Những danh y, thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử y học Việt Nam

    Nhân vật liên quan

    • Đại danh yLê Hữu Trác
    • Giáo sư, Bác sĩHồ Đắc Di
    • Bộ trưởng Bộ Y tế (8/1945 - 12/1945 và 12/1958 - 11/1968)Phạm Ngọc Thạch
    • Giáo sư, bác sĩĐặng Văn Ngữ
    • Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩTôn Thất Tùng

Hà Nội (TTXVN 26/2/2024) Sự phát triển của ngành y hôm nay là sự kế thừa, phát huy tài năng, nỗ lực và đặc biệt là tâm huyết của các thế hệ danh y đi trước. Tên tuổi, y đức của các bậc danh y ấy mãi rạng danh trong lịch sử ngành y nước nhà. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngành y tế Việt Nam không ngừng lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu với nhiều tấm gương thầy thuốc tiêu biểu về y đức và tài năng, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo dựng vị thế của y khoa Việt Nam mang tầm quốc tế.

* Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-?)

Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi và được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang tức Chùa Giám đón về nuôi dạy.

Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng khước từ việc làm quan. Chứng kiến nhiều dịch bệnh lớn đã cướp đi mạng sống của nhiều dân nghèo, với mong muốn trị bệnh cứu người, ông đã nghiên cứu dược liệu, thu thập phương thuốc quý trong dân gian, trồng cây dược liệu, lập y xá tại các ngôi chùa để chữa bệnh cho người dân.

Ông cũng chính là người xây dựng nền móng cho việc chữa bệnh bằng thuốc Nam. Từ những bài thuốc đơn giản mà hữu dụng đã cứu được nhiều người bệnh nghèo khổ, dập được những trận dịch bệnh lớn trong nhân dân. Nhờ có ông, phong trào trồng thuốc Nam ngày càng được phát triển. Ông còn truyền dạy cho người dân cách tìm loại cây chữa các bệnh thông thường trong vườn nhà, chùa làng để sử dụng khi cần thiết. Ông cũng hướng dẫn mọi người cách phòng tránh bệnh để có sức khỏe tốt.

Ông đã để lại hàng nghìn phương thuốc, vị thuốc chữa bệnh có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc. Các công trình nghiên cứu của ông được soạn thành sách tiêu biểu như các tác phẩm "Dược tính nam chi” và "Thập tam phương gia giảm” (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng rất tiếc là phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn nguyên vẹn do nhiều nguyên nhân. Những tác phẩm còn lại cho đến ngày nay là đều do người đời sau thu thập tài liệu còn sót lại trong nhân dân để biên tập lại. Đó là bộ "Nam dược thần hiệu” (giới thiệu 580 vị thuốc Nam và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh); Bộ "Hồng nghĩa giác tư y thư”; Cuốn "Thập tam phương gia giảm”.

Từ bao đời nay, trong giới Y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc, đặc biệt là công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế của người Việt Nam. Câu nói của ông: Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và tự nhiên, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ, đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.

Cuộc đời, sự nghiệp cũng như y đức, y đạo, y tài của ông đã trở thành tấm gương sáng cho những người hành đạo nghề y noi theo trên con đường y nghiệp của mình. Những di cảo của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tinh đã trở thành bộ giáo trình có vị trí trang trọng trong các trường Đại học, Cao đẳng y khoa nước nhà.

* Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791)

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị đến hiện tại.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nguyên quán tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật... vô giá trong di sản văn hoá Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Là con của Tiến sỹ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn.

Vốn là người thông minh, học rộng, sau một cơn bạo bệnh được thầy thuốc Trần Độc chữa trị và quý mến truyền thụ cho tất cả các kiến thức về y dược, Lê Hữu Trác nhanh chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Với trí thông minh hơn người lại cẩn trọng trong công việc, Hải Thượng Lãn Ông đã phát hiện những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học. Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông đã có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Với tâm nguyện hoài bão ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học và với lý tưởng cao cả “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, Lê Hữu Trác đã dựng nên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới qua bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”.

 “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là kết quả cả đời nghiên cứu của ông đối với các cuốn sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ... Các bài thuốc trong sách là kết quả của quá trình tìm hiểu nền y học cổ truyền dân tộc kết hợp với thực tế chữa bệnh trong nhiều năm của Đại danh y Lê Hữu Trác. “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các lĩnh vực trong y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng và được xem là bộ “Bách khoa toàn thư” về y học. “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học bởi cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả.

