Thông tấn xã Việt Nam: Những dấu mốc đáng nhớ

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh
    • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa II, III, IV; Trưởng ban Thường trực Quốc hội (9/1955 - 7/1960); Chủ tịch nước (9/1969 - 3/1980)Tôn Đức Thắng
    • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh
    • Bí thư thứ nhất (9/1960 - 12/1976); Tổng Bí thư của Đảng (12/1976 - 7/1986)Lê Duẩn
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa II; Phó Thủ tướng Thường trực; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòngVõ Nguyên Giáp
    • Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam (1945-1947)Trần Kim Xuyến

Ngày 15/9/1945, 13 ngày sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội), Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chính thức phát đi toàn thế giới và trong nước bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử cùng danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam mới bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Đây là bản tin đầu tiên của VNTTX, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Thông tấn quốc gia. Đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, TTXVN đã trải qua những dấu mốc đáng nhớ trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành, càng tự hào trước sự lớn mạnh không ngừng của cơ quan Thông tấn Quốc gia.

Dưới đây là những dấu mốc đáng nhớ trong suốt quá trình hình thành và phát triển của TTXVN:

 * Năm 1945

Ngày 15/9/1945, 13 ngày sau ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội), Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chính thức phát đi toàn thế giới và trong nước bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử cùng danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam mới bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Đây là bản tin đầu tiên của VNTTX, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Thông tấn quốc gia.

* Năm 1946

- Ra đời bản tin đánh máy bằng tiếng Pháp do đồng chí Lê Chân phụ trách, với tin đầu tiên về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6/1/1946) và bản tin tiếng Anh do đồng chí Trần Văn Chương phụ trách (1/8/1946).

- VNTTX đặt phòng đại diện tại Bangkok (Thái Lan), cung cấp các bản tin của VNTTX cho đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, Việt kiều.

* Năm 1947

Đồng chí Trần Kim Xuyến (1921-1947) là người lãnh đạo TTXVN đầu tiên, cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên hy sinh từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là một trong những người có công trực tiếp xây dựng VNTTX ngay từ những ngày đầu bằng việc phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp vào ngày 15/9/1945. Ông được cử giữ chức Phó Giám đốc nha Thông tin (thuộc Bộ Nội vụ) trực tiếp phụ trách VNTTX. Đến nay, tên của ông đã được đặt cho 2 con đường ở Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh.

* Năm 1950

 VNTTX bước đầu hình thành cơ cấu tổ chức một cơ quan thông tấn có: Tin trong nước, tin thế giới, tin đối ngoại, tin tham khảo; bộ phận điện vụ kỹ thuật, in ấn và hành chính.

  * Năm 1952

- VNTTX chính thức thành lập cơ quan thường trú đầu tiên ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

- Bác Hồ đến thăm nơi làm việc của VNTTX tại Sơn Dương, Tuyên Quang, ân cần nhắc nhở anh chị em cán bộ, nhân viên VNTTX đang dự lớp chỉnh huấn, thi đua làm tốt công tác, chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ăn ở giữ vệ sinh, giữ gìn bí mật.

 * Năm 1954

  - Phóng viên VNTTX trực tiếp đưa tin về chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve, giải phóng Thủ đô...

- Nhà số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) được chọn làm trụ sở VNTTX.

- Báo Ảnh Việt Nam ra số đầu tiên

 * Năm 1955

- 7h30 sáng mồng một Tết Ất Mùi, VNTTX vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Bác chúc VNTTX “PHÁT TIN NHANH, KỊP THỜI, TIN TỐT, TIN NHIỀU VÀ ĐẢM BẢO SỰ THẬT”. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác, lời chúc Tết của Bác cũng là lời huấn thị về nghiệp vụ đối với VNTTX.

- Năm 1955, khai giảng lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã khóa đầu tiên, với gần 100 học viên, cung cấp cho các phòng biên tập và các phân xã ở miền Bắc, đồng thời hỗ trợ Đài Tiếng nói Việt Nam và một số báo khác.

 * Năm 1956

Năm 1956, VNTTX đặt phân xã thí điểm tại Liên khu 3 (gồm các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây) do đồng chí Lê Chân là Trưởng phân xã, làm nền tảng cho việc gây dựng hệ thống phân xã trong nước của VNTTX sau này.

