Bài hát "Người Hà Nội" ra đời năm 1947, sau khi Hà Nội đã vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ca từ mang tính tự sự, trong phần mở đầu bài hát, tác giả đã làm hiện lên trong tâm trí người đọc hình ảnh một thủ đô đã có một nghìn năm văn hiến vẫn rất thân quen, gần gũi. Âm hưởng da diết ban đầu chìm xuống, thay vào đó là âm hưởng anh hùng ca với nhịp hành khúc gợi lên nhịp đi của những người anh hùng sắp sửa bước vào trận quyết chiến với kẻ thù: “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn sống, tràn đầy dâng…”.

Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày Giải phóng Thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sỹ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”… Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10/10. Ca khúc như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Qua hai cuộc kháng chiến, Hà Nội chuyển mình với bao thăng trầm. Đó là thành phố anh dũng, kiên cường giữa những ngày bom Mỹ tàn phá khốc liệt, được ghi nhận qua “Bài ca Hà Nội” của nhạc sỹ Vũ Thanh. “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…”. Bài hát nghe cuồn cuộn trào dâng vừa sục sôi khẩn trương lại có vẻ thanh thản đàng hoàng, quả là biểu hiện được cái thần thái của đất Thăng Long văn hiến - xứ sở hào hoa bước vào cuộc chiến bất tử. Người Hà Nội vốn luôn như vậy, có thể hiên ngang đối mặt với mọi khó khăn, vất vả gian truân, sẵn sàng quyết tử để giành chiến thắng, nhưng lại luôn nhẹ nhàng ung dung thanh thản.

Đó là còn là niềm lạc quan, niềm tin chiến thắng trong “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sỹ Phan Nhân: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng. Của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào. Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”. Chất trữ tình quyện với chất hùng ca tạo nên cho cả bài hát một không gian truyền cảm sâu lắng, như thể tác giả đã rút toàn bộ ruột gan để viết nên những giai điệu và ca từ đi thẳng vào lòng công chúng.

Bước ra những năm tháng khói lửa chiến tranh, Hà Nội vươn lên dựng xây cuộc sống mới. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ sau năm 1975 thể hiện những xúc cảm đằm sâu về một thủ đô thơ mộng, thanh lịch, mang trong mình những trầm tích văn hoá với bản sắc riêng. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội. Kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Thủ đô, năm 1984 bài hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời như là một sự tri ân của tác giả đối với mảnh đất và con người Hà Nội: “Dù có đi bốn phưong trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội /Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hoà bình”. Trong nỗi nhớ dịu dàng của nhạc sĩ, Hà Nội hiện ra với vẻ thâm nghiêm cổ kính, vẻ hùng tráng dũng mãnh và cả vẻ yêu kiều của thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong suốt mấy chục năm, bài hát luôn vang lên giống như một “Hà Nội ca” mà bất cứ người con xa Hà Nội, hoặc ai đã từng đặt chân đến Hà Nội khi nghe về nó đều thấy tựa như máu thịt mình.

Nếu như hội họa có "phố Phái", thì thanh âm về Hà Nội không thể vắng âm nhạc Phú Quang. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phú Quang được mệnh danh là nhạc sỹ của những bản tình ca về Hà Nội. Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 600 bài hát, phần nhiều trong số đó là dành cho Hà Nội. Có người nói, những người yêu Hà Nội, xa Hà Nội chỉ cần nghe những tình khúc của Phú Quang, như: “Em ơi Hà Nội Phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Khúc mùa thu”... là thấy ngay được cái “phong vị Hà Thành”. Cái “phong vị” ấy thể hiện rõ trong mỗi ca khúc, thậm chí trong từng ca từ của Phú Quang. Đó là những hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ nhưng chẳng thể nào quên với “Chiều đông sương giăng phố vắng” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội), hay “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, “Từng mái ngói xô nghiêng”, “Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng” (Em ơi Hà Nội phố)… Thậm chí, có người chưa từng một lần đến Hà Nội nhưng chỉ nghe những nhạc phẩm của Phú Quang cũng vẫn cảm nhận được “Một Hà Nội ngây ngất nắng, Một Hà Nội run run heo may” (Mơ về nơi xa lắm), hay ngẩn ngơ tiếc nuối bởi “Gió mùa đông bắc se lòng, Chút lá thu vàng đã rụng, Chiều nay cũng bỏ ta đi” (Nỗi nhớ mùa đông)…

Cùng những nhạc phẩm của Phú Quang, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn và “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” của Nguyễn Cường, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải, “Hà Nội đêm trở gió” của Trọng Đài, “Hoa sữa” của Hồng Đăng... là những góc Hà Nội rất riêng, cùng làm nên diện mạo mảng âm nhạc trữ tình về Hà Nội. Đặc biệt, nhắc đến những ca khúc nổi tiếng về thu Hà thành không thể không nhắc tới “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Những thức thu, những vị thu được người nhạc sĩ gói gọn trong ca khúc với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, với “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ”, để rồi tất cả cùng hòa vào với bản hòa tấu của vạn vật trong không gian thu:
“Hồ Tây chiều thu
Mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ
Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”

Với sự thể hiện thành công của ca sỹ Hồng Nhung, “Nhớ mùa thu Hà Nội” làm người đi xa không khỏi xốn xang, người ở gần không khỏi bồi hồi vào những buổi sớm heo may trong lòng thành phố.
Còn rất nhiều những bài hát khác về Hà Nội. Hà Nội không của riêng ai, Hà Nội của chúng ta, vẫn ẩn chứa biết bao trầm tích lịch sử và văn hóa dân tộc gợi mở sáng tạo cho các văn nghệ sỹ./.

Diệp Ninh (tổng hợp)