Sau khi mất, Đại danh y Lê Hữu Trác được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại, ông còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

* Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984)

Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di sinh ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Tuy xuất thân nho học nhưng cha mẹ ông đều hướng các con theo văn hóa phương Tây. Chính vì vậy, từ nhỏ, ông được gia đình gửi học nội trú tại trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Đến năm 1918, ông sang Pháp theo học y khoa tại trường Đại học Tổng hợp Paris.

Năm 1931, bác sĩ Hồ Đắc Di trở về nước, đem những điều mình được học giúp đỡ nhân dân. Cuộc đời ông đã thay đổi khi được mời ra giảng dạy tại trường Đại học Y Dược Hà Nội. Từ đó, ông vừa giảng dạy, vừa làm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Phủ Doãn.

GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch - những tên tuổi lớn của y học Việt Nam sau ngày Hà Nội giải phóng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Mặc dù bận rộn nhưng bác sĩ Hồ Đắc Di vẫn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học và có nhiều công trình rất có giá trị. Ông là người đầu tiên ở Đông Dương nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương và có công trình đăng trên tạp chí Y học Pháp ở Viễn Đông. Nể phục trước tài năng của bác sĩ Hồ Đắc Di, Hội đồng giáo sư trường Đại học Y Dược Hà Nội (gồm toàn các giáo sư người Pháp) đã phong ông hàm Phó Giáo sư, rồi Giáo sư. Và bác sĩ Hồ Đắc Di trở thành người Việt Nam đầu tiên được phong hàm Giáo sư thời Pháp thuộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư Hồ Đắc Di được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tín nhiệm, giao cho nhiều trọng trách như: Tổng Giám đốc đại học vụ Việt Nam, Tổng Thanh tra y tế và đặc biệt là việc tổ chức lại trường Đại học Y Dược Hà Nội.

Ngày 6/10/1947, Trường Đại học Y Dược của nước Việt Nam khai giảng khóa đầu. Giáo sư Hồ Đắc Di được cử giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của Trường. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, trường phải chuyển chỗ 13 lần nhưng vẫn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm bác sĩ, dược sĩ có trình độ cao, tận tâm với nghề, phục vụ kháng chiến trên mọi vùng miền của đất nước. Nhiều sinh viên của trường, được đào tạo trong những năm tháng gian khổ ở chiến khu Việt Bắc, đã trở thành Viện sĩ, Giáo sư, Bộ trưởng, Viện trưởng của ngành y tế sau này. Người học trò xuất sắc của ông - bác sĩ Tôn Thất Tùng - cũng trở thành giảng viên của trường.

Năm 1961, trường Đại học Y Dược Hà Nội tách ra thành Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Dược Hà Nội, ông giữ chức vụ hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đến khi nghỉ hưu (năm 1973).

Để tưởng nhớ người thầy thuốc tâm huyết, suốt đời cống hiến cho y học, thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một con phố - phố Hồ Đắc Di. Đây là con đường nối với các phố: Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ - những người thầy thuốc tài đức vẹn toàn của nền y học Việt Nam hiện đại.

* Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ra ở Bình Định, trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 1928, ông vào học trường Đại học Y Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội). Hết năm thứ tư, ông sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1934. Cuối năm 1936, ông trở về nước. Và nguyên nhân của sự trở về này cũng thật đặc biệt khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từng thổ lộ với bà Marie Louise, vợ ông: “Suốt đời, anh sẽ đấu tranh cho đất nước anh…”.

Đúng như lời ông nói, trọn đời mình ông đã có nhiều cống hiến to lớn cho nền y học nước nhà.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người được bác Hồ tin yêu, trân trọng

Dựa vào điều kiện thực tế của đất nước, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường thích hợp nhất, hiệu quả nhất, xây dựng nền y tế nhân dân, xây dựng 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành kết hợp chặt chẽ: chính trị và chuyên môn, tư tưởng và tổ chức, phòng bệnh và chữa bệnh, quán triệt phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đông y và tây y, kết hợp y và dược... Đến nay, các nguyên tắc ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Trong công tác phòng và chữa bệnh, ông đã tích cực xây dựng mạng lưới y tế từ trung ương đến xã và hợp tác xã, xây dựng y tế nông thôn, tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccin, tiêm chủng toàn dân, làm dấy lên trong cả nước phong trào "vệ sinh yêu nước", vệ sinh phòng bệnh... giải quyết hàng loạt những vấn đề cơ bản của sự nghiệp y tế, thanh toán những bệnh tật, dịch bệnh do chế độ cũ để lại, bảo vệ, chǎm sóc và tǎng cường có hiệu quả sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, đến nǎm 1958 nước ta đã chiến thắng được hai dịch bệnh lớn tồn tại đã bao đời là đậu mùa và dịch tả; nhiều bệnh không còn phát triển thành dịch...