* Năm 1958

Phân xã Phnom Penh (Campuchia) chính thức được thành lập.

* Năm 1959

Ngày 15/9/1959, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm và chúc mừng VNTTX. Đồng chí nhấn mạnh: "NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC THÔNG TẤN CHÍNH LÀ CHIẾN ĐẤU TRÊN MẶT TRẬN TƯ TƯỞNG CHỐNG KẺ ĐỊCH VÀ GIÁO DỤC NHÂN DÂN".

 * Năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên Thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh là nhà báo Huỳnh Ngọc Hường - phóng viên VNTTX. Người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên - Phó Giám đốc VNTTX. (Ảnh: TTXVN)

 - Ngày 14/4/1960, VNTTX kết nghĩa với Sư đoàn 304.

- Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) ra đời tại Chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ. Từ ấy, VNTTX và TTXGP, tuy hai mà một, sát cánh bên nhau cùng chung nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước. Hơn 15 năm thành lập và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (10-1960/5-1976), Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang, góp phần tích cực vào trang sử oanh liệt của quân, dân miền Nam và nhân dân cả nước.

* Năm 1965

- Thành lập phân xã Alger (Algeria).

- VNTTX mở lớp điện báo đầu tiên gồm gần 100 người. Đội ngũ cán bộ công nhân viên VNTTX tăng gấp 6 lần, phát tin gấp 20 lần, trung bình mỗi ngày phát 75.000 từ tin tham khảo, 50.000 từ tin phổ biến, mỗi năm phát hành gần 50 vạn tấm ảnh các loại.

* Năm 1967

- Ngày 14/2/1967, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đến thăm VNTTX. Đồng chí căn dặn: "Mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên của VNTTX phải là một chiến sĩ cách mạng".

- TTXVN thành lập phân xã Moskva (Liên Xô), phân xã Cairo (Ai Cập).

* Năm 1968

 - Phóng viên TTXGP có mặt tại khắp các đô thị ở miền Nam, đặc biệt là Huế và Sài Gòn, ghi lại kịp thời chiến công của quân và dân Việt Nam trong đợt tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, 5 đồng chí đã hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn.

- VNTTX là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về sự kiện thành lập Thông tấn xã nước Lào - Khaosan Pathet Lao (viết tắt là KPL) ngày 6/1/1968, với sự giúp đỡ chí nghĩa chí tình của VNTTX. Trước đó, VNTTX đã cử hàng chục phóng viên, biên tập viên tin, ảnh, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Tin, bài ảnh, do phóng viên VNTTX thực hiện từ các mặt trận và các vùng giải phóng được gửi về khu căn cứ Trung ương của cách mạng Lào ở Sầm Nưa, để phục vụ lãnh đạo các lực lượng kháng chiến Lào, cung cấp cho đài phát thanh Pathet Lào và báo của Mặt trận Lào yêu nước, đồng thời chuyển về Tổng xã VNTTX để xử lý, rồi phát cho các báo ở Việt Nam và nhiều nước khác.

* Năm 1972

- Phóng viên VNTTX và TTXGP có mặt trên các mặt trận: Quảng Trị, Đắc Tô, Tân Cảnh, Đường 13. Nhiều đồng chí đã hy sinh trong khi cùng bộ đội truy kích địch. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, phóng viên VNTTX đã có mặt cùng các đơn vị chiến đấu để đưa tin và ảnh về quân dân ta đánh bại máy bay B.52 của Mỹ, bắt giặc lái, và tố cáo tội ác man rợ của chúng.

 * Năm 1973

- Phóng viên VNTTX có mặt tại Paris (Pháp) để thông tin về quá trình ký kết Hiệp định Paris kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tiếp đó VNTTX cử phóng viên bên cạnh Phái đoàn quân sự của ta trong phái đoàn liên hợp quân sự 4 bên.

- Đoàn chi viện thứ 3 của VNTTX cho TTXGP do Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân dẫn đầu cùng 149 phóng viên trẻ (khóa GP10) lên đường vào chiến trường. Trong những năm kháng chiến VNTTX đã chi viện cho TTXGP gần 450 người, cùng nhiều máy móc, trang thiết bị và nhu yếu phẩm.

