Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm với Thủ tướng Vim Cốc. Thủ tướng Phan Văn Khải rời La Hay kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hà Lan

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị Khóa VII, VIII, IX; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (9/1997 - 6/2006)Phan Văn Khải
    • Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ (8/2002 - 6/2006)Vũ Khoan
    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Chủ tịch Quốc hội khóa XIII (đến 3/2016)Nguyễn Sinh Hùng

Hà Nội (TTXVN 16/10/2001) Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 15/10/2001, ngay sau lễ đón chính thức tại Quảng trường Bin-nen-hốp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Hà Lan Vim Cốc. Tham dự hội đàm về phía Việt Nam có Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Thứ trưởng Ngoại giao Chu Tuấn Cáp và Đại sứ nước ta tại Hà Lan Đinh Hoàng Thắng. Tham dự về phía Hà Lan có Bộ trưởng Ngoại giao Giô-xi-át Van át-xen, các quan chức cao cấp cuả Phủ Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam.

            Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Vim Cốc đã trao đổi ý  kiến về các vấn đề thuộc quan hệ song phương và một số vấn đề quốc tế  và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

           Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ vui mừng thăm đất nước Hà Lan  tươi đẹp và mến khách; thông báo cho Thủ tướng Hà Lan về tình hình  Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cuả nước ta trong thời  gian tới và về chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng  hoá quan hệ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cuả ta. Thủ tướng  Phan Văn Khải đánh giá cao những thành tựu về kinh tế-xã hội và khoa  học-công nghệ cuả Hà Lan, nhấn mạnh hai nước Việt Nam-Hà Lan có tiềm  năng phong phú và nhiều điểm tương đồng để mở rộng hợp tác và bổ sung  cho nhau; Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng phát triển quan  hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), trong đó Hà Lan có một vị trí  quan trọng; bày tỏ mong muốn hai nước đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp  tác trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, thương mại, đầu tư, văn hóa  và khoa học công nghệ.

           Thay mặt Chính phủ và nhân dân ta, Thủ tướng Phan Văn Khải đã  chân thành cảm ơn về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và  nhân dân Hà Lan đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đổi mới và xây  dựng đất nước.

           Thủ tướng Hà Lan Vim Cốc bày tỏ vui mừng và vinh dự đón tiếp  Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên thăm chính thức Vương quốc Hà  Lan và nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm chính thức Việt  Nam tháng 6/1995. Thủ tướng Vim Cốc ca ngợi những thành tựu đổi mới  về các mặt chính trị, kinh tế-xã hội, đánh giá cao vai trò cuả Việt  Nam ở khu vực như chính sách đối ngoại rộng mở và chủ động hội nhập  quốc tế cuả ta. Thủ tướng khẳng định chính sách cuả Hà Lan ưu tiên  hợp tác phát triển với Việt Nam, tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các  lĩnh vực phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, quản lý nguồn  nước, y tế, nâng cao năng lực quản lý sự phát triển; sẵn sàng chia sẻ  kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực đê điều, phòng chống  thiên tai, phát triển bền vững; tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp  Hà Lan tăng cường đầu tư hơn nữa ở Việt Nam. Thủ tướng Vim Cốc nhấn  mạnh Hà Lan hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng thị trường Hà Lan và EU cho  hàng xuất khẩu cuả Việt Nam, tích cực hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ  chức Thương mại Thế giới (WTO).

           Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Vim Cốc bày tỏ hài lòng  trước những phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa  hai nước trong thời gian qua; nhất trí về phương hướng phát triển  quan hệ Việt Nam-Hà Lan lên một quy mô mới, ổn định, lâu dài, tương  xứng với tiềm năng phong phú của hai bên và đáp ứng nguyện vọng và  lợi ích của nhân dân hai nước.

           Ngay sau buổi hội đàm, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng  Vim Cốc đã chứng kiến lễ ký kết Bản thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam  và Hà Lan do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Tổng Vụ  trưởng Hợp tác quốc tế Bộ Hợp tác phát triển Hà Lan thay mặt hai  Chính phủ ký, trong đó Chính phủ Hà Lan sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát  triển cho Việt Nam từ 30 triệu ghin-đơ năm 2000 lên 60 triệu ghin-đơ  (24 triệu USD) vào năm 2003, giúp Việt Nam thực hiện dự án nâng cao  năng lực quản lý sự phát triển cho các quan chức địa phương và đồng  tài trợ cùng với Ngân hàng thế giới một khoản viện trợ không hoàn lại  33 triệu ghin-đơ (13 triệu USD) cho chương trình xóa đói giảm nghèo ở  Việt Nam.

           Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

           - Chiều 16/10, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phu nhân và các vị  khách Việt Nam đã rời La Hay lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp  chuyến thăm Vương quốc Hà Lan.

         Trước đó, trong chương trình thăm Vương quốc Hà Lan, sáng  16/10, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phu nhân và các vị khách Việt Nam đã  đi thăm Ô-xtơ-sen-đê-đam, Tòa thị chính Mít-đên-buốc. Cùng đi với Thủ  tướng Phan Văn Khải có bà J.M. đơ Vri-ét, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao  Vương quốc Hà Lan.

           Đánh giá kết quả chuyến thăm 3 nước châu Âu của Thủ tướng  Phan Văn Khải và Phu nhân, trong phát biểu với phóng viên TTXVN, đồng  chí Vũ Khoan, Bí Thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thương mại, nói:  "Hoàn toàn có cơ sở để nói rằng chuyến thăm đã kết thúc rất tốt đẹp.  Trước hết, chuyến thăm đã thúc đẩy được một bước quan trọng quan hệ  hợp tác về nhiều mặt, nhất là về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và  3 nước tới thăm. Những thỏa thuận song phương có tác dụng lâu dài  và cơ bản. Lãnh đạo cấp cao và giới kinh doanh ở ba nước đều  thể hiện mạnh mẽ lòng mong muốn nâng cao và mở rộng hơn nữa sự hợp  tác với Việt Nam như một hướng ưu tiên trong việc hướng mạnh sang  châu á - Thái Bình Dương. Cả 3 nước đều xếp Việt Nam vào danh sách  các nước nhận ưu tiên hỗ trợ phát triển. Và cả 3 nước đều cam kết ủng  hộ mạnh mẽ việc đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu  (EU), ủng hộ chủ trương hội nhập của Việt Nam, nhất là ủng hộ Việt  Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

           Bộ trưởng Vũ Khoan khẳng định: Chuyến thăm của Thủ tướng Phan  Văn Khải đã thực hiện "đúng lúc", "đúng chỗ". Nhưng kết quả đạt được  chỉ mới là tạo tiền đề. Vấn đề cơ bản là cần khai thác, chủ động khai  thác những thuận lợi được mở ra trong chuyến thăm này. Điều đó thuộc  về các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương sẽ khai thác thuận lợi  để gia tăng trao đổi hàng hóa, tranh thủ lợi thế để đầu tư vì lợi ích  của mỗi doanh nghiệp và đất nước./.