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng có công lao rất lớn với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi. Ông là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam; là người sáng lập và Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống Lao Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Chống Lao thế giới và là người thầy lớn nhất của chuyên khoa lao-bệnh phổi.

Ngày 7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh trên chiến trường miền Nam. Đây một sự mất mát lớn cho ngành y tế nước nhà.

* Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967)

Giáo sư Đặng Văn Ngữ quê ở làng An Cựu, thành phố Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau đó, ông làm trợ lý cho giáo sư bác sĩ người Pháp Henry Galliard chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội).

Năm 1942, ông làm Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu khoa học, công bố 19 công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Do đó, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền Y học của Pháp ở Việt Nam”. Trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật từ năm 1943 đến 1948, ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về bệnh lao và bệnh phong (bệnh hủi), về vi trùng đường ruột...

Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ

Trong hai năm 1947- 1948, tại Quân Y viện 406 của Mỹ ở Nhật, ông đã tìm ra giống nấm sản xuất penicillin. Trong thời gian đó, người Pháp, người Nhật và cả người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của ông, nhưng, ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam, phải làm gì cho Tổ quốc.

Năm 1949, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Đặng Văn Ngữ về nước tham gia kháng chiến. Tất cả tài sản ông đem về chỉ có hai bộ quần áo và ống giống nấm penicillin với một tấm lòng, một trí tuệ sẵn sàng hiến dâng cho đất nước. Trong phòng thí nghiệm đơn sơ bằng tre, nứa, lá giữa núi rừng Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh – “nước lọc penicillin” chế từ giống nấm ông đem từ Nhật về, phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh trên các chiến trường, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tết Nguyên đán năm 1967, nước lọc penicilline do ông nghiên cứu sản xuất đã về khắp các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến. Nhờ thứ nước kỳ diệu này, 80% thương binh có thể trở về đơn vị không bị cưa chân, tay, thậm chí thoát khỏi nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương.

Tiêu diệt bệnh sốt rét là hoài bão lớn của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Suốt 8 năm, ông đi khảo sát khắp các vùng từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Quảng Bình, Vĩnh Linh, xây dựng kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét và đã thực thi có kết quả kế hoạch đó. Sau khi Hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh vật Việt Nam, từ đào tạo cán bộ đến xây dựng các mạng lưới có hệ thống.

Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng và là Viện trưởng đầu tiên của viện này. Ông cũng là Chủ nhiệm chương trình tiêu diệt dịch bệnh sốt rét ở miền Bắc lúc đó. Ông là một trong số ít người thời đó có ý tưởng sản xuất vaccine phòng chống sốt rét. Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis - thủ phạm chính gây bệnh sốt rét và triển khai các phương pháp phòng, diệt.

Năm ngày 1/4/1967, Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế, khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về lĩnh vực Y học.

* Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982)

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ra tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế sau đó ra Hà Nội học ở trường Bưởi. Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược. Năm 1935, ông là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức bệnh viện Việt-Đức hiện nay.

Từ năm 1936 đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông. Với thành tựu vượt trội đó, năm 1940, ông được nhà cầm quyền Đông Dương thừa nhận và bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại, Đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Với dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ năm 1935 đến 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris.

Cách mạng Tháng Tám thành công, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đầu tiên mang hết nhiệt tình xây dựng Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông đã hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di, ông đã góp nhiều công sức vào việc di chuyển và xây dựng Trường Đại học Y khoa qua nhiều địa điểm, là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo đội ngũ thầy thuốc, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng phục vụ kháng chiến. Cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần vào việc nghiên cứu, sản xuất Penicilline phục vụ thương bệnh binh. Năm 1947, ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng tập thể bác sĩ và nhân viên bệnh viện Việt-Đức tham gia cấp cứu cho thương bệnh binh.

Năm 1958, Giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1959, ông phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi. Năm 1960, giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Năm 1965, ông triển khai thành công việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.

Vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. Tính đến năm 1979, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã thực hiện khoảng trên 700 ca cắt gan lớn, nhỏ. Ngày nay, mổ gan khô đã trở thành một trong hai phương pháp cắt gan chính trên toàn thế giới.

Suốt cả cuộc đời gắn bó với y học Việt Nam, với sứ mệnh chữa bệnh cứu người từ những năm tháng kháng chiến cho tới những ngày giải phóng sau này, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị.

Với tài năng và những cống hiến của mình, năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng là 1 trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue do Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris trao tặng. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng về Y học mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng./.

Minh Duyên