* Năm 1974

- Bản tin tiếng Tây Ban Nha thuộc Ban biên tập tin Đối ngoại chính thức phát sóng sang Cuba và Mỹ Latinh qua Thông tấn xã Prensa Latina, đánh dấu giai đoạn mới trong công tác thông tin đối ngoại của VNTTX.

 - Phóng viên VNTTX và TTXGP dồn dập đưa tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, đặc biệt từ các mặt trận Đắk Lắk, Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Phóng viên VNTTX đã có mặt ở tất cả các mũi tiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đặc biệt, phóng viên của VNTTX và TTXGP đã cùng với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn, tiếp quản Dinh Độc Lập, đưa tin ảnh về sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền ngụy Sài Gòn.

* Năm 1976

VNTTX và TTXGP hợp nhất thành Việt Nam Thông tấn xã.

Ngày 24/5/1976, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành VNTTX. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành Thông tấn. Ngay sau khi thống nhất ngành, VNTTX đã tổ chức Hội nghị toàn ngành Thông tấn thống nhất lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đánh giá thành tựu phát triển của ngành, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng công tác trong giai đoạn cách mạng mới.

* Năm 1977

Ngày 12/5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

* Năm 1978

Ngày 25/12/1978, TTXVN cử 5 tổ công tác theo 5 mũi tiến quân, chứng kiến và ghi lại bằng tin, ảnh thắng lợi của quân đội ta và của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, những bằng chứng về tội ác diệt chủng của bọn Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan, giúp cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ những sự thật xảy ra trên đất nước Chùa Tháp.

 * Năm 1979

- Phóng viên TTXVN có mặt trên các mũi tiến quân chính của Quân đội nhân dân Việt Nam, phối hợp với Quân đội cách mạng Campuchia tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ.

- 50 cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXVN có mặt kịp thời tại mặt trận phía Bắc, theo sát các đơn vị bộ đội, dân quân, tự vệ, phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở vùng biên giới phía Bắc đánh trả bọn xâm lược.

* Năm 1980

- Ngày 23/7/1980, tàu Liên hợp 37 của Liên Xô chở nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô V.Gorbatko bay vào vũ trụ. Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu một đoàn phóng viên tin, ảnh có mặt tại sân bay vũ trụ Baiconua để phản ánh về chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân.

 - Ngày 15/9/1980, kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống của ngành, Đảng và Nhà nước tặng TTXVN Huân chương Độc lập hạng nhất.

* Năm 1982

- TTXVN gia nhập Tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) và là thành viên Ban Chấp hành tổ chức này.

- Tháng 8/1982, trên cơ sở tờ Tin nhanh Espana’ 82-tờ Tin nhanh World Cup đầu tiên của Việt Nam do TTXVN phát hành-báo Thể thao & Văn hóa chính thức ra đời với tên “khai sinh” là Văn hóa & Thể thao Quốc tế-một “bản tin văn hóa, xã hội, y tế, thể dục thể thao” do TTXVN phát hành vào ngày Thứ Bảy hằng tuần.

* Năm 1983

- Ngày 14/5/1983, báo Tuần Tin tức ra số đầu tiên.

- Ngày 5/1/1983, báo Khoa học Kỹ thuật Kinh tế Thế giới ra số đầu tiên.

* Năm 1984

Ngày 23/4/1984, sau 4 năm nghiên cứu, chiếc máy vi tính đầu tiên mang tên TTX-3 do cán bộ, kỹ sư TTXVN lắp ráp đã thành công. Đây là một thành công lớn của bộ phận kỹ thuật và cũng là thắng lợi của TTXVN trong việc đổi mới kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc hiện đại hóa công tác thông tin của ngành. Từ đó, cơ quan sử dụng máy vi tính vào công việc xử lý thông tin, tạo tiền đề từng bước hòa nhập vào hệ thống thông tấn quốc tế.

* Năm 1985

Ngay ngày đầu tiên của năm mới, Tổng Bí thư Lê Duẩn điện chúc mừng năm mới TTXVN. Đồng chí Tổng Bí thư khen ngợi TTXVN đã có tin tham khảo bổ ích, đồng thời chúc cán bộ, phóng viên TTXVN: Tin nhiều, nhanh, bổ ích, tính tư tưởng cao.

