Ý kiến của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, học giả về Hiệp định Paris

 “Thông qua Hiệp định Paris, ta đấu tranh đòi thi hành dân chủ, phá bỏ kìm kẹp; ta tổ chức, tập hợp quần chúng mở rộng mặt trận yêu nước, phân hóa bọn tay sai, cô lập kẻ thù, nhằm làm yếu hơn nữa lực lượng mọi mặt của ngụy quân, ngụy quyền, tiến lên hoàn toàn xóa bỏ chúng. Trong trường hợp địch không thi hành hiệp định, gây lại chiến tranh, thì ta có sẵn thế và lực mạnh để phản công tiêu diệt chúng. Tình hình phát triển theo khả năng nào, chúng ta cũng hoàn toàn chủ động. Quyết tâm của chúng ta là tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn chứ không bao giờ dừng lại. Ký Hiệp định, ta tỏ ra rất kiên quyết, nhưng cũng rất mềm dẻo. Ta quyết giành thắng lợi cuối cùng, nhưng biết thắng từng bước...”

 
Lê Duẩn

 Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

(Trích phát biểu kết luận đợt một Hội nghị Bộ Chính trị,

được nêu trong thư “Gửi anh Bảy Cường” ngày 10/10/1974)

 
“Về đấu tranh ngoại giao, nhân dân ta nhiệt liệt ủng hộ lập trường bảy điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được nêu ra tại Hội nghị bốn bên ở Paris ngày 1/7/1971. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân trong nước phải tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh ngoại giao. Đấu tranh ngoại giao phải nêu cao mục đích đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, kịp thời vạch trần mọi âm mưu và hành động của địch, bóc trần những luận điệu lừa bịp, mị dân của chúng; chỉ rõ thế tất thắng của ta và thế thất bại của địch; góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta”.
 
Trường Chinh
 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
 (Trích phát biểu tại Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 17/12/1971)
 
“Hiệp định Paris là một thắng lợi quan trọng của nhân dân chúng tôi trong cuộc chống Mỹ, cứu nước. Đối với chúng tôi, những điều khoản của nó là thỏa đáng, như Điều 1 bảo đảm những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân chúng tôi. Điều 5 quy định việc rút hết quân đội viễn chinh Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, và Điều 21 ghi rõ Mỹ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng lại Việt Nam sau chiến tranh. Hiệp định Paris mở đường cho thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, kết thúc hơn một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước chúng tôi, đem lại độc lập tự do và thống nhất cho tổ quốc chúng tôi”.
 
Phạm Văn Đồng

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Trích bài trả lời một nhà bình luận Truyền hình Mỹ nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam)

 
“Thấm thoắt đã 10 năm kể từ ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết buộc Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
 Từ ngày ấy, chúng ta đã nhận định: Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của nhân dân Đông Dương, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc và hòa bình trên thế giới. Mặc dù Mỹ không thi hành đầy đủ Hiệp định Paris mà còn ra sức phá hoại, song Hiệp định đó đã tạo điều kiện cho nhân dân ta thực hiện ý thơ của bác hồ:
 
                                           “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,
                                       ... Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”
 
Xuân Thủy
 

Nguyên Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam;

nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội,

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Trích bài đăng trên báo Nhân Dân, ngày 27/01/1983)

 
“Hiệp định Paris là cơ sở chính trị và pháp lý rất quan trọng bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng muốn biến thắng lợi đã giành được thành hiện thực thì phải thông qua đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở cả hai miền…
 Để giữ vững hòa bình, để Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh, nhân dân ta phải đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của mình”.
 
Nguyễn Duy Trinh

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris về Việt Nam

(Kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình và thi hành Hiệp định,

 Bài đăng trên tạp chí Học tập, tháng 01/1974)
 
“... Hiệp định Paris có ý nghĩa chính trị - ngoại giao to lớn, tạo điều kiện cho nhân dân ta tiếp tục đấu tranh đi đến toàn thắng năm 1975. Buộc phải ký kết Hiệp định Paris, Mỹ mặc nhiên thừa nhận hành động xâm lược và thất bại của họ. Điều 1 của Hiệp định ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Về quân sự, việc Mỹ rút quân hoàn toàn, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự đã làm cho tương quan trên chiến trường thay đổi có lợi cho cách mạng. Chính vì thế, chỉ hơn hai năm sau khi Hiệp định Paris được ký, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc”.
 
Nguyễn Thị Bình

 Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 
“Hiệp định Paris năm 1973 thể hiện chính sách của Mỹ chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân dân Việt Nam giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 4/1975 và thống nhất đất nước...”
 
Nguyễn Cơ Thạch

 Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn chuyên viên

 

Tại Hội nghị Paris về Việt Nam (giai đoạn cuối)

 
“Với việc ký kết Hiệp định, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đó là thắng lợi rất to lớn của một trong những cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta chống lại kẻ thù mạnh nhất của phe đế quốc và phản động quốc tế. Đó là thắng lợi rực rỡ của tình đoàn kết dân tộc từ Bắc chí Nam, của tình đoàn kết quân dân rắn như thép, vững như đồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến...
 Việc ký Hiệp định Paris có ý nghĩa thời đại và là thắng lợi to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào đấu tranh giành và củng cố độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình của nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ to lớn và quý báu”.
 
Nguyễn Thành Lê
Nguyên Cố vấn kiêm người phát ngôn Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương,

nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Mác - Lênin,

nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam

 
“Thắng lợi của Hội nghị Paris chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với mặt trận quân sự và chính trị, mặt trận ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp chưa từng có, giành được thắng lợi vẻ vang cho bản “anh hùng ca chống Mỹ, cứu nước”...
 
Đinh Nho Liêm

 Nguyên Ủy viên Tiểu ban Việt Nam (CP 50) trong thời kỳ diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam,

nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (cũ)

 
“Những gì diễn ra trong hai năm sau Hiệp định Paris càng khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, đồng thời nói lên sự đóng góp to lớn, có hiệu quả của mặt trận ngoại giao và cuộc đàm phán Paris trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc”.
 
Trần Huy Chương
 Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia và Campuchia
 

“Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống mỹ xâm lược (...) Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

(Trích bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, ngày 25/01/2013)

“Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai... Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt Nam”.

Trịnh Ngọc Thái

Nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương,

thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris,

nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp (Trích bài phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris)

“Thấm thoắt đã 30 năm kể từ ngày Hiệp định về ngừng bắn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết tại Paris. Hiệp định Paris là văn kiện đối ngoại đánh dấu nấc thang cao nhất mà chúng ta đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Sự so sánh về hoàn cảnh dẫn tới cuộc đàm phán và nội dung các hiệp định sẽ cho thấy từng bước đi lên của cuộc đấu tranh ngoại giao gắn liền với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự của cách mạng nước ta”.

Giáo sư Vũ Dương Ninh

Nhà giáo nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Thành tựu và bài học độc lập tự chủ, tự lập tự cường đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế và nhạy bén chuyển thế trận kịp thời giành thắng lợi quyết định trên mặt trận ngoại giao trong cuộc đàm phán Paris chắc sẽ phải là điều bổ ích trong việc thực thi đường lối đối ngoại đối với thế hệ hôm nay, khi đất nước đi vào đổi mới, hội nhập quốc tế. Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh chính là những tiêu chí cơ bản của ngoại giao trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước và cuộc đàm phán Paris lịch sử”.

Nguyễn Phúc Luân

Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao,

thành viên Ban Tổng kết lịch sử ngoại giao