Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Văn Lượng - TTXVN
“Thông qua Hiệp định Paris, ta đấu tranh đòi thi hành dân chủ, phá bỏ kìm kẹp; ta tổ chức, tập hợp quần chúng mở rộng mặt trận yêu nước, phân hóa bọn tay sai, cô lập kẻ thù, nhằm làm yếu hơn nữa lực lượng mọi mặt của ngụy quân, ngụy quyền, tiến lên hoàn toàn xóa bỏ chúng. Trong trường hợp địch không thi hành hiệp định, gây lại chiến tranh, thì ta có sẵn thế và lực mạnh để phản công tiêu diệt chúng. Tình hình phát triển theo khả năng nào, chúng ta cũng hoàn toàn chủ động. Quyết tâm của chúng ta là tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn chứ không bao giờ dừng lại. Ký Hiệp định, ta tỏ ra rất kiên quyết, nhưng cũng rất mềm dẻo. Ta quyết giành thắng lợi cuối cùng, nhưng biết thắng từng bước...”
Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Trích phát biểu kết luận đợt một Hội nghị Bộ Chính trị, được nêu trong thư “Gửi anh Bảy Cường” ngày 10/10/1974)
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Văn Lượng - TTXVN
“... Hiệp định Paris có ý nghĩa chính trị - ngoại giao to lớn, tạo điều kiện cho nhân dân ta tiếp tục đấu tranh đi đến toàn thắng năm 1975. Buộc phải ký kết Hiệp định Paris, Mỹ mặc nhiên thừa nhận hành động xâm lược và thất bại của họ. Điều 1 của Hiệp định ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Về quân sự, việc Mỹ rút quân hoàn toàn, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự đã làm cho tương quan trên chiến trường thay đổi có lợi cho cách mạng. Chính vì thế, chỉ hơn hai năm sau khi Hiệp định Paris được ký, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc”.
Nguyễn Thị Bình - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
“Hiệp định Paris năm 1973 thể hiện chính sách của Mỹ chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân dân Việt Nam giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 4/1975 và thống nhất đất nước...”
Nguyễn Cơ Thạch - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn chuyên viên. Tại Hội nghị Paris về Việt Nam (giai đoạn cuối)
“Với việc ký kết Hiệp định, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đó là thắng lợi rất to lớn của một trong những cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta chống lại kẻ thù mạnh nhất của phe đế quốc và phản động quốc tế. Đó là thắng lợi rực rỡ của tình đoàn kết dân tộc từ Bắc chí Nam, của tình đoàn kết quân dân rắn như thép, vững như đồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến...
Việc ký Hiệp định Paris có ý nghĩa thời đại và là thắng lợi to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào đấu tranh giành và củng cố độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình của nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ to lớn và quý báu”.
Nguyễn Thành Lê - Nguyên Cố vấn kiêm người phát ngôn Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Mác - Lênin, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam
“Thắng lợi của Hội nghị Paris chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với mặt trận quân sự và chính trị, mặt trận ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp chưa từng có, giành được thắng lợi vẻ vang cho bản “anh hùng ca chống Mỹ, cứu nước”...
Đinh Nho Liêm - Nguyên Ủy viên Tiểu ban Việt Nam (CP 50) trong thời kỳ diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (cũ)
“Những gì diễn ra trong hai năm sau Hiệp định Paris càng khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, đồng thời nói lên sự đóng góp to lớn, có hiệu quả của mặt trận ngoại giao và cuộc đàm phán Paris trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc”.
Trần Huy Chương - Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia và Campuchia