* Năm 1988

- Ngày 1-8-1988, TTXVN đã thành công trong việc đưa hệ thống sắp chữ điện tử cài đủ 5 dấu tiếng Việt vào hoạt động. Với thành tựu này, TTXVN cũng đã chính thức áp dụng vào hệ thống truyền tin điện tử (micro computer) tốc độ cao giữa Hà Nội-TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống vệ tinh Intersputnik thay cho máy truyền chữ trước đây.

- Thành công của việc cài đặt bàn phím có mẫu tự tiếng Việt đủ 5 dấu được ghi nhận là một phát minh, sáng chế và được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Bằng chứng nhận.

* Năm 1989

TTXVN tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 10. 

* Năm 1990

TTXVN tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 45 Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

* Năm 1991

- Tháng 1/1991, Bản tin ảnh Miền núi và Dân tộc ra đời (sau đổi thành báo ảnh Dân tộc và Miền núi).

- Ngày 17/6/1991, báo Việt Nam News ra đời. Đây là tờ báo tiếng Anh hằng ngày đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam.

- Ngày 9/7/1991, báo Tin tức buổi chiều phát hành số đầu tiên. 

* Năm 1992

Ngày 2/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ban hành Nghị định số 112-HĐBT, xác định TTXVN là Hãng Thông tấn Nhà nước của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. 

* Năm 1993

Báo Le Courrier du Vietnam ra đời.

* Năm 1994

Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum ra đời. 

* Năm 1995

Ngày 14/9/1995, TTXVN tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Sao Vàng. 

* Năm 1996

Tác giả Lâm Hồng Long được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) cho cụm tác phẩm ảnh tiêu biểu:

Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” chụp Bác Hồ đang bắt nhịp bài ca Kết đoàn trong đêm văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960)

Bức ảnh “ Mẹ con ngày gặp mặt” ghi lại giây phút xúc động của mẹ con người tử tù Côn Đảo gặp nhau sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (4/1975)

* Năm 1997

- Ngày 27/7/1997, Đảng và Nhà nước đã tặng cán bộ, công nhân viên của TTXVN Huân chương Lao động hạng nhất.

- Sáng ngày 5/9/1997 tại Hà Nội, TTXVN tổ chức lễ khai trương và đưa vào hoạt động mạng dịch vụ cung cấp thông tin VNANET

- Các phân xã TTXVN tại Jakarta (Indonesia), Buenos Aires (Argentina), Mexico, Sydney (Australia) được thành lập 

* Năm 1998

- Ngày 19/8/1998, TTXVN chính thức mở trang thông tin của TTXVN trên mạng Internet tại địa chỉ www.vnanet.vn. Đây là một bước ngoặt mới quan trọng đánh dấu một mốc mới trên bước đường phát triển của TTXVN.

- Ngày 29/12/1998, lần đầu tiên TTXVN tổ chức trao Giải thưởng báo chí toàn ngành với 4 giải A, 8 giải B, 7 giải C và 11 giải khuyến khích.

- Cũng trong năm 1998, TTXVN chấm dứt việc phát tin sóng ngắn, kết thúc 53 năm phát tin đối ngoại bằng sóng ngắn kể từ khi phát bản tin đầu tiên là bản Tuyên ngôn độc lập.

* Năm 1999

Ngày 24/11/1999, Tổng Giám đốc TTXVN ký Quyết định số 592/1999/QĐ-TTX ban hành Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn để tặng (và truy tặng) cho những cá nhân có nhiều thành tích trong công tác, sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TTXVN.

Năm 2004 đổi tên thành Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tấn.

* Năm 2000

Từ ngày 8-13/5/2000, TTXVN tổ chức Hội nghị toàn ngành khẳng định mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt là công tác thông tin, xây dựng TTXVN thành Trung tâm thông tin chiến lược quốc gia mạnh, thành Tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

* Năm 2001

- Ngày 21/6/2001, TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

- Báo Tin tức đạt số phát hành đỉnh cao 340.000 bản/ ngày nhân sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

- Tháng 7/2001, Nhà xuất bản Thông tấn được thành lập.

* Năm 2005

- Ngày 17/4/2005, TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

- Ngày 20/1/2005, Thể thao & Văn hóa tổ chức Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ nhất rồi trở thành sự kiện thường niên, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các nhà chuyên môn, báo giới và đông đảo công chúng.

