[Photo] Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Những dấu mốc đáng nhớ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để giành những thắng lợi vĩ đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Sài Gòn, tháng 9/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, nhằm giải quyết giặc dốt - một trong các vấn đề cấp bách nhất của đất nước thời gian đó. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 12/1/1946, hàng vạn nhân dân Thủ đô mít tinh tại khu học xá Trung ương (nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội) chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu vừa trúng cử vào Quốc hội khoá I. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I thảo luận và thông qua Hiến pháp 1946. Đến ngày 9/11/1946, Quốc hội Khóa I (kỳ họp thứ 2) chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946, là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)
Ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny ký Hiệp định Sơ bộ, tạm hoà hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng ra khỏi đất nước, tránh đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù nguy hiểm. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát)
Trong những năm 1945-1946, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, trong đó có nhiệm vụ trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám, tiêu biểu là chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng An ninh phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946, đập tan cuộc đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân do liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN phát)
Ngày 14/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước, tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cổ lực lượng, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN phát)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (11-19/2/1951) là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng, trong đó khẳng định đưa sự nghiệp kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ cấp bách. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre biểu tình phản đối đế quốc Mỹ trong phong trào Đồng Khởi. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III, được tổ chức từ ngày 5-10/9/1960 tại Hà Nội quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Nguồn: TTXVN)
Bắt sống phi công Mỹ trong chiến tranh phá hoại ra miền Bắc lần thứ nhất (1967). (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Con đường huyền thoại này là tuyến giao thông chiến lược, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, là chiến trường diễn ra cuộc chiến đấu và đấu trí quyết liệt giữa ta và địch. Con đường vận tải chiến lược Trường Sơn trở thành biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, chấm dứt ném bom không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ cứu nước (Hà Nội, 11/7/1969). (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)
Nhà máy thủy điện Thác Bà khởi công xây dựng ngày 19/8/1964, đến ngày 19/5/1972 đã đưa vào vận hành cả 3 tổ máy. (Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN)
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, đánh bại hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/2973, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. (Nguồn: TTXVN)
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, lập chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Nguồn: TTXVN)
Xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Francoise Demulder/TTXVN)
Cử tri khu Ba Đình, Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất, ngày 25/4/1976. (Nguồn: TTXVN)
Đoàn tàu Thống Nhất từ Thành phố Hồ Chí Minh tới ga Hà Nội ngày 4/1/1977 trước sự vui mừng của nhân dân Thủ đô. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/1-4/2/1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Năm 1978, quân và dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự xâm lược của tập đoàn phản động Pol Pot. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)
Lực lượng công an nhân dân vũ trang dũng cảm chiến đấu giữ vững pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)
Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp mới, tháng 12/1980. Với Hiến pháp năm 1980, lần đầu tiên vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định tại Điều 4, đây là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội. (Nguồn: TTXVN)
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại - công trình do Liên Xô giúp đỡ, chạy thử đồng bộ không tải tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Phả Lại, đạt các thông số kỹ thuật (1983). (Ảnh: Cẩm Bình/TTXVN)
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười, sáng 6/11/1991 tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc. Tại chuyến thăm này, hai nước tuyên bố khép lại quá khứ, mở ra tương lai, thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1992 (tháng 9/1992), đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị-pháp lý và thực tiễn sâu sắc. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)