- Tháng 3/2005, Báo Ảnh Việt Nam và Tạp chí Outlook của báo Việt Nam News chính thức được đưa vào hệ thống tư liệu của Liên hợp quốc.

- Ngày 11/6/2005, khánh thành bia tưởng niệm TTXGP Trung Trung bộ tại căn cứ Khu ủy khu V, xã Phước Trà, huyện Hiệp Phước, tỉnh Quảng Nam.

* Năm 2008

- TTXVN tổ chức Giải ảnh Báo chí Khoảnh khắc vàng. Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng được TTXVN tổ chức trên phạm vi toàn quốc, nhằm góp phần nâng cao chất lượng của ảnh báo chí Việt Nam.

- Ngày 13/11/2008, khai trương báo điện tử Vietnamplus - báo điện tử nhiều ngữ nhất Việt Nam: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

- Năm 2008, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái sáng lập nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội.

* Năm 2009

Ngày 27/4/2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt maket số báo đặc biệt của Báo Ảnh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

* Năm 2010

- Ngày 15/9/2010, TTXVN long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

- Ngày 5/5/2010, VietnamPlus chính thức chạy phiên bản web cho điện thoại di động và trở thành báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên tất cả các nền tảng - website, mobile và ứng dụng cho điện thoại di động.

- Ngày 7/6/2010, TTXVN chính thức ra mắt bộ logo mới, được thiết kế trên nhóm ký tự “TTXVN” với chữ V màu đỏ có gắn quả cầu.

- Ngày 25/8/2010, khai trương Kênh Truyền hình Thông tấn (VNews) - kênh truyền hình chuyên biệt tin tức chính luận, đánh dấu một bước tiến mới trên lộ trình phát triển thông tin đa phương tiện của TTXVN.

- Ngày 28/9/2010, TTXVN ra mắt phiên bản tiếng Trung trên báo điện tử Vietnam Plus.

* Năm 2012

Ngày 2/12/2012, khánh thành Trung tâm Thông tấn Quốc gia. Công trình được khởi công từ tháng 6-2007, trên khuôn viên trụ sở cũ của TTXVN. Trung tâm Thông tấn Quốc gia được khánh thành, gồm 11 tầng nổi, 2 tầng hầm, được trang bị hệ thống kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

* Năm 2013

- Ngày 25/2/2013, báo “Thời báo Việt Hàn” -  tờ báo tiếng Hàn đầu tiên ở Việt Nam do Báo ảnh Việt Nam và báo Kiều dân Hàn Quốc hợp tác thực hiện - xuất bản số đầu tiên.

- TTXVN vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

* Năm 2014

- Năm 2014, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm thông tin theo hướng đa phương tiện, mở ra nhiều loại hình mới: Khởi động lại Chương trình thông tin đồ họa, cung cấp tin kèm ảnh trên trang thông tin dịch vụ…

- Ngày 5/3/2014, TTXVN phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến- nhà báo liệt sỹ, vị lãnh đạo đầu tiên của TTXVN- tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. 3 năm sau, tên của ông tiếp tục được đặt cho một con đường tại thị trấn Phổ Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

- Tháng 5/2014, trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phóng viên TTXVN nằm trong số những nhà báo đầu tiên có mặt tại thực địa, sát cánh cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

* Năm 2015

- Ngày 24/3/2015, TTXVN giới thiệu 5 sản phẩm thông tin mới, gồm: Tin đồ họa; Tin âm thanh, Trang tích hợp Tin-Ảnh; Bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam và thế giới”; Báo ảnh song ngữ Dân tộc & miền núi tiếng Tày, Xê-đăng, Cơ-tu.

- Ngày 15/4/2015, khai trương phòng Truyền thống TTXVN, tại trụ sở 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, giới thiệu đến đông đảo công chúng những trang sử quang vinh được xây đắp từ máu và mồ hôi, công sức của các thế hệ những người làm báo Thông tấn xã.

- Ngày 27/5/2015, Lễ trao giải toàn quốc về thông tin đối ngoại lấn thứ nhất được tổ chức tại TTXVN

- Tháng 10/2015, Báo Ảnh Việt Nam khai trương trang thông tin điện tử bằng tiếng Hàn, nâng tổng số ngữ của báo lên 10 ngữ. Báo ảnh Việt Nam lập kỷ lục tờ báo nhiều ngữ nhất Việt Nam.

- Báo điện tử VietnamPlus được Hiệp hội các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) chọn là một trong năm Tòa soạn nhỏ sáng tạo nhất thế giới, năm 2015.

* Năm 2016

Ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. TTXVN định hướng phát triển một số tờ báo, tạp chí in và báo điện tử đối ngoại quốc gia có tầm cỡ khu vực và thế giới.

* Năm 2017

 - TTXVN cung cấp nhiều loại hình thông tin chính xác, kịp thời, đúng định hướng về Năm APEC Việt Nam 2017, cao điểm là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 6-11/11 tại Đà Nẵng, khẳng định vị thế của cơ quan thông tấn quốc gia, góp phần vào sự thành công của sự kiện ngoại giao lớn nhất của đất nước trong năm 2017.

- Nhà báo-liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972) được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại”. Đây là lần thứ hai, phóng viên của TTXVN vinh dự được tặng giải thưởng cao quý này.

- Tháng 10/2017, phóng viên Đinh Hữu Dư của CQTT Yên Bái hy sinh trong khi đưa tin về mưa lũ, gây xúc động mạnh trong xã hội về tấm gương một nhà báo trẻ sống có lý tưởng và khát vọng cống hiến. Từ ước mơ của anh, Đoàn thanh niên TTXVN đã phát động phong trào xây dựng Tủ sách Đinh Hữu Dư tặng trẻ em vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn.

* Năm 2018

Báo điện tử VietnamPlus ra mắt ứng dụng chatbot tự động tương tác với độc giả, đánh dấu bước tiến mới của tòa soạn trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong báo chí.

 * Năm 2019

- Tháng 4/2019, TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chấp hành tổ chức các hãng Thông tấn Châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 và vinh dự nhận giải thưởng xuất sắc chất lượng Thông tấn của OANA.

- Ngày 9/9/2019, khánh thành Trung tâm Truyền hình Thông tấn - tại 33 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

- Từ ngày 23/2-2/3, chiến dịch thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai huy động sức mạnh tổng lực toàn ngành, xuất bản số lượng kỷ lục hơn 3.800 sản phẩm thông tin. Báo Việt Nam News số ra ngày 28/2/2019 với trang nhất là tấm ảnh lớn về cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội, cùng tiêu đề “Give peace a chance” (Hãy cho hòa bình một cơ hội) xuất hiện trong chương trình tin tức buổi sáng của đài CNN đến với công chúng toàn thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư khen TTXVN vì thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền sự kiện đối ngoại quan trọng này.

* Năm 2020

- Sáng 13/9, tại Trụ sở Thông tấn Quốc gia (Hà Nội), TTXVN long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập (15/9/1945-15/9/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Ngày 3/3/2020, với việc ra mắt phiên bản tiếng Nga, báo điện tử Vietnamplus, hiện được phát hành với 6 ngôn ngữ chính gồm: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, và tiếng Nga, khẳng định vị thế của báo điện tử Đối ngoại quốc gia cung cấp thông tin thời sự bằng nhiều thứ tiếng nhất Việt Nam.

- Ngày 16/6/2020, TTXVN nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những thành tích xuất sắc trong công tác thông tin về đại dịch COVID-19.

- Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể, trong đó có TTXGP (TTXVN).

- Ngày 9/9/2020, dự án chống tin giả của TTXVN đã giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital Châu Á 2020 của WAN-IFRA.Giải thưởng sẽ được công bố chính thức tại sự kiện e-Digital Media Asia 2020 vào ngày 15/10/2020.

 * Năm 2021

Hai trang thông tin đặc biệt daihoidang.vn và baucuquochoi.vn với 5 loại hình báo chí: văn bản, ảnh, video, đồ họa, dữ liệu truyền tải đến công chúng những thông tin chính thống, nhanh nhạy trên nền tảng thiết kế tương tác hiện đại

* Năm 2022

TTXVN là hãng thông tấn chủ nhà về tin, ảnh của SEA Games 31. Trang thông tin đặc biệt https://seagames.vnanet.vn/ phát huy thế mạnh của cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia

Hiện nay, TTXVN là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia với hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (trong đó có hơn 1000 nhà báo). TTXVN có hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước; hơn 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình…

Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian tới, TTXVN sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực./.

Tư liệu